Shark Tank là chương trình truyền hình thực tế nhằm kết nối những bạn trẻ khởi nghiệp (Startup) sáng tạo và đầy khát vọng với các nhà đầu tư mạo hiểm (Shark). Startup là những bạn trẻ khởi nghiệp, giữ vai trò người chơi. Shark là các doanh nhân hoặc đại diện quỹ đầu tư... có nhu cầu đầu tư.
Chương trình sẽ “tường thuật” lại quá trình thương thuyết giữa Startup và Shark. Startup sẽ trình bày về sản phẩm, mô hình kinh doanh độc đáo, khả năng phát triển trong tương lai, nhu cầu về vốn… của mình để thuyết phục Shark đầu tư. Sau khi nghe trình bày, Shark có thể thương thuyết với Startup về số vốn đầu tư và hình thức đầu tư. Startup thuyết phục được Shark thì sẽ nhận được đầu tư, nếu không sẽ ra về tay không.
Chương trình sẽ giúp cho các bạn trẻ được nâng đỡ ngay từ bước đầu khởi nghiệp nhưng cũng căng thẳng nghẹt thở với các nhà đầu tư. Trong một thời gian rất ngắn, họ phải quyết định có đầu tư hay không. Vì vậy sự thuyết phục và phản biện, những yếu tố bất ngờ, đầy kịch tính sẽ là điểm nhấn khiến khán giả luôn chờ đợi đến giờ phát sóng của mỗi tập Shark Tank.
Shark Tank đã thành công tại hơn 30 quốc gia với hơn 300 triệu lượt người xem trên toàn cầu. Tại Mỹ, chương trình nhận được 250 ngàn đơn đăng ký tham gia mỗi mùa và tỷ lệ các vụ thương thuyết thành công là 48%. Shark Tank đã nhận được 5 giải thưởng Emmy cho format truyền hình thực tế hấp dẫn nhất. Tại Việt Nam, Shark Tank được phối hợp thực hiện bởi công ty TV Hub, công ty Capella Việt Nam.
Ngày 10/01/2017, đơn vị tổ chức đã giới thiệu top 100 Startup lọt vào vòng ghi hình và thương thuyết với các nhà đầu tư Shark. Đây là những người chơi được tuyển chọn từ tháng 09/2016 tại Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Đồng bằng Sông Cửu Long. Mục tiêu thành công trong Shark Tank mùa 1 là 30 thương vụ (chiếm khoảng 40%).
Shark Tank không chỉ là thử thách cho các Startup để nhận được đầu tư mà còn là cơ hội chinh phục trái tim của cộng đồng bằng cách truyền cảm hứng về tầm nhìn, ý tưởng sáng tạo và khát vọng phát triển nó trong tương lai. Vì vậy, chương trình được đánh giá là rất nhân văn.
Ông Trần Việt Thanh, thứ trưởng bộ Khoa Học & Công Nghệ "Shark Tank có giá trị thúc đẩy các doanh nghiệp còn non trẻ, có hoài bão kinh doanh để giúp các bạn trẻ được hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, đóng góp cho xã hội.". Ảnh: Võ Anh Tuấn |
Phát biểu tại buổi ra mắt top 100 Startup, ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng bộ Khoa Học & Công Nghệ đánh giá gameshow Shark Tank "có giá trị thúc đẩy các doanh nghiệp còn non trẻ, có hoài bão kinh doanh để giúp các bạn trẻ được hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, đóng góp cho xã hội.".
Format chương trình Truyền hình Thực tế Shark Tank
Mỗi tập phát sóng chương trình gồm 3 – 5 lượt pitch. Mỗi Pitch có 3 phần:
PHẦN 1: NGƯỜI CHƠI THUYẾT TRÌNH
- Sản phẩm, giá trị , sự độc đáo, sáng tạo
- Mô hình kinh doanh
- Tài chính, con người
- Kế hoạch phát triển trong tương lai
- Số tiền muốn được đầu tư
PHẦN 2: TRẢ LỜI CÂU HỎI VÀ THƯƠNG THUYẾT VỚI SHARK
Người chơi và Shark có thể thương thuyết về số vốn đầu tư và hình thức đầu tư như:
- Đổi lấy cổ phần
- Chia doanh thu, lợi nhuận
PHẦN 3: QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ: OUT or IN
Nhà đầu tư (Shark) sẽ đưa ra quyết định của mình. Trong trường hợp người chơi KHÔNG HÀI LÒNG với đề nghị góp vốn của SHARK họ có quyền từ chối và ra về.
AFTER DEAL: sau khi người chơi đã rời khỏi phòng, người chơi được phỏng vấn lý do họ chọn/không chọn SHARK; SHARK giao lưu về lý do họ đưa ra quyết định đầu tư/không đầu tư.