Doanh thu từ du lịch ước giảm 65%
Theo thống kê cho thấy, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành du lịch Thừa Thiên - Huế đã có lượng lao động nhất định trong ngành quay trở lại làm việc so với thời điểm dịch bệnh xảy ra. Song đang có khoảng trên dưới 8 ngàn lao động trực tiếp bị thất nghiệp.
Ngoài những lý do hậu Covid-19, đang mùa thấp điểm khách nội địa, mưa bão, lũ lụt thời gian qua cũng khiến nhiều khách hủy chuyến đi đến Huế, làm cho khả năng phục hồi vì thế chậm hơn so với kế hoạch.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Thanh Tâm (Thanh Tâm Resort, Lăng Cô, Phú Lộc) cho biết, thời gian qua, do không có khách đến Lăng Cô nên resort chỉ còn giữ đúng 3 nhân viên để trông coi và bảo trì bảo dưỡng cơ sở vật chất.
Doanh nghiệp đã nghĩ phương án tạm thời chuyển sang một loại hình kinh doanh khác để phần nào giữ được đội ngũ lao động, nhưng qua tính toán, chi phí đầu tư là khá lớn, rủi ro lại cao vì Thừa Thiên - Huế không phải là thị trường lớn. Hay như tại Khách sạn Mondial (TP. Huế), thời điểm trước bão số 9 ảnh hưởng đến miền Trung, công suất đạt khoảng 30%, từ đó đến nay, hầu hết khách đã hủy phòng.
Theo Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong 9 tháng đầu năm 2020, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên - Huế giảm hơn 61% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế giảm trên 65%. Doanh thu từ du lịch ước giảm từ 63% - 65% so với cùng kỳ; có 89% tổng số lao động tại các cơ sở lưu trú bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phải nghỉ việc.
Tại các đơn vị kinh doanh du lịch, tình hình doanh thu giảm mạnh, không đủ chi phí để vận hành bộ máy. Chỉ có 50 - 60 trên tổng số 800 cơ sở lưu trú mở cửa hoạt động cầm chừng…
Ngành du lịch Thừa Thiên - Huế đang nỗ lực xây dựng và phát triển nguồn nhân lực. |
Thách thức chuyển nghề, bỏ nghề
Thống kê mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO cho biết, tại Việt Nam hiện có khoảng 20% doanh nghiệp du lịch Việt Nam tạm ngừng hoạt động, 10% doanh nghiệp giải thể; các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ làm đại lý tour, bán vé… sa thải gần như 100% lao động; doanh nghiệp lữ hành quốc tế sa thải 80% lao động; doanh nghiệp lớn sa thải 40 - 50% lao động.
Theo ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, sau đợt dịch đầu tiên, sự lo lắng về nguồn nhân lực không lớn bằng ở thời điểm hiện tại. Thời gian “đóng băng” quá dài khiến lao động trong ngành chuyển sang ngành nghề khác. Thời gian dài cũng tạo ra tính ổn định của lao động ở các nghề khác. Điều này khiến các lao động khó quay trở lại với ngành du lịch.
Trước mắt, các doanh nghiệp cần có những tính toán, hướng đi mới sẵn sàng cho việc đón khách thời gian tới, nhất là trong việc chuẩn bị lực lượng lao động. Bởi, nếu quy trình cơ cấu không được xây dựng đủ tốt sẽ dẫn tới một số vấn đề như không đủ số người lao động có kỹ năng để duy trì hoạt động doanh nghiệp.
“Về phía đơn vị quản lý ngành, Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế đang trong quá trình xây dựng kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025; và dành kinh phí thỏa đáng từ ngân sách tỉnh, cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, đồng thời thu hút nguồn nhân lực bên ngoài, nhất là sinh viên tốt nghiệp các trường du lịch có chuyên môn”, ông Minh nhấn mạnh.
Cũng theo Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, tỉnh cũng sẽ tạo điều kiện để các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh liên kết với các trường đào tạo chuyên ngành du lịch tổ chức các lớp đào tạo cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ chuyên ngành du lịch có chất lượng cao.
Đó là giải pháp mang tính lâu dài, còn trên thực tế xã hội vẫn phải vận động, cuộc sống của những người làm trong ngành du lịch phải tiếp diễn và cần có thu nhập để tồn tại. Chuyển nghề, bỏ nghề là thách thức không hề nhỏ đối với ngành du lịch.