Đừng chỉ là “hy vọng”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 2013, điện ảnh Hàn Quốc ra mắt tác phẩm Hope (Hy vọng) dựa trên vụ án ấu dâm có thật gây bàng hoàng dư luận năm 2008. Cho đến nay, bộ phim này vẫn là một thước phim kinh điển, một hồi chuông cảnh báo về nạn ấu dâm trên toàn cầu.
Một cảnh trong phim Hope.
Một cảnh trong phim Hope.

Năm 2008, cả xã hội Hàn Quốc rúng động với vụ án Nayoung. Nayoung là một bé gái 8 tuổi. Trên đường đi học về, em đã bị một người đàn ông say rượu có tên là Jo Doo Soon, 57 tuổi bắt cóc. Người đàn ông này đã hãm hiếp và đánh đập cô bé tàn bạo trong một nhà vệ sinh công cộng. Sau cuộc tấn công, cô bé Nayoung đã bị tổn thương nghiêm trọng cả về thể xác lẫn tinh thần. Nayoung phải trải qua những ca phẫu thuật đau đớn để phục hồi một số bộ phận bị tổn thương nặng nề.

Năm 2013, vụ án được dựng thành phim Hope. Bộ phim không quá đi sâu vào diễn biến của vụ án và khai thác một khía cạnh khác: Hành trình của nạn nhân và gia đình sau sự việc kinh hoàng. 

Mới đây, khi thủ phạm của vụ án mãn hạn tù, lại sinh sống cùng một khu với nạn nhân, sự việc lại một lần nữa được đánh động, gây xôn xao dư luận. Và bộ phim lại được nhiều người tìm kiếm, xem lại.

Khi chứng kiến cô con gái nhỏ nằm trên giường cấp cứu với một cơ thể đầy thương tích, cha mẹ của So Won (nhân vật chính trong phim) gần như phát điên. So Won sau đó phải mang theo nỗi đau thể xác và tâm lí, nỗi ám ảnh cả đời chẳng thể nào gạt bỏ. 

Điều đau đớn nhất trong Hope chính là thời điểm So Won sợ chính cả cha của mình, người cha đã luôn gắn bó, yêu thương và được cô bé dành tình cảm nồng nhiệt trước khi vụ việc đau lòng xảy ra. Ngoài mẹ và các bác sĩ hay y tá nữ, So Won sợ hãi đến hoảng loạn chỉ vì cha tiến lại gần để chăm sóc con gái. Để có thể tới gần con, cha của So Won đã phải mặc trên mình bộ đồ cải trang linh vật hoạt hình, từng bước tìm đến để xoa dịu con gái nhỏ.

Hành trình chữa lành vết thương thể xác và tâm hồn cho So Won là một hành trình đầy đau đớn, nhiều nước mắt của cô bé và cha mẹ. Hình ảnh So Won mang trên người chiếc túi bài tiết, hình ảnh cô bé tự làm tổn thương hình, So Won không dám đến gần những đứa bé khác vì sợ “làm bẩn” em bé. Rồi những câu nói đau đớn So Won từng nói trong phim nữa. Câu nói đầu tiên sau khi So Won tỉnh lại trong bệnh viện là: “Khi xảy ra chuyện con nghĩ bố rất bận”.  “Con xấu hổ vì chuyện đó”, “Chú người xấu ấy muốn mượn ô. Con đã cho chú ấy mượn, nhưng mọi người đều bảo con sai”… Từng hành động, lời nói ấy như lưỡi dao cứa vào lòng cha mẹ cô bé, cũng cứa vào lòng người xem. 

Hope là một bộ phim gây ám ảnh người xem cho đến nhiều năm tháng về sau, nhất là những người từng làm cha, làm mẹ. Hope là một hành trình đớn đau nhưng cũng hé ra tia hy vọng tươi sáng bằng nụ cười của So Won ở cuối phim. 

Nhưng Hope, hơn hết là một tiếng chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ cho nạn ấu dâm và rộng hơn, là nhiều hiểm nguy khác hàng ngày rình rập trẻ nhỏ. Rất nhiều bậc cha mẹ trong chúng ta, hàng ngày vẫn lao đầu vào công việc, vẫn đính hai từ “bận rộn” trên môi. Bận rộn, thiếu quan tâm, cộng với chủ quan khinh suất, chúng ta có thể khiến con trẻ phải đối mặt với bi kịch bất cứ lúc nào. 

Những bố mẹ gửi con cho hàng xóm, bạn bè hay người thân trông coi thường xuyên để mình “tiện” công việc. Những gia đình cho bạn bè, anh em cư ngụ trong nhà, thoải mái tiếp xúc với con trẻ mà không biết đến nguy cơ có thể xảy ra cho con. Những ông bố lôi bạn nhậu về ngủ rồi thản nhiên ngủ lại nhà mà không biết những con thú dã tâm đang trồi lên trong bạn mình…

Đã có biết bao vụ xâm hại trẻ em xuất phát từ những “bận rộn” và thờ ơ như thế. Việt Nam cũng từng xảy ra những chuyện tương tự như vụ án Nayoung. Đã có những cô bé, cậu bé lọt vào tầm ngắm của “yêu râu xanh”, để rồi bị xâm hại, chấm dứt mạng sống của mình trong một kênh nước, dưới một khoảnh đất ven đường. 

Đã có biết bao Nayoung như thế ở khắp nơi trên thế giới. Và không phải em nhỏ nào cũng có may mắn nhỏ nhoi như Nayoung, có được vòng tay ân cần, sự nỗ lực và phương pháp đúng đắn để từng bước xoa dịu tổn thương, quay trở về với đời sống. Có em mất mạng, có không ít em mang những chứng bệnh nặng nề trên cơ thể sau khi bị xâm phạm, có những em sau này lầm đường lạc lối, sa đà vào tệ nạn cũng từ mặc cảm và tổn thương. 

Chắc chắn một điều, tổn thương thể xác lẫn tinh thần do hậu quả của hành vi xâm phạm gây ra sẽ đi theo suốt một đời của đứa trẻ. Ít hay nhiều, nặng hay nhẹ còn phụ thuộc vào trẻ có được chăm sóc chữa trị tốt sau tai nạn hay không. 

Đáng ra hoàn toàn có thể giảm thiểu được bi kịch, nếu cha mẹ bớt bận rộn, để tâm đến con nhiều hơn. Tự trang bị cho mình thông tin và kiến thức hữu ích trong nuôi dạy, bảo vệ con. Dạy con những kiến thức về sức khỏe, sinh sản, dạy con những nguyên tắc phòng và tránh sự xâm hại…

Chúng ta thường nói đến “hy vọng”. Hy vọng sẽ không có việc gì xấu xảy ra cho con trẻ. Hy vọng mọi việc đều tốt đẹp. Và phim Hope, xây dựng lên như một món quà dành tặng những nạn nhân của ấu dâm, một tia sáng của hy vọng sau con đường hầm đầy tăm tối và sợ hãi.

Nhưng nếu hành động ngay từ bây giờ, từ hôm nay, cùng xây dựng một thế giới an toàn và trong trẻo cho trẻ thì không phải nương vào “hy vọng” để mà đứng dậy nữa. Ta cần tự tạo hy vọng cho mình, cho con em chúng ta. 

Đọc thêm