Trước đó, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đã viết tâm thư kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh đóng góp, ủng hộ người nghèo thuộc dự án di dời, giải phóng mặt bằng khu vực Kinh thành Huế có thêm điều kiện để sớm ổn định cuộc sống.
Theo lời kêu gọi của Bí thư Tỉnh ủy, nhiều cơ quan, đơn vị sau đó đã triển khai ngay các hoạt động ủng hộ, cụ thể như: Các ban, Ủy ban Kiểm tra, Văn phòng Tỉnh ủy quyên góp được được gần 20 triệu đồng; Văn phòng UBND tỉnh quyên góp được 40 triệu đồng; Công ty cấp nước Thừa Thiên Huế gần 100 triệu đồng; Công an tỉnh, Bệnh viên Trung ương Huế mỗi đơn vị 50 triệu đồng; Điện lực Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội mỗi đơn vị 40 triệu đồng, Sở Văn hóa và thể thao (Văn phòng sở) gần 10 triệu đồng,...
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Trần Thị Hoài Trâm chia sẻ: "Dự án này là một chủ trương lớn của tỉnh, phù hợp với định hướng chung là ổn định cuộc sống người dân, nhất là một bộ phận người dân nghèo sống trong vùng lõi di tích; đồng thời, giải phóng mặt bằng, trùng tu, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích trọng điểm. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị di sản đặc thù, thành phố di sản cấp quốc gia của Việt Nam".
Đề án di dời, tái định cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế với 4.201 hộ, tổng mức đầu tư khoảng 4.097 tỉ đồng. Trong giai đoạn 1, có 2.938 hộ phải di dời; trong đó có hơn 240 hộ thuộc hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách. Hiện UBND tỉnh đang chỉ đạo các ngành, địa phương gấp rút xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phía bắc Hương Sơ (TP. Huế) trên diện tích gần 10 ha, kinh phí 110 tỉ đồng với 500 lô đất để thực hiện di dân đợt 1 vào cuối năm nay. Ngoài những chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư của nhà nước người dân các khu vực trên Kinh thành Huế cần sự chung tay của Quỹ vì người nghèo góp sức.