Du khách nô nức về chiêm bái thắng cảnh Côn Sơn dịp đầu năm mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Côn Sơn thuộc TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương là một danh thắng và di tích lịch sử đã in dấu trên sử sách từ 7 thế kỷ trước. Đến nay, hàng trăm năm đã qua đi với biết bao biến cố, Côn Sơn vẫn giữ được màu sắc thanh xuân, tươi mát, u tịch trong màu xanh kỳ diệu của núi rừng và vẫn là điểm du lịch hàng năm thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan, chiêm ngưỡng…
Thắng cảnh Côn Sơn thu hút đông đảo du khách tới chiêm bái, vãn cảnh du lịch đầu năm mới.
Thắng cảnh Côn Sơn thu hút đông đảo du khách tới chiêm bái, vãn cảnh du lịch đầu năm mới.

Vào Tết Nguyên đán năm 2021, TP Chí Linh nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung thực hiện nghiêm, chặt chẽ việc kiểm soát phòng chống dịch nên hầu như các điểm du lịch tâm linh ở đây như: danh thắng Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, đền Cao An Lạc đều phải đóng cửa, không người du xuân, lễ bái. Nhưng năm nay, việc đi lại của người dân đã được diễn ra thuận tiện hơn và vẫn đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. Vì vậy, các điểm du lịch tâm linh ở đây dường như trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong tỉnh và các địa bàn lân cận.

Tại TP Chí Linh, thắng cảnh Côn Sơn nổi tiếng bao đời nay với rừng thông cổ thụ và rừng rễ gắn với cuộc đời quan Tư đồ Trần Nguyên Đán và phu nhân. Ngày nay, rừng thông này vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt. Bên hồ Côn Sơn, rừng rễ bạt ngàn vẫn trải màu xanh ngắt. Cùng với việc bảo vệ rừng thông cũ, trong những năm qua, diện tích rừng thông ở Côn Sơn liên tục được mở rộng và trồng mới, tạo cảnh quan thiên nhiên kỳ thú.

Người dân nô nức về với Côn Sơn, TP Chí Linh.

Người dân nô nức về với Côn Sơn, TP Chí Linh.

Núi Côn Sơn (dân gian thường gọi là núi Hun) cao gần 200m dài trên 1km thuộc xã Cộng Hòa, TP Chí Linh. Núi có hình con sư tử khổng lồ sau những năm tháng viễn du đã chọn nơi đây làm điểm dừng chân vĩnh viễn. Trên đỉnh của núi là một khu đất bằng phẳng, tại đây có nhiều phiến đá rộng, tục gọi là Bàn Cờ Tiên.

Du khách đến với Côn Sơn có thể chiêm ngưỡng cảnh núi rừng hùng vĩ, tuyệt đẹp, cổ kính từ chân núi lên “đánh cờ" ở Bàn Cờ Tiên khi đã “qua” đủ 600 bậc tam cấp bằng đá xếp. Đặc biệt, rừng Côn Sơn được tạo nên bởi bạt ngàn nhiều cây thông mã vi, có cây tuổi vài thế kỷ. Ngoài thông là trúc, nứa, sim mua, mẫu đơn… Mỗi năm khi mùa xuân đến, Côn Sơn như khoác trên mình tấm áo hoa tươi thắm.

Du khách về chiêm bái Côn Sơn những ngày đầu năm Nhâm Dần đông đúc, nhộn nhịp.

Du khách về chiêm bái Côn Sơn những ngày đầu năm Nhâm Dần đông đúc, nhộn nhịp.

Suối Côn Sơn cũng là điểm dừng chân của không ít khách du lịch. Dòng suối này rì rào chảy quanh năm suốt tháng. Bên suối có hai tảng đá sỏi kết lớn tương đối bằng phẳng - gọi là Thạch Bàn (còn gọi là hòn đá năm gian). Tương truyền Nguyễn Trãi thường ngồi đây ngắm cảnh, làm thơ và suy tư việc nước.

Dưới chân núi Côn Sơn có một ngôi chùa cổ nằm trong một khuôn viên khá rộng, gọi là chùa Côn Sơn (tục gọi là chùa Hun). Ngôi chùa này được khởi dựng vào cuối thế kỷ 13, mở rộng năm 1329 và trùng tu, tôn tạo ở các thế kỷ 17, 18 và mấy chục năm gần đây. Chùa hiện nay có kiến trúc kiểu chữ “Công”, còn ngói mũi hàn và đá tảng hoa sen là di tích thời Trần. Trong chùa có những tượng Phật cỡ lớn, cao tới 2 - 3m, 14 tấm bia đá dựng từ thời hậu Lê ở xung quanh chùa là những văn bản ghi nhận các sự kiện quan trọng xảy ra trên mảnh đất này.

Du khách thành kính dâng hương tại đền thờ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn.

Du khách thành kính dâng hương tại đền thờ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn.

Những ngày đầu xuân năm mới năm nay, tại Côn Sơn, hàng ngàn lượt du khách đã không quản ngại đường xá xa xôi để về đây chiêm ngưỡng, chiêm bái. Du khách đi theo từng đoàn, từng gia đình với tâm thế vui mừng đầy phấn khởi, nô nức. Khi mệt mỏi, họ có thể dừng nghỉ tại một số quán ăn tại đây để thưởng thức những đặc sản nổi bật của người dân địa phương như cốm xanh, bánh trái...

Mọi người đến với Côn Sơn nhộn nhịp, đông đúc nhưng ai nấy đều ý thức được việc phải tuân thủ đảm bảo phòng chống dịch như đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông một chỗ...

Đăch biệt, khi vào lễ bái cầu may cầu tài lộc tại chùa Côn Sơn xong, các du khách đều tranh thủ lán lại đi dạo vãn cảnh, chụp hình hoặc qua các quầy của ông đồ để xin chữ đầu năm. Cảnh vật ở Côn Sơn luôn trầm mặc, đậm nét cổ kính, trang nghiêm vốn có nhưng ngày Tết vẫn được Ban quản lý di tích điểm tô, sửa sang cho thêm phần sinh động, nổi bật hơn với những chậu hoa hồng, hoa cúc hoặc bức tranh giới thiệu về di tích Côn Sơn... Chỉ từng đó thôi đã khiến cho Côn Sơn càng thêm phong cảnh hữu tình, nên thơ từ cảnh vật đến núi rừng và không khí linh thiêng, cổ kính hơn.

Du khách vừa lễ bái vừa vãn cảnh ở Côn Sơn nhưng vẫn tuân thủ phòng chống dịch.

Du khách vừa lễ bái vừa vãn cảnh ở Côn Sơn nhưng vẫn tuân thủ phòng chống dịch.

Theo thông tin từ các Ban quản lý di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh Hải Dương, từ ngày 31/1 đến ngày 4/2, các khu di tích, danh thắng đã đón hàng vạn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến dâng hương, chiêm bái.

Cụ thể, Di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc (thành phố Chí Linh) đã đón trên 3 vạn lượt du khách. Quần thể An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương (thị xã Kinh Môn) đã đón trên 2 vạn lượt du khách.

Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, Ban Quản lý những di tích này cũng thường xuyên tăng cường tuyên truyền qua hệ thống loa, cử cán bộ, nhân viên tăng cường nhắc nhở, đề nghị người dân, du khách thực hiện nghiêm quy định 5K khi đến dâng hương, chiêm bái tại những nơi này.

Đọc thêm