Mạng xã hội giúp chúng ta nắm bắt thông tin nhanh nhạy hơn, kết nối được mọi người và cộng đồng. Đó cũng là phương tiện truyền thông, kinh doanh rất hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng vào các thế mạnh mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Những đối tượng lừa đảo đã lợi dụng không gian mạng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với phương thức tinh vi và đa dạng về cách tiếp cận nạn nhân. Các thủ đoạn điển hình như: Sử dụng mạng xã hội để kết bạn, thông báo gửi quà, sau đó giả danh là nhân viên sân bay, hải quan, thuế,... yêu cầu bị hại nộp tiền cước vận chuyển, thuế, phí, tiền phạt vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt.
Chiêu trò lừa đảo cũ, nạn nhân mới
Từ những ngày cuối năm 2021 đến nay, cơ quan Công an thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã tiếp nhận tổng cộng 8 vụ tố giác, tin báo về tội phạm lừa đảo qua không gian mạng. Những “chiêu trò” trên của các đối tượng lừa đảo không phải là mới, đã từng được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng một số người dân vẫn “sập bẫy”.
Trường hợp của một người đàn ông ở xã Tân Hội, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang cho biết, mình bị lừa đảo mất tiền khi làm thủ tục vay online. Cụ thể, do cần tiền làm ăn nên nạn nhân đã thông qua mạng xã hội Facebook để làm thủ tục vay theo hướng dẫn của tài khoản đối tượng lừa đảo. Nạn nhân đã làm theo hướng dẫn và được thông báo yêu cầu chuyển số tiền 40 triệu đồng để giải ngân. Sau khi đã chuyển tiền giải ngân nhưng nạn nhân vẫn không nhận được số tiền vay và số tiền đã chuyển nên đã trình báo công an.
Một vụ việc khác, một tài khoản Facebook bị đánh cắp nhắn tin để mượn tiền của một người phụ nữ trú tại xã Mỹ Hạnh Đông, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang. Cụ thể, vào lúc 15 giờ 48 phút ngày 08/01/2022, nạn nhân, nhận được tin nhắn qua Zalo từ tài khoản tên DIỆN.MEKI do bạn của nạn nhân đăng ký sử dụng, yêu cầu nạn nhân chuyển khoản số tiền 7.700.000 đồng, do tin tưởng nên chị nạn nhân đã chuyển tiền theo yêu cầu bằng ứng dụng trên điện thoại di động. Đến 16 giờ 23 phút cùng ngày, nạn nhân tiếp tục chuyển số tiền 11.300.000 đồng theo yêu cầu từ tin nhắn Zalo của tài khoản DIỆN.ME.KI. Sau đó, nạn nhân liên lạc với người bạn tên Diện thì biết được là người này không yêu cầu chuyển tiền.
Không chỉ vậy, một số đối tượng còn giả danh là cán bộ của các cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án thông báo đến người dân hoặc gia đình của họ đang liên quan đến một vụ án hình sự, yêu cầu phải chuyển tiền đến một số tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ công tác điều tra. Đây là một thủ đoạn nguy hiểm, không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản mà còn gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của cán bộ, công chức và cơ quan Nhà nước.
Loại tội phạm này vẫn tiếp diễn hằng ngày và ngày càng có mức độ tinh vi hơn. Với tính “ẩn danh” và phương thức hoạt động “phi truyền thống” của tội phạm trên không gian mạng, việc điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả thường gặp rất nhiều khó khăn.
Thực tế cho thấy, mặc dù dạng hành vi lừa đảo này không còn quá mới, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người trở thành nạn nhân (Ảnh minh họa) |
Các biện pháp phòng ngừa lừa đảo qua mạng xã hội
Mặc dù trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan báo chí, truyền thông và trên mạng internet liên tục chia sẻ các thông tin về thủ đoạn tội phạm này, nhưng vẫn còn nhiều người cả tin, mắc lừa. Hầu hết những hình thức lừa đảo này đều đánh vào lòng tham của người tiêu dùng đối với số tiền thưởng lớn hoặc sự nhẹ dạ, cả tin của người tiêu dùng.
Nhằm tránh sa bẫy của những đối tượng lừa đảo, người dân cần lưu ý, tuyệt đối không cung cấp số điện thoại cá nhân, thông tin cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Ngoài ra, khi nghe những câu mời chào bạn đã trúng thưởng, yêu cầu chuyển khoản,... hãy kiểm tra kỹ số điện thoại đó thuộc tổ chức nào trước khi cung cấp thông tin.
Tuyệt đối không mua, bán, không cung cấp giấy chứng minh thư nhân dân, tài khoản cá nhân, tài khoản ngân hàng. Không chuyển, nộp tiền vào bất kỳ tài khoản cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết rõ họ là ai. Việc cung cấp bừa bãi thông tin cá nhân chính là cơ hội để hành vi lừa đảo qua mạng xã hội diễn ra.
Không thực hiện yêu cầu chuyển tiền qua tin nhắn từ mạng xã hội kể cả là của người thân, bạn bè và cần gọi điện xác nhận với người sở hữu tài khoản yêu cầu chuyển khoản. Chỉ thực hiện giao dịch trên các website chính thức của các tổ chức tài chính, ngân hàng và không cung cấp mã OTP cho người khác. Hạn chế việc công khai số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội. Các tài khoản công khai dùng để giao dịch online cần hạn chế số tiền dư quá lớn.
Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ các trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ. Quá trình điều tra cho thấy, hầu hết tài khoản các đối tượng lừa đảo sử dụng để yêu cầu bị hại chuyển tiền vào đều không chính chủ, sau khi nhận được tiền, bọn chúng sẽ tiếp tục chuyển qua nhiều tài khoản khác. Do đó, việc xác minh, thu hồi tài sản của bị hại rất khó thực hiện.