Sáng sớm ngày 28 Tết Nhâm Dần, anh Vũ Văn Thơ, trú xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cùng mấy anh em cùng tập trung lại để chuẩn bị mổ lợn. Mỗi người được phân chia công việc cụ thể, người nhặt rau thơm, người nấu nước chuẩn bị thịt lợn...
Việc nhiều nhưng ai cũng thấy vui. Phần thịt của con lợn nặng khoảng 1 tạ này để mấy gia đình làm bữa cơm tất niên và chia cho mỗi người một ít để ăn dần trong mấy ngày Tết.
Năm nay, ông Trần Thiên ở xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu cùng hàng xóm cũng đụng lợn. Ông cho biết, những ngày Tết, thịt lợn bán ngoài chợ không thiếu nhưng mấy nhà hàng xóm vẫn chung nhau làm thịt con lợn. Lợn nhà nuôi bằng cám, rau xanh, cơm canh thừa, cám gạo, ngô, bột sắn và không sử dụng bất cứ loại thức ăn tăng trọng hay kháng sinh nào nên thịt ngon.
Những ngày gần Tết "đụng" lợn được xem là nét đẹp văn hóa ở vùng nông thôn (ảnh BT) |
Lợn làm sạch lông, mổ ra, phần thịt, xương cắt ngang chia đều; bộ lòng tổ chức ăn sốt tại chỗ, xem như các gia đình ăn bữa tết niên. Mổ lợn đụng, không những mua thịt với giá thấp hơn thị trường, mà còn yên tâm khi ăn miếng thịt lợn sạch do mình nuôi lấy.
Tết Nguyên đán năm nay, giáo xứ Cự Tân (thuộc xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cũng mổ mấy con lợn để chia thịt cho hàng trăm hộ dân trong giáo xứ. Mọi người đều phấn khởi khi cùng chung tay làm thịt lợn trong ngày cuối năm, Tết đến vừa được nhận phần quà ý nghĩa.
Với vùng nông thôn, khi bắt đầu mổ lợn “đụng” là đã thấy Tết đến nơi. Bởi thế không khí Tết ở các làng quê như ùa về sớm hơn. Hôm mổ lợn có lẽ là ngày vui nhất, thịt lợn được chia đều cho số hộ ăn đụng, mọi người được thưởng thức bữa lòng tươi sốt. Cứ như vậy, tục “đụng lợn” đã tạo không khí đầm ấm, háo hức, gắn bó tình nghĩa xóm giềng trong ngày Tết cổ truyền.