Do ảnh hưởng của mưa lũ, mấy ngày qua các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế bị ngập lụt nặng nề; trong đó một số vùng thấp trũng thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Trà, Hương Thủy và một số phường của Thành phố Huế đã bị nước ngập sâu từ 0,3 đến trên 2m, nhiều thôn, xóm bị nước lũ chia cắt hoàn toàn. Thiệt hại nặng nhất là các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang và thị xã Hương Trà.
Tính đến 12h ngày 11/10 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế có trên 54.487 nhà bị hư hỏng và ngập; gần 22.100 người trên 7.340 hộ dân cần di dời khẩn cấp.
Trước tình hình đó, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên- Huế đã chỉ đạo Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố huy động tối đa lực lượng, phương tiện xuống địa bàn để di dời nhân dân vùng trũng đến nơi an toàn. Mặc dù công tác cứu hộ không thuận lợi, nước lũ mỗi lúc một dâng cao, mưa lớn xối xả, nhưng đến thời điểm này, cán bộ, chiến sĩ của các cơ quan, đơn vị, Ban CHQS huyện, thị xã, thành phố vẫn đang tích cực, khẩn trương để giúp dân.
|
Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế tặng mì tôm cho người dân vùng lũ huyện Phong Điền. |
Khi nNước lũ về nhanh, cùng với mưa lớn mấy ngày liên tục đã làm cho thôn Châu Thành, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế bị cô lập hoàn toàn, trong khi nước lũ tiếp tục dâng cao, nguy cơ mất an toàn tính mạng, tài sản cho người dân trong thôn rất cao. Nhận được thông tin cứu trợ của địa phương và người dân, Ban CHQS huyện Phú Lộc đã nhanh chóng cử 25 cán bộ, nhân viên cùng với lực lượng dân quân của xã, huy động 1 ca nô, 3 đò, 2 xe ô tô khẩn trương cơ động xuống địa bàn thôn Châu Thành để di dời nhân dân đến nơi tránh trú an toàn.
Thiếu tá Lê Đức, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Phú Lộc, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Với phương châm “nhanh, kịp thời”, quyết tâm cao nhất, sau khi có mặt tại địa phương, chúng tôi chia nhau ra từng tổ, nhà nào khó khăn, người già neo đơn, gia đình gặp nguy hiểm chúng tôi ưu tiên di dời trước.
Mặc dù thời tiết không thuận lợi, trời mưa lớn, nước lũ dâng cao, nhưng cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện đã khắc phục khó khăn, vượt qua dòng nước lũ để di dời người dân, sau hơn 4 giờ đồng hồ, chúng tôi đã kịp thời di dời gần 150 nhân khẩu trên 35 hộ dân cùng nhiều vật dụng quan trọng đến nơi cao ráo, bảo đảm an toàn tuyệt đối.”
Tại phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, vào lúc 20h30 ngày 9/10, có mẹ con bà Châu Thị Lịch (85 tuổi) và con gái Phạm Thị Thanh Thủy (59 tuổi) sống ở số nhà 22/2 đường Dương Thiệu Tước bị mắt kẹt ở trong nhà do nước lũ dâng cao.
Nhận được thông tin, Ban CHQS thị xã Hương Thủy đã cử 7 cán bộ, nhân viên, một ca nô, áo phao, nhanh chóng cơ động về địa phương để kịp thời giải cứu người dân, do mực nước lũ mỗi lúc mỗi dâng cao, điện mất nên công tác cứu hộ rất khó khăn, mãi đến gần 22h tối cùng ngày, cán bộ, nhân viên Ban CHQS thị xã Hương Thủy mới tiếp cận được gia đình để đưa được 2 mẹ con bà Lịch về hội trường UBND phường để tránh trú.
|
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế khẩn trương di dời người dân đến nơi tránh trú an toàn. |
Thượng tá Đặng Thanh Sáng, Chính trị viên Ban CHQS thị xã Hương Thủy, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin: “Mấy ngày nay, Ban CHQS thị xã Hương Thủy đã huy động 100% quân số bộ đội thường trực, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lực lượng dân quân các xã, phường, phương tiện ca nô, thuyền, đò, ô tô về các địa phương để khẩn trương giúp nhân dân di dời đến nơi an toàn; chúng tôi tiếp tục chỉ đạo anh em nắm tình hình địa bàn, đặc biệt là các hộ dân có nguy cơ bị ngập lụt để sẵn sàng kịp thời di dời người dân, của cải vật chất đến các vị trí an toàn để tránh mưa, lũ.”
Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết: "Với quyết tâm không để bất kỳ một người dân nào trên địa bàn tỉnh phải chịu ảnh hưởng của mưa, lũ. Từ ngày 9/10 đến hôm nay, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên- Huế đã huy động 1.542 lượt cán bộ, chiến sĩ Bộ đội thường trực và trên 9.880 lượt chiến sĩ lực lượng dân quân tự vệ, cùng với trên 200 lượt phương tiện xe PTR 152, ca nô, xuồng, ô tô xuống địa phương để di dời trên chục ngàn người dân, cùng với tài sản ở các vùng ngập trũng đến nơi tránh trú an toàn.
ộ CHQS tỉnh tiếp tục chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị chạy đua với dòng nước lũ để di dời dân; ngoài việc di dời nhân dân, chúng tôi chỉ đạo Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố huy động lực lượng bộ đội thường trực, lực lượng dân quân tự vệ bám địa bàn để chằng chống nhà cửa, kê kích tài sản cho người dân, thành lập các tổ chốt chặn ở vùng nguy hiểm để ngăn chặn không cho người dân vào các khu vực mất an toàn. Hiện Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp nhận 5 ngàn thùng mì tôm và cử các đoàn về các địa phương kịp thời cứu trợ nhân dân."