Do ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giầy, may mặc xuất khẩu có số lượng đông công nhân, lao động đang gặp rất khó khăn từ khâu nhập nguyên liệu, đến khâu xuất khẩu thành phẩm. Do vậy, các DN buộc phải cắt giảm hoặc phân công ca làm việc luân phiên cho người lao động. Đồng thời, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, khó có khả năng để hoàn thành được các chỉ tiêu về kế hoạch sản xuất năm 2020.
Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp Công đoàn trên địa bàn, nắm chắc tình hình sản xuất, phương án sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Cùng với đó đề nghị doanh nghiệp có chính sách giữ chân người lao động khi có nhu cầu tuyển dụng lại, xem xét hỗ trợ một phần kinh phí khi họ nghỉ việc. Tăng cường công tác tuyên truyền để người lao động hiểu và chia sẻ cùng doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.
Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn các thủ tục để doanh nghiệp được hỗ trợ về chính sách giảm, giãn tiến độ nộp thuế, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội, cơ cấu gia hạn nợ, giảm lãi suất vay vốn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Cùng với đó có chính sách hỗ trợ người lao động khi bị mất việc làm.
Triển khai chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thanh Hoá đã rà soát, thống kê các nhóm đối tượng thuộc diện gặp khó khăn.
Cụ thể: Đối tượng người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng là 72.225 người. Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng là 200.862 người. Người thuộc hộ nghèo, cận nghèo là 539.161 người…
Dự kiến kinh phí thực hiện hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại Thanh Hoá nếu được hỗ trợ tháng 4, tháng 5, tháng 6 sẽ là hơn 1.989,9 tỷ đồng.