Đừng buồn nữa nhé, Nhí Nhố ơi!

(PLVN) - Tôi những muốn nói câu này với Nhí Nhố, dẫu biết rằng vì là gấu nên Nhí Nhố sẽ chẳng hiểu tôi nói gì. Nhưng nhìn vào đôi mắt của chú gấu nhỏ và dáng điệu thong thả vờn chơi trên bãi cỏ xanh của chú, tôi hiểu rằng Nhí Nhố đã hiểu được điều tôi muốn nói và hơn nữa chú còn cảm nhận được cuộc đời tươi đẹp của chú tại nơi đây - Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình.
Các cá thể gấu có cuộc sống mới tươi đẹp tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình
Các cá thể gấu có cuộc sống mới tươi đẹp tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình

Tên Nhí Nhố nhưng đời lại buồn

Đó là cảm nhận của nhiều người khi được gặp gỡ, làm quen và nghe kể về cuộc đời của Nhí Nhố. Nhí Nhố là một cá thể gấu ngựa cái, bị cụt cả hai bàn chân trước. Đằng sau đôi bàn chân cụt mà giờ đây đang khó nhọc cầm nắm thức ăn đó là cả một câu chuyện dài đẫm nước mắt của một giống loài động vật và cả về sự tàn ác của con người.

Như mọi con gấu khác, Nhí Nhố cũng có gia đình, có cha gấu, mẹ gấu. Nhưng tuổi thơ thay vì tự do trong cánh rừng cùng cha mẹ, học cha cách leo cây lấy mật mà không bị ngã, học mẹ cách bới tìm củ quả để trưởng thành, thì Nhí Nhố lại bị bắt phải rời xa khỏi môi trường sống. Từ khi còn rất nhỏ, Nhí Nhố đã bị bán cho một trại gấu ở Ninh Bình để nuôi lấy mật. 12 năm ròng bị nuôi nhốt trong chiếc chuồng sắt chật hẹp, Nhí Nhố trải qua những ngày tháng tối tăm trong cũi sắt chật hẹp và thường xuyên phải đối mặt với nỗi đau đớn vì bị lạm dụng chích hút mật.

Đã thế, Nhí Nhố không thể đi lại bình thường bằng bốn chân như những đồng loại của mình vì chú đã mất hai bàn chân trước. Nhí Nhố mất chân vì do dính bẫy của thợ săn hay do bị con người nhẫn tâm cắt rời để bán cho người có nhu cầu chế biến món ăn hoặc ngâm rượu thuốc? Dù là nguyên nhân nào thì đó cũng là nỗi đau không thể nói được bằng lời của một chú gấu mang cái tên thật vui vẻ - Nhí Nhố. 

Tháng 11/2017, trong một chiến dịch giải cứu, Nhí Nhố được cứu ra khỏi chiếc cũi sắt đã giam cầm chú hơn chục năm ròng. Ngoài nỗi đau về tinh thần, sự thiếu hụt về thể xác, Nhí Nhố còn mang trong mình chứng bệnh sỏi mật và xơ gan, hậu quả của việc thường xuyên bị chích hút mật trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh. Nhí Nhố béo phì. Nhí Nhố sâu răng do chế độ ăn uống không hợp lý, Nhí Nhố hung hăng vì căng thẳng thần kinh do bị nuôi nhốt quá lâu trong môi trường không phù hợp với tập tính loài.

Gấu Nhí Nhố - gương mặt đại diện của Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình
Gấu Nhí Nhố - gương mặt đại diện của Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình

Căng thẳng thần kinh không phải là chứng bệnh chỉ có một mình Nhí Nhố mắc phải. Trăng - cá thể gấu được giải cứu ở tỉnh Bến Tre bị nuôi nhốt và lạm dụng chích hút mật trong một thời gian dài đến nỗi Trăng hoảng loạn khi nhìn thấy ống thổi mê mà bác sĩ thú y sử dụng khi giải cứu mình. Trăng bất an và hay kích động do cũi sắt nhỏ nhốt Trăng nằm cạnh một nhà kho lúc nào cũng đông người qua lại dòm ngó.

Vết sẹo lớn ở phần trên túi mật của Trăng là bằng chứng cho thấy Trăng đã bị chích hút mật nhiều lần (Chích hút mật từ gấu sống gây đau đớn tột cùng và dẫn đến các tổn thương về thể chất và tâm lý cho các cá thể gấu. Gấu thường bị chích hút mật từ khi mới khoảng 2 tuổi. Các vết sẹo lớn được tìm thấy quang khu vực túi mật của nhiều cá thể gấu cho thấy người nuôi lấy mật đã không dùng máy siêu âm để xác định vị trí túi mật mà chỉ thử đâm kim tiêm nhiều lần để dò tìm túi mật - PV).

Nếu Nhí Nhố mất hai bàn chân trước thì Long - cá thể gấu ngựa đực được giải cứu tháng 11/2018 tại Đồng Nai còn tàn tạ cơ thể đến nỗi kết quả kiểm tra sức khỏe của Long khiến bất cứ bác sĩ thú y nào cũng đều đau lòng. Long đã có một thời gian quá dài sống trong khu chuồng tối tăm không ánh sáng nên bệnh viêm khớp mãn tính đã tàn phá cơ thể. Là một chú gấu nhưng Long không thể di chuyển đốt sống lưng, không thể nằm ngửa xuống bình thường, không những thế Long còn gặp khó khăn khi nhai và giữ thức ăn trong miệng.

Không buồn bã và bệnh tật như Nhí Nhố, Trăng và Long, hai chú gấu con 2 tháng tuổi Mi và Tam với cân nặng của cả hai tròm trèm mới được chục cân, hồn nhiên vui đùa với nhau. Nhưng ít ai biết rằng, ở tầm tuổi này, đáng ra Mi và Tam phải được sống cùng cha mẹ gấu, được dạy dỗ để trưởng thành trong cánh rừng đại ngàn, chứ không bị bán như một món hàng từ khi mới 2-3 tuần tuổi (ngày 9/1/2019 Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an thành phố Hải Phòng đã phát hiện và tịch thu hai cá thể gấu ngựa con một đực, một cái đang bị một đối tượng buôn bán trên địa bàn nuôi nhốt - PV)...

Chạy đua với thời gian để cứu gấu

Ngày 7/3/2019, Tổ chức phúc lợi động vật quốc tế Four Paws khánh thành, đưa vào hoạt động Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình là nơi tiếp nhận và chăm sóc các cá thể gấu bị nuôi nhốt chích mật, nạn nhân của nạn buôn bán động vật hoang dã… góp phần chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu ở Việt Nam. Tổng diện tích Cơ sở bảo tồn gấu ở Ninh Bình rộng khoảng10ha, đủ chỗ cho khoảng 100 cá thể gấu từng bị lạm dụng chích hút mật được sống trong môi trường bán hoang dã yên bình, phù hợp với tập tính tự nhiên của loài gấu. Đến nay, cơ sở này đã hoàn thiện giai đoạn 1 của dự án với diện tích rộng 3,6 ha và hiện đang chăm sóc 10 cá thể gấu từng bị lạm dụng chích hút mật và 2 cá thể gấu con là nạn nhân của hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép. Đó chính là những chú gấu Nhí Nhố, Trăng, Long, Mi và Tam đã nhắc đến ở trên. 

Thông qua dự án xây dựng Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình, Tổ chức Four Paws mong muốn góp phần chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu ở Việt Nam. Ông Heli Dungler - Chủ tịch và cũng là sáng lập viên của Tổ chức Four Paws khẳng định, cơ sở bảo tồn này sẽ giúp Chính phủ đẩy mạnh việc thực thi các văn bản pháp luật nghiêm cấm lạm dụng chích hút mật gấu, là nơi tiếp nhận và chăm sóc phù hợp các cá thể gấu bị tịch thu từ các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép hoặc được chuyển giao tự nguyện. 

“Đây là sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực cải thiện phúc lợi động vật, đặc biệt đối với các cá thể gấu từng bị chích hút mật, cung cấp nơi ở an toàn trong môi trường bán hoang dã nhằm giúp các cá thể gấu này phục hồi tập tính tự nhiên và được hưởng cuộc sống phù hợp với loài sau nhiều năm bị nuôi nhốt trong chuồng, cũi chật hẹp, qua đó góp phần chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu lấy mật và bảo vệ quần thể gấu ngoài tự nhiên”, theo ông Heli Dungler. 

Quay lại với câu chuyện của Nhí Nhố, Trăng, Long để minh chứng cho lời hứa của ông Heli Dungler. Sống tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình, Nhí Nhố từ một cá thể gấu ít vận động đã trở nên yêu thích khám phá khu bán hoang dã và còn biết tự làm ổ thoải mái để nghỉ ngơi. Dù mất hai chân trước nhưng Nhí Nhố  vẫn có thể đi lại, leo trèo, bơi lội bình thường như các cá thể gấu khác, thậm chí còn có thể hạ gục cây chuối to trong khu bán hoang dã.

Đinh Thị Huệ - một trong những nhân viên chăm sóc Nhí Nhố
Đinh Thị Huệ - một trong những nhân viên chăm sóc Nhí Nhố

Đinh Thị Huệ - cô gái trẻ người Ninh Bình làm ở bộ phận chăn nuôi là một trong những người trực tiếp chăm sóc khẩu phần ăn của Nhí Nhố cho biết, với Nhí Nhố sẽ luôn có một sự ưu ái đặc biệt hơn khi chuẩn bị thức ăn để chú gấu có thể dễ dàng tìm kiếm hơn với đôi bàn chân cụt của mình. “Lúc mới vào làm ở đây, dù đã được học về an toàn nhưng vẫn cảm thấy sợ, nhưng sau hai tuần làm việc, thay vì sợ hãi, em thấy thương và thân thiện với các chú gấu vì biết được hoàn cảnh của chúng. Giờ đây mỗi ngày niềm vui của em là được chăm sóc Nhí Nhố và bạn bè gấu của chú” - Huệ tâm sự. 

Trăng giờ đây không còn hoảng loạn và sợ hãi khi nhìn thấy người nữa. Nhờ sự ân cần chăm sóc và xây dựng niềm tin của các nhân viên cơ sở, Trăng đã thường xuyên ra vào khu bán hoang dã, thích bới đất, đào rễ cây và tìm kiếm thức ăn, khi tìm thấy nhiều thức ăn, Trăng mang nó vào bên trong nhà gấu để nhẩn nha ăn dần.

Ngày Long chậm rãi rời nhà gấu để đi vào khu bán hoang dã chơi là ngày đáng nhớ với các nhân viên ở Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình, bởi từ một chú gấu gần như nằm liệt vì chứng bệnh viêm khớp mãn tính, cơ thể Long đã bắt đầu có cơ bắp, khỏe mạnh và nhanh nhẹn hơn. Long đã có thể dùng bàn tay để giữ thức ăn và cắn từng miếng nhỏ. Tận hưởng giấc ngủ dưới ánh nắng mặt trời là sở thích của Long sau chuỗi ngày dài sống trong khu chuồng tối tăm không ánh sáng...

Theo Tổ chức Four Paws, tính đến tháng 10/2018, số lượng gấu bị nuôi nhốt trên cả nước chỉ còn khoảng 800 cá thể tại 250 trại nuôi nhốt tư nhân, giảm đáng kể so với số lượng hơn 4,300 cá thể bị nuôi nhốt tại hàng trăm cơ sở được phát hiện năm 2005. Những cá thể gấu này phải phụ thuộc vào con người, sống trong cảnh đói khát, thiếu thốn trong các chuồng cũi chật hẹp, vì thế Tổ chức Four Paws đang chạy đua với thời gian để giải cứu nhanh nhất có thể những cá thể gấu còn đang bị nuôi nhốt ở Việt Nam. 

Thói quen và nhu cầu tiêu thụ mật gấu đã giảm đáng kể

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên ENV công bố năm 2015, nhu cầu sử dụng mật gấu đã giảm 61% so với năm 2009. Nhiều chủ gấu cũng đã từ bỏ hoạt động nuôi nhốt gấu và tự nguyện chuyển giao các cá thể gấu nuôi của mình tới các trung tâm cứu hộ. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy Việt Nam sẽ sớm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật trong tương lai không xa.

Đọc thêm