“Đường ngang tử thần” và khát vọng rào chắn

(PLO) - Những vụ tai nạn thương tâm liên tục xảy ra, nhưng nguyện vọng đau đáu của dân về một thanh chắn, hay một hệ thống cảnh báo tử tế hơn khi có tàu chạy qua... vẫn chưa biết đến bao giờ mới được đáp ứng.
“Đường ngang tử thần” luôn rình rập bắt người.
“Đường ngang tử thần” luôn rình rập bắt người.

Những tai nạn thương tâm

Theo tìm hiểu của PV, trong mấy năm trở lại đây, tại đoạn đường sắt giao cắt với đường bộ tại từ ngõ 53 Ngô Gia Tự để vào phố Thượng Thanh (Long Biên, Hà Nội) liên tục xảy ra tai nạn thảm khốc, làm chết và bị thương nhiều người. Có tháng, xảy ra tới hai, ba vụ tai nạn  bởi trong phố Thượng Thanh có 3 trường học (cấp 1, cấp 2 Thượng Thanh, cấp 3 Lý thường Kiệt), lưu lượng phương tiện qua đây rất lớn, nhất là những giờ cao điểm, tan tầm.

Thế nhưng đoạn đường sắt giao cắt với khu phố này chỉ có đèn tín hiệu, không có rào chắn mỗi khi tàu qua khiến số vụ tai nạn tàu đâm gia tăng. Người dân nơi đây đặt cho đoạn giao cắt này là “đường ngang tử thần”.

Theo chia sẻ của chị chủ quán nước, cách “đường ngang tử thần” khoảng gần 30m: Chị chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn thảm khốc xảy ra ở đây. “Có hôm hai mẹ con tôi đang đứng, con gái tôi ở đây, con gái tôi chợt hét lên ôi mẹ ơi. Quay về phía đường, tôi thấy có người chết do bị tàu đâm khi cố vượt sang đường. Thương quá, hai mẹ con ôm nhau khóc”.

Vụ tai nạn khiến 9 người thương vong.
 Vụ tai nạn khiến 9 người thương vong.
Chứng kiến và tham gia giúp đỡ người bị nạn, bà Phạm Thị Tín, tổ 10, Thượng Thanh vẫn còn nhớ như in ánh mắt hoảng hốt, sợ hãi của người lái xa taxi, chở 9 người trong vụ tai nạn thảm khốc xảy ra khoảng cuối năm 2013. 
“Chiếc taxi đó chở mấy người ở Thượng Thanh xuống Hải Dương viếng đám ma rồi về. Đến đây trời cũng vừa tối, do không để ý lời hô có tàu của người dân, người lái xe ấy vẫn cho xe vượt sang đường. Thậm chí có thằng bé trong xóm nó lao ra giữa đường, vẫy tay bảo có tàu cũng không được. Chiếc xe taxi đó bị tàu húc văng vào nhà làm đá bên phố Thượng Thanh, thủng một góc nhà, thằng bé đứng ra ra hiệu có tàu suýt chết nếu không nhanh chân nấp vào cột điện bên đường, bị thương nhẹ. Tôi và mọi người phải dùng xà beng để lôi người ra mang đi cấp cứu. Cô gái là con dâu trong làng chết tại chỗ, để lại ba đứa con nhỏ”.

Cũng theo lời bà Tín mấy năm gần đây, ô tô bị tàu đâm là chủ yếu khiến số người bị thương vong tăng cao. Một sáng cuối năm 2012, bà Tín cũng chứng kiến vụ tai thảm khốc ô tô bị tàu đâm. Đó là ô tô của người trong làng chở người nhà, bạn bè đi ăn sáng. Vụ tai nạn làm 4 người chết. Hai người trong ô tô chết và bà chủ quán cháo lòng cùng ông xe ôm đang ngồi ăn chết tại chỗ, một số khác bị thương do chiếc xe bị tàu kéo văng vào quán cháo lòng gần đường tàu.

Tính riêng trong 2 năm 2012 và 2013, số người chết lên đến gần chục người. “Gần như năm nào cũng có một vài người chết vì tai nạn tàu đâm ở con đường này”, bà Tín xót xa nói.

Rào chắn, khát vọng xa vời!?

“Tôi cũng suýt chết tại “đường ngang tử thần này”, ông Nguyễn Quang Dũng (Tổ 10 Thượng Thanh) chia sẻ. Theo lời ông Dũng, một lần ông đi ô tô từ phố Ngô Gia Tự về nhà. Thấy không có chuông, không có đèn, ông cho xe đi lên. Đến giữa đường ray giao cắt với đường tàu, ông giật mình hoảng hốt vì tàu đang áp sát mình. May mắn ông nhấn ga vọt qua, không bị thương vong gì.

Nguyên nhân dẫn đến tai nạn thảm khốc ở “đường ngang tử thần” này ngoài việc khuất tầm nhìn do hai bên nhà san sát còn do đèn tín hiệu và chuông cảnh báo. Theo chia sẻ của người dân sống gần khu vực này, nhiều khi đèn tín hiệu, chuông báo có tàu nhưng người dân chờ 10 – 20’ không thấy tàu qua; đèn, chuông vừa nháy tàu đã qua rồi hay cả chuông cả đèn không báo hiệu tàu vẫn qua…

“Có đèn, có chuông báo hiệu còn cảnh giác, không chuông không đèn báo hiệu phải cảnh giác mười”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu của PV, để hạn chế tối đa tai nạn, cần có rào chắn mỗi khi tàu đến. Thế nhưng hơn 10 năm nay, người dân tổ 10 Thượng Thanh vẫn chưa được thỏa khát vọng ấy.

“Mỗi khi có tai nạn, người dân chúng tôi lại cùng nhau làm đơn gửi các cơ quan chức năng yêu cầu làm rào chắn đoạn giao cắt này nhưng không được. Không biết làm gì hơn, chúng tôi yêu cầu lắp đèn cao áp để người tham gia giao thông buổi tối quan sát được dễ hơn. Đêm tàu chạy nhiều mà chỗ này tối như hũ nút. Xin mãi mới được lắp cái đèn cao áp vào cuối năm ngoái”, bà Phạm Thị Tín, tổ trưởng hội phụ nữ tổ 10 chia sẻ.

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Hoàng Văn Lực, phó chủ tịch xã Thượng Thanh cho biết: Từ khi xã lên phường (năm 2003) đên nay đã có kiến nghị gửi các cơ quan chức năng cho lắp rào chắn ở điểm giao cắt này nhưng không được. Trong văn bản trả lời gửi cho UBND phường, bên ngành đường sắt, bộ phận quản lý tuyến đường sắt này trả lời vì chỗ này không đủ tiêu chuẩn để làm rào chắn, chỉ có thể lắp đèn tín hiệu và chuông báo.

Cũng theo ông Lực, phản ánh của người dân về việc đèn tín hiệu và chuông báo hiệu chập chờn như “ma chơi” là có thật. Có lẽ vì đèn tín hiệu báo một đằng, tàu một nẻo nên người dân chủ quan cố vượt sang đường khiến tai nạn xảy ra. Năm 2014 này, UBND phường Thượng Thanh vẫn tiếp tục gửi kiến nghị mong có rào chắn ở đoạn giao cắt với đường sắt ở tổ 10 này.

Chưa có rào chắn, phương án trước mắt UBND phường làm chỉ là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia giao thông qua tuyến đường này. Về lâu về dài vẫn là đề nghị các cấp có thẩm quyền lập rào chắn cho tuyến đường này.

Ngoài “nút đen” này, phường Thượng Thanh cũng có một đoạn giao cắt với đường sắt thậm chí không có đèn tín hiệu, không có chuông báo. Có thể nói khát vọng về tấm rào chắn, đảm bảo tính mạng người dân khi tham gia giao thông ở “đường ngang tử thần” này không khác nào hạn hán mong mưa. “Tử thần” rình rập, luôn chực cướp đi tính mạng của người tham gia giao thông bất kỳ lúc nào./.

Đọc thêm