Đây là tin vui được ông Hà Quốc Quân - Phó giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Bắc Giang - báo cáo tại cuộc họp trực tuyến về phòng, chống dịch, khôi phục sản xuất kinh doanh do UBND tỉnh tổ chức.
Theo đó, đến nay toàn tỉnh đã có khoảng 180 Điểm giao dịch xã, hơn 200 Tổ giao dịch lưu động ở 10 phòng giao dịch huyện thuộc NHCSXH Bắc Giang hoạt động trong trạng thái bình thường. Cùng với đó, có đông đủ đội ngũ cán bộ điều hành, tác nghiệp tín dụng cùng hàng nghìn cán bộ của 735 hội đoàn thể và 3118 Tổ TK&VV - được ví như “mạng lưới chân rết” của NHCSXH - đã và đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa tăng cường chống dịch, vừa đẩy mạnh chuyển tải kịp thời, an toàn đồng vốn chính sách giúp người dân ổn định sản xuất.
Tính đến hết tháng 6/2021, doanh số cho vay vốn chính trên địa bàn Bắc Giang rộng lớn đạt hơn 1.200 tỷ đồng với 110.655 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, bình quân mỗi hộ vay đến 43,3 triệu đồng, nâng tổng dư nợ của NHCSXH lên 4.970 tỷ đồng, tăng 327 tỷ đồng so với cuối năm 2020.
Đặc biệt trước diễn biến phức tạp bùng phát lan rộng của dịch bệnh Covid-19, đơn vị đã bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, của ngành và địa phương, triển khai các biện pháp phù hợp để phòng chống dịch như tổ chức sắp xếp và phân chia thời gian phục vụ khách hàng đến giao dịch tại trụ sở ngân hàng và các Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn; khử trùng nơi làm việc, thực hiện trang bị khẩu trang, đo thân nhiệt cho khách hàng và yêu cầu khách hàng thực hiện đầy đủ, nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế trong quá trình trước, trong và sau khi giao dịch vay vốn, nộp lãi, trả nợ cho ngân hàng. Cách làm linh hoạt, sáng tạo này đã không chỉ bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, nhân viên ngân hàng và đồng bào các dân tộc vốn là khách hàng truyền thống của ngân hàng, mà còn đảm bảo đủ nguồn vốn giúp người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Nhờ nguồn vốn chính sách không ngừng chảy, Bắc Giang đã có 25 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình đồng bào DTTS phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ đạt năng suất cao. Cũng từ đây, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm của tỉnh 2,5% riêng các xã đặc biệt khó khăn và huyện nghèo 30a giảm đến 4-5%.
Điều dễ nhận thấy nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng cao Sơn Động phát triển mạnh mẽ kinh tế đồi rừng. Gia đình bà Hồ Thị Linh ngụ tại thôn Mỏ, thị trấn An Châu, nhờ 50 triệu vốn vay từ chương trình tín dụng sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, đến nay đã phủ xanh kín quả đồi trọc bằng cây keo, cây lá chàm, mang lại nguồn thu nhập khá. Bà Linh cho biết, 5 năm trước, gia đình được vay vốn mua cây giống, phân bón trồng 2 ha rừng. Do tuân thủ đúng kỹ thuật hướng dẫn của cán bộ huyện, đến nay rừng cây cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.
Giám đốc NHCSXH huyện Sơn Động Lưu Văn Hạnh cho biết, hoạt động tín dụng chính sách trong mùa dịch, đơn vị đã quán triệt đến từng cán bộ, người lao động, đặc biệt là cán bộ trực tiếp giao dịch với khách hàng, ưu tiên hàng đầu là phòng chống dịch. Tuy nhiên vẫn còn duy trì các Điểm giao dịch xã đúng thời gian quy định, đảm bảo phục vụ kịp thời nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách.
Không chỉ có các hộ đồng bào DTTS nghèo ở vùng cao Sơn Động nhận được sự “ưu tiên” từ nguồn vốn tín dụng chính sách, còn nhiều hộ nông dân nghèo Việt Yên, Hiệp Hòa, Lục Nam… sống trong vùng “tâm dịch” cũng thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng nhờ tiếp cận thuận tiện tới đồng vốn chính sách. Gia đình anh Trịnh Văn Lãm (hộ nghèo ở thôn Tân Đồng, xã Tân Mộc, huyện Lục Nam) trước đây có hoàn cảnh rất khó khăn, thu nhập tháng ngày chỉ trông chờ vào đi vác thuê, cuốc mướn. Sau đó gia đình anh được vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo, đầu tư nuôi bò sinh sản, trồng cam đường canh, bưởi Đoan Hùng nên năm ngoái đã thoát cảnh nghèo khổ. Ngoài gia đình anh Lãm, từ đầu năm đến nay có thêm hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở vùng đồi Lục Nam được vay vốn chính sách đầu tư xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả.
Theo lãnh đạo xã Tân Mộc, tuy từ đầu năm 2021 địa phương chịu ảnh hưởng lớn nhất do đợt dịch bệnh mới lần thứ 4, các hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS nơi đây vẫn được NHCSHX huyện tổ chức cho vay, thu hồi nợ theo ca để bà con vùng “tâm dịch” sắp xếp công việc đến vay vốn thuận lợi, khôi phục phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cùng với các biện pháp thiết thực nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh, NHCSXH Bắc Giang đã và đang tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp tục được vay vốn mới để tái đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. 6 tháng đầu năm 2021, NHCSXH tỉnh đã giải ngân 653 tỷ đồng cho 12.696 khách hàng vay vốn, đưa tổng dư nợ lên 4.960 tỷ đồng.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, NHCSXH cũng đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác nắm bắt diễn biến dịch Covid-19 tại từng địa bàn, mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của khách hàng vay vốn để thực hiện các giải pháp hỗ trợ kịp thời. Theo đó, các giải pháp hỗ trợ gồm có: gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, cho vay bổ sung, xử lý nợ bị rủi ro.
Đối với khách hàng đang điều trị bệnh hoặc cách ly y tế do dịch Covid-19 theo quy định của cấp có thẩm quyền nên không giao dịch được với NHCSXH và chưa trả nợ gốc đến hạn thì tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn đã trực tiếp làm các thủ tục giúp khách hàng, còn với trường hợp khách hàng vay vốn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ đến hạn nhưng chưa có cơ chế xử lý, hỗ trợ, NHCSXH sẽ báo cáo UBND tỉnh và ngân hàng cấp trên để được xem xét. Đồng thời gia hạn nợ cho 3.661 khách hàng với số tiền 52,4 tỷ đồng. Riêng trong 2 tháng 5 và 6 năm, doanh số cho vay của NHCSXH Bắc Giang là 186 tỷ đồng với 3.661 khách hàng, doanh số thu nợ là 152 tỷ đồng, dư nợ tăng 34 tỷ đồng so với trước mùa dịch bùng phát.
Hiện tại, hầu hết các xã, phường, thị trấn ở Bắc Giang có Điểm giao dịch của NHCSXH. Hệ thống Điểm giao dịch này đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của hộ vay, mặt khác còn đảm bảo giao dịch an toàn cho người dân giữa mùa dịch Covid-19 cũng như chuyển nhanh nguồn vốn về vùng tâm dịch tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS khó khăn được vay vốn chính sách để khôi phục phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững