Chị tên Bảy - cái tên cũng lam lũ, cục mịch như người thiếu phụ có thâm niên thức khuya dậy sớm bán xôi mấy chục năm ở đầu bốt điện khu ký túc xá Mễ Trì (Hà Nội). Thời điểm hơn hai chục năm trước, kinh tế còn khó khăn, chỉ có chị là người duy nhất đồng ý cho đám sinh viên nghèo chúng tôi ăn chịu, khi nào nhà gửi tiền lên hoặc có học bổng thì trả. Nếu lỡ ăn tiêu hết khất nợ đến tháng sau thì chị cũng chỉ cười hiền hậu…
Vào một ngày đem trả tiền xôi tháng, tôi phát hiện ra chị tính nhầm tiền cho mình, tính ra tôi được lời gần chục bữa. Tôi hí hửng cho rằng chị ít học, không biết tính nên nhầm lẫn; và thằng sinh viên nghèo, láu cá là tôi chọn giải pháp im lặng hưởng lợi. Nhưng đến khi tháng sau thấy chị vẫn tính nhầm như cũ, tôi bắt đầu áy náy lương tâm vì biết chị cũng nghèo, sau ly hôn chị phải một mình nuôi con trai...
Nhưng phải đến cuối tháng nữa, khi lĩnh tiền lương gia sư, tôi quyết định nói thật với chị về sự cố nhầm lẫn đó và xin trả hết số tiền mấy tháng chị đã tính nhầm cho tôi. Tôi cứ tưởng chị không biết tính, nhưng khi nhìn vào mắt chị, tôi biết hóa ra không phải vậy. Đôi mắt chị nhìn tôi ấm áp, lấp lánh mừng rỡ và cảm động. Chị cười xòa: “Cứ coi như chị muốn động viên, giúp chú một tay để chú yên tâm học tập! Chuyện nhỏ, có gì đâu!” Sau lần trò chuyện ấy đã khiến tôi coi chị - một người dưng nước lã như người thân giữa chốn đô thành xa lạ…
Bốn năm đại học vèo trôi. Tốt nghiệp đại học, vòng xoáy lo công ăn việc làm, nhà cửa, vợ con bìu díu cuốn tôi đi. Những bữa ăn sang trọng với đối tác khiến tôi dường như quên hẳn gói xôi đạm bạc của chị Bảy từng giúp mình đi qua những tháng ngày sinh viên khốn khó...
Gần đây, qua mạng facebook, tôi tìm được chị và nhờ vậy chúng tôi theo dõi thông tin về nhau chứ cũng rất ít gặp nhau. Biết con trai chị đã vào đại học, cháu lại biết thương mẹ, vừa đi học vừa chịu khó làm thêm đỡ đần mẹ, tôi cũng mừng cho chị. Giờ cuộc sống của mẹ con chị khá hơn trước nhiều rồi nhưng chị vẫn duy trì thúng xôi sáng gần bốt điện chỉ vì “bán vỉa hè còn có thể giúp được ai đó, chứ mở tiệm thì học sinh, sinh viên, người lao động nghèo họ ngại đến hàng sang!”
...Bất ngờ cuối tuần trước chị Bảy gọi điện thoại nói muốn gặp tôi, nghe giọng chị khẩn khoản, trang trọng khiến tôi vừa mừng vừa lo. Thì ra là chuyện con trai chị vừa đỗ học bổng du học toàn phần về công nghệ thông tin. “Đời chị quê mùa lam lũ, không rành về chữ nghĩa nên khi nghe con báo tin chị mừng lắm, tự hào mà cũng lo lắm. Chị báo tin cho chú là muốn chia sẻ với chú niềm vui và cũng mong chú bảo ban cháu giúp chị…” - chị nắm tay tôi rưng rưng chân tình.
Tôi như vỡ òa trong niềm hạnh phúc và cảm động; như niềm hạnh phúc kia chính là của mình, của người thân trong gia đình mình. Tôi nghĩ đến những cái tít trên báo mạng: Gánh xôi của người mẹ nghèo giúp con trai giành học bổng du học, Cậu bé giành học bổng bạc tỷ nhờ gánh xôi nghèo của mẹ… mà cay cay khóe mắt. Chuyện của chị làm tôi xúc động nhớ tới người mẹ tảo tần, giàu đức hy sinh của tôi cũng như bao bà mẹ nghèo trọng chữ nghĩa trên mảnh đất hình chữ S thân yêu này. Và tôi cũng tìm thấy hình ảnh của mình mấy chục năm về trước: một chàng trai nghèo hăm hở quyết tâm vượt khó bằng tri thức.
Ai đó đã nói rằng: Đâu phải cứ giàu có, đâu phải cứ tài năng xuất chúng mới thành công; mà thật giản dị thôi: chỉ cần phương pháp giáo dục đúng đắn và tích cực, mọi đứa trẻ đều có thể trở thành nhân tài theo cách của riêng mình. Và ở đời này, không có thành quả nào tự nhiên mà có, nếu không tài năng, nỗ lực thì vĩnh viễn không có ai trải thảm đỏ chào đón bạn. Và chắc chắn không thể có thạc sĩ công nghệ tài năng hôm nay nếu không có gánh xôi tần tảo sớm hôm của người mẹ nghèo nhân ái như chị Bảy…