Đường sắt sẽ trở thành loại hình vận chuyển mới ở Cần Thơ trong tương lai

(PLVN) - UBND TP Cần Thơ vừa có buổi làm việc với Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) và các đơn vị tư vấn, về việc triển khai thực hiện dự án tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ trước năm 2030.

Theo đại diện liên danh tư vấn cho biết, dự báo nhu cầu vận chuyển bằng đường sắt tính đến năm 2035 là hơn 6,4 triệu lượt hành khách và 9,1 triệu tấn hàng hóa mỗi năm; đến năm 2050, các con số này sẽ tăng lên tương ứng là hơn 22 triệu lượt hành khách và 41 triệu tấn hàng hóa. Đồng thời cho rằng, mặc dù tính đến năm 2034, 4 loại hình vận tải (gồm: đường bộ, sông, hàng không, biển) cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu vận chuyển. Thế nhưng với những số liệu nêu trên thì sau năm 2034, 4 loại hình vận tải trên sẽ không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển. Do đó, để có thể đáp ứng được nhu cầu giao thông tăng cao trong tương lai, các đơn vị tư vấn đã đề xuất tuyến đường sắt TP HCM – Cần Thơ cần được xây dựng và đưa vào hoạt động trước năm 2034.

TP Cần Thơ vừa có buổi làm việc với Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) và các đơn vị tư vấn, về việc triển khai thực hiện dự án tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ trước năm 2030.

Được biết, dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có điểm đầu ở ga An Bình (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), điểm cuối đến ga Cái Răng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ); tuyến đường sẽ kết nối 6 địa phương gồm: TP HCM, TP Cần Thơ, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long với 13 ga tàu. Dự tính, tổng mức đầu tư dự án gần 7 tỷ USD. Tuyến đường sắt được xây dựng dạng đường đôi, sử dụng khổ đường sắt tiêu chuẩn 1.435mm, cùng vận tốc thiết kế khoảng 190 km/giờ cho tàu khách và 120 km/giờ cho tàu hàng, nên thời gian đi từ Cần Thơ đến TP HCM sẽ được rút ngắn xuống còn 75-80 phút thay vì đi đường bộ mất từ 3 - 4 giờ như hiện nay.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ cho rằng, cùng với sự phát triển của TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung thì trong tương lai lưu lượng phương tiện đường bộ sẽ tăng lên gấp nhiều lần so với hiện nay. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu vận chuyển, cũng như tạo ra cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho Cần Thơ, nếu tranh thủ được nguồn vốn và có nhà đầu tư thì cần thực hiện dự án này sớm hơn, mà cụ thể là trong giai đoạn 2025 – 2030 thay vì sau năm 2030.

Cũng tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Hè phát biểu, TP Cần Thơ là đầu mối giao thông quan trọng của vùng ĐBSCL, do đó khi tuyến được sắt được đầu tư và đưa hoạt động song song, kết nối và đồng bộ với các trục đường hiện hữu thì tại ga Cần Thơ, hàng hóa sẽ được đưa đi các tỉnh trong khu vực và ngược lại một cách nhanh chóng, thuận tiện. Đồng thời, để phục vụ cho sự phát triển chung theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ, cũng như dựa trên các ý kiến đóng góp tại cuộc họp, TP Cần Thơ đề xuất dự án này nên được đầu tư sớm, chậm nhất trước năm 2030 phải triển khai, qua đó Cần Thơ cũng mong muốn Ban Quản lý dự án đường sắt sớm trình Bộ Giao thông Vận tải và các cấp có thẩm quyền của Trung ương xem xét, quyết định thực hiện dự án.

Đọc thêm