Những cuốn du ký để đời…
Những năm gần đây, người trẻ trên khắp thế giới đang có xu hướng du lịch “độc hành” và ghi chép lại hành trình mỗi chuyến đi của mình trong một cuốn sách, thường gọi là du ký. Jose Naranja - một chàng cựu kỹ sư hàng không người Tây Ban Nha từng từ bỏ công việc trong mơ đối với nhiều người để đi chu du khắp thế giới trong hơn 13 năm. Nhưng có lẽ điều đặc biệt hơn cả là cách Jose ghi chép lại những chuyến đi ấy qua cuốn sổ nhỏ, thứ anh dùng không phải máy ảnh hay điện thoại, mà là đôi mắt, bàn tay và cây bút của chính mình.
Cuốn sổ tay du lịch phủ kín dòng chữ và hình vẽ, mô tả lại chiêm nghiệm của cá nhân Jose về những vùng đất anh đã đi qua, ghi lại khoảnh khắc ý nghĩa trong hành trình vòng quanh thế giới, trong đó có cả Việt Nam. “Một chuyến bay đến vùng đất yêu thích, một cuốn sổ tay và vô số bản phác thảo - đó là một phần cuộc đời tôi”, anh viết trong cuốn du ký của mình.
Không chỉ dừng lại ở những cuốn sổ nhỏ ghi chép lại hành trình, đã có không ít những cuốn du ký để đời mà trải qua hàng chục năm, trăm năm thế hệ sau vẫn truyền tay nhau đọc. Tiêu biểu là cái tên Jonathan Raban - một du khách độc hành và là tác giả của cuốn sách Coasting. Ông kể về hành trình 4.000 dặm trên biển của mình với duy nhất một chiếc la bàn làm dụng cụ định hướng. Hay Alex Garland với hành trình khám phá những thiên đường biển nổi tiếng trên thế giới được tác giả kể lại trong cuốn The Beach. Rồi đến câu chuyện nước Anh đầy hấp dẫn với phong cảnh cổ kính nên thơ, những con người hài hước qua cách quan sát và giọng kể “tưng tửng” của nhà văn Bill Bryson với cuốn du ký Notes From a Small Island.
Một cái tên khác cũng không thể không nhắc tới là nhà văn người Mỹ Jack Kerouac, người đã dành hàng chục năm phiêu lưu trên vòng quanh nước Mỹ cũng những người bạn thuộc Thế hệ Beat của ông. Cuốn du ký kinh điển On the Road của ông được đánh giá là một trong những áng văn hùng vĩ nhất viết về thiên nhiên, cảnh quan nước Mỹ những năm 1950. Cùng với các cuộc phiêu lưu là những phiếm đàm về nhạc jazz, thơ văn, cuộc sống bụi đời và chuyển biến của đất nước sau độc lập…
|
Coasting kể về hành trình 4.000 dặm trên biển của tác giả với duy nhất một chiếc la bàn làm dụng cụ định hướng |
Không chỉ là những câu chuyện phiêu lưu tìm kiếm vùng đất mới, gặp gỡ con người, nền văn hóa mới; nhiều cuốn du ký còn là những tái hiện chân thực về chiến tranh hay thời điểm chuyển giao giữa chiến tranh và hòa bình, đổi mới con người, đổi mới đất nước. Nhà báo nổi tiếng người Anh Norman Lewis tới vùng Naple (Ý) tan nát vì chiến tranh với tư cách là một sĩ quan tình
báo vào năm 1944. Những trang nhật ký của ông về đời sống con người nơi nạn đói hoành hành, nơi đàn ông bỗng trở nên hèn hạ, nơi những phụ nữ tử tế bị đẩy vào cảnh làm gái điếm… về sau đã trở thành cuốn sách sống động về Naples - Naples '44. Cuốn sách còn là những tâm tư rất thật của tác giả về vùng đất này, như ông từng tâm sự: “Nếu được sinh ra lần nữa, tôi sẽ chọn nước Ý làm quê hương”. Nhà văn, nhà báo người Anh George Orwell cũng có những áng văn đầy xúc cảm về thế giới qua những cuộc hành trình của ông. Một phần lịch sử, một phần tự truyện, một phần du ký, tái hiện hình ảnh Barcelona trong những ngày đổ nát của cuộc nội chiến Tây Ban Nha – đó nằm trong cuốn sách Homage to Catalonia.
Ngay tại Việt Nam, nhật ký du hành của nhà báo Đinh Phương Linh là một chuyến du hành đầy chân thực và ý nghĩa. Thời sinh viên, cô từng chọn cách đạp xe về nhà ăn Tết trên quãng đường dài 3.395 km từ mùa đông Bắc Kinh về mùa xuân Hà Nội ẩm ướt. Sau này khi trở thành nhà báo, cô có dịp kể lại hành trình đời mình qua cuốn du ký “Đường về nhà” bởi cô cho rằng đây là câu chuyện cần kể lại, và một lý do khác mà cô đưa ra là việc tiếp tục viết khiến cô được truyền cảm hứng và có đủ sức mạnh để tiếp tục những hành trình khác của đời mình.
|
Cuốn sổ tay du lịch theo sát Jose trên mọi hành trình chu du khắp thế giới |
Du hành cùng giấy và bút
Trên hết, những người du hành khi kể lại hành trình du lịch của mình qua mỗi cuốn du ký đều thể hiện một “nỗi lòng” khác nhau. Tựu chung lại đó là sự ghi dấu của họ ở một vùng đất mới để khi kể lại, người đọc những câu chuyện của họ sẽ lưu lại những ấn tượng về mảnh
đất, con người nơi đó hay về tâm tư tình cảm của chính tác giả gửi gắm qua mỗi hành trình này. Như câu chuyện về chàng kỹ sư Jose từng bỏ việc để đi chu du khắp thế giới. Anh bày tỏ mong muốn của bản thân là cống hiến phần đời còn lại cho nghệ thuật và du lịch. Bởi vậy, anh sẵn sàng đi và viết kể lại hành trình của mình qua cuốn du ký, thỏa mãn với bản thân. Cuốn sổ của anh từng là nguồn cảm hứng du lịch cho rất nhiều con người. Đối với câu chuyện về nhà ăn Tết bằng xe đạp trên con đường dài hơn 3 nghìn cây số, tác giả Đinh Phương Linh mong muốn truyền tải thông điệp dù chặng đường có gian nan, vất vả nhưng con người cũng nhờ thế mà khám phá, chinh phục những điều mới mẻ, đặc biệt là tình người ở những nơi vốn xa lạ; quan trọng hơn hết là vượt qua chính mình.
Qua mỗi cuốn sách du lịch, người du hành nắm bắt được tinh thần trong mỗi điểm đến, hành trình sau nối tiếp hành trình trước nhờ sự truyền cảm hứng và sự thấu hiểu suy nghĩ quan điểm trong mỗi cuốn sách. Không chỉ vậy, thông qua mỗi cuốn du ký, người đọc cũng có thể tìm ra những địa điểm du lịch phù hợp với điều kiện của mình. Ngày nay, việc ghi chép không chỉ được lưu lại trên cuốn sổ, trang giấy, mà còn được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Niềm cảm hứng của những chuyến đi được lan truyền rộng rãi trên Facebook, Youtube, Instagram, khi những vlogger, blogger du lịch mới nổi có tuổi đời ngày càng trẻ.
Họ được cư dân mạng đặt cho những cái tên hài hước “cô nàng kính cận nhà hàng xóm”, “anh chàng cao gầy làm việc ở bộ phận bên cạnh”, ý chỉ mọi người bình thường cũng có thể du lịch và chia sẻ câu chuyện du hý của họ cho nhiều người khác biết đến. Đi du lịch, khám phá những miền đất mới trở thành 1 thứ "virus" tích cực, lan toả, sục sôi trong lòng mọi người.
|
The Road to Oxiana của tác giả Robert Byron được coi như cuốn Uy-lít-xơ của thể loại du ký |
Trong báo cáo “Sức mạnh của du lịch tuổi trẻ”, Tổ chức du lịch Quốc tế (UNWTO) cho biết thế hệ thiên niên kỷ - Millennials (từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) chính là thế hệ vàng của ngành du lịch hiện nay. UNWTO dự đoán rằng từ năm 2020 sẽ có gần 300 triệu chuyến đi do người trẻ trên thế giới thực hiện mỗi năm. Nhiều người lầm tưởng rằng du lịch với thế hệ Millennials không chỉ có ăn, ngủ, chơi và check-in. Nhưng có thể thấy, cuộc sống của thế hệ trẻ ngày nay rất khác so với ông bà, cha mẹ họ.
Người trẻ khao khát tìm đến vùng đất mới, cũng khao khát được sống trọn vẹn từng khoảnh khắc ở vùng đất mình đặt chân tới – đó cũng là tinh thần của thế hệ Millennials. Như câu chuyện 2 chàng sinh đôi Thế Vinh - Thế Bảo từng gây sốt trên mạng xã hội với bộ ảnh độc đáo tại Hàn Quốc.
Họ chia sẻ: “Những gì mình đã trải qua giống như một thước phim. Mình muốn ghi lại những thước phim đó để sau này khi mình có già đi, mình có thể coi lại và “À”, chỗ này mình đã đi qua rồi, phong cảnh chỗ này thì sao thì sao”. Giống như nhà văn, nhà thơ Nguyễn Tuân từng quan điểm ông tôn thờ thứ “chủ nghĩa xê dịch” trong mỗi sáng tác văn học của mình, đi đây đi đó để cảm nhận về cái hay, cái đẹp của con người, của cuộc đời. Không định giá các chuyến du lịch bằng tiền bạc, đối với những người trẻ tự đi du lịch là một cách để làm mới bản thân sau thời gian làm việc miệt mài, được khám phá thêm về thế giới, được thưởng thức những giá trị nghệ thuật – nhân văn của nhân loại tại điểm đến.