Game online - 'vũng lầy' của nhiều người trẻ ở Cần Thơ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nghiện game online sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng về tâm lý, sức khỏe và cuộc sống của các bạn trẻ, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ hình thành tội phạm.

Vấn đề nghiện game online của giới trẻ hiện nay luôn là chủ đề được mang ra tranh luận trên nhiều diễn đàn mạng, cũng như nhận được sự quan tâm đặc biệt của các bậc phụ huynh, nhà trường và xã hội.

Tình trạng nghiện game online ngày càng phổ biến

Nhiều người cho rằng, bản chất của game online không xấu nếu các bạn trẻ biết đâu là điểm dừng. Bởi lẽ, những trò chơi thực tế ảo này cũng có những lợi ích nhất định mà chúng ta cần phải công nhận. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan kèm theo lối suy nghĩ lệch lạc nên giới trẻ hiện nay dần lún sâu vào những trò chơi thực tế ảo. Từ đó tình trạng nghiện game online ngày càng phổ biến và kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường.

Hiện nay, game online đã trở thành “bóng đêm” phủ lên tương lai của giới trẻ khi tình trạng lạm dụng dẫn đến nghiện ngày càng phổ biến.

Hiện nay, game online đã trở thành “bóng đêm” phủ lên tương lai của giới trẻ khi tình trạng lạm dụng dẫn đến nghiện ngày càng phổ biến.

Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, ThS. Bác sĩ Trần Thiện Thắng , Bác sĩ điều trị tại Phòng khám Tâm lý Cần Thơ, Giảng viên trường Đại học Y Dược Cần Thơ, cho biết, hiện có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghiện game online nhưng có thể được phân làm ba nhóm chính sau, thứ nhất là bản thân các game online hiện nay có sức hút lớn, từ đồ họa đến nội dung, các mối quan hệ xã hội trong game đa dạng, thậm chí người chơi có thể kiếm tiền từ đó. Thứ hai là do gia đình, nhà trường và cả xã hội chưa xây dựng đủ các môi trường vui chơi, giải trí khác để có thể “cạnh tranh” với game online.

"Cuối cùng là vấn đề tâm lý cá nhân của những game thủ, họ muốn khẳng định giá trị bản thân thông qua nhân vật trong game hoặc trốn tránh bản thân và các vấn đề của hiện tại bằng cách “lẩn trốn” vào game, chỉ có trong thế giới online các bạn mới được thể hiện mình", ThS. Bác sĩ Trần Thiện Thắng nói.

Cũng vì những nguyên nhân trên nên không quá khó để chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh những tiệm Internet vẫn hoạt động ngoài giờ cho phép, đơn giản là vì nhu cầu chơi game về đêm của giới trẻ quá cao. Hay tại các quán cà phê, chỉ cần một chiếc điện thoại di động là các bạn trẻ có thể “chiến game” từ sáng cho đến tối mà không biết mệt mỏi.

Điển hình tại quán cà phê H.P 9 (trên đường Trần Văn Hoài, quận Ninh Kiều), khi phóng viên đến bắt chuyện, một nhóm bạn trẻ đang ngồi chơi game “liên quân huyền thoại” rất tự nhiên chia sẻ: “Chơi game là để giải trí nên mình thích thì mình chơi, đến tiết học thì lên lớp ngủ hoặc nhờ bạn điểm danh giùm là xong”...

Thực tế không thể phủ nhận rằng, nếu các bạn trẻ biết cách kiềm chế bản thân trước những cám dỗ mà game online tạo ra thì trò chơi này vẫn được xem là bộ môn giải trí sau những giờ học tập căng thẳng. Thế nhưng hiện nay, game online đã trở thành “bóng đêm” phủ lên tương lai của giới trẻ khi tình trạng lạm dụng dẫn đến nghiện ngày càng phổ biến.

Trò chơi ảo, hệ lụy thật

Game online không gây nghiện ngay lập tức giống như ma túy mà âm thầm len lỏi vào tâm trí của người chơi, nhưng đến khi phát hiện bị nghiện thì khó có thể dứt ra được. Thêm vào đó, những tựa game online hiện nay được lập trình rất hoàn hảo, từ nội dung hấp dẫn đến đồ họa đẹp, qua đó khiến người chơi bị lôi cuốn và cảm thấy chính bản thân đang “sống” thay cho nhân vật trong game. Đồng thời, những thử thách trong game được người chơi xem như mục tiêu, lý tưởng để sống. Dần dần, game online như một “vũng lầy” và các bạn trẻ là những con thiêu thân trước những cám dỗ đó.

Nghiện game online cũng là nguyên nhân hình thành tội phạm - ảnh minh họa.

Nghiện game online cũng là nguyên nhân hình thành tội phạm - ảnh minh họa.

“Chơi game online với cường độ cao trong khoảng thời gian dài sẽ kéo theo những hệ lụy khôn lường. Từ việc quá nhập vai với các nhân vật, khiến người chơi hình thành nhiều suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh lý về tâm thần như lo âu, trầm cảm, thậm chí là hoang tưởng hay biến dạng nhân cách. Trên thế giới, đã ghi nhận nhiều trường hợp cá nhân nghiện game bị hoang tưởng, không phân biệt được thực hay ảo, nghĩ rằng người bên ngoài cũng có thể “hồi sinh” giống nhân vật trong game nên thực hiện hành vi giết người. Ở mức độ nhẹ hơn, nghiện game gây ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc, học tập cũng như các mối quan hệ xã hội bị thu hẹp. Từ đó dẫn đến thiếu hòa nhập với cộng đồng khiến chất lượng cuộc sống bị giảm sút”, ThS. Bác sĩ Trần Thiện Thắng chia sẻ thêm.

Trong cuộc họp thường niên lần thứ 25 diễn ra tại Thụy Sĩ vào năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác nhận hội chứng nghiện game là một bệnh lý và chính thức bổ sung vào danh mục 55.000 bệnh, các thương tích hoặc nguyên nhân gây tử vong (hay còn gọi là danh sách phân loại bệnh “ICD”).

Qua đó thấy rằng, dù xã hội nhìn nhận vấn đề nghiện game online theo hướng tích cực hay tiêu cực thì việc bàn bạc, thảo luận về vấn đề này là điều thật sự rất cần thiết. Từ đó giúp giới trẻ có cách nhìn đa chiều, dưới nhiều góc độ khác nhau về những tác hại của việc lạm dụng game online. Từ đó, nhận định được mất như thế nào để có cách nhìn nhận và lựa chọn “số phận” cho riêng mình.

Tháng 6/2013, tại TP Cần Thơ đã xảy ra một vụ giết người liên quan đến vấn đề nghiện game online khiến dư luận hoang mang.

Cụ thể, Phạm Văn Trọng (20 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) là sinh viên năm 2 của một trường đại học trên địa bàn TP Cần Thơ, chỉ vì muốn gia nhập một hội game trên mạng mà nam sinh này đã lập kế hoạch giết 10 người. Khi nam sinh đang thực hiện hành vi giết người đầu tiên thì bị bắt. Vụ án kéo dài 4 năm với 2 phiên tòa xét xử, sau cùng HĐXX đã tuyên hủy bản án trả hồ sơ để điều tra lại từ đầu …

Đọc thêm