Phát biểu tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí Thư Trần Quốc Vượng bày tỏ, "trong Hội nghị gặp gỡ biểu dương này, chúng ta xúc động và tự hào được gặp lại các nhà báo lão thành - những người đã dành nhiều tâm huyết và tình cảm cho sự nghiệp báo chí nước nhà; được gặp 187 nhà báo tiêu biểu được bình chọn từ cơ sở, đại diện cho hơn 41.000 người làm báo cả nước đã và đang ngày đêm hăng say lao động, góp phần vào những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những đóng góp quan trọng của các đồng chí và qua các đồng chí, gửi lời biểu dương và chúc mừng giới báo chí cách mạng Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Theo đồng chí Trần Quốc Vượng, sự nghiệp đổi mới của đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh những cơ hội to lớn, chúng ta cũng phải đối mặt với khó khăn, thách thức không nhỏ. Bối cảnh trên đặt ra cho báo chí cách mạng Việt Nam những nhiệm vụ nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang trên chặng đường đi tới.
Để báo chí hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mình, đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị các cơ quan chỉ đạo, quản lý, các cơ quan báo chí, đặc biệt là mỗi nhà báo, cần quan tâm thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
"187 đại biểu tiêu biểu tham gia Hội nghị là những người làm báo tiêu biểu, có thành tích nổi bật, đóng góp xuất sắc trong hoạt động báo chí, được cơ quan, đồng nghiệp tín nhiệm, đánh giá cao; có lập trường tư tưởng, chính trị vững vàng; tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi; bảo vệ công lý và lẽ phải; nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người; chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác" - ông Lê Minh Hùng - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết.
Cụ thể, thứ nhất, mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo, trước hết, hãy học và noi gương Bác Hồ- một nhà báo lớn, về phong cách và đạo đức làm báo.
Với lực lượng báo chí lớn mạnh (850 cơ quan báo chí các loại hình, trên 40.000 người làm báo), báo chí phải là lực lượng xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, nhất là những thông tin sai trái trên internet, mạng xã hội.
Thứ ba, các nhà báo cần không ngừng học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển không ngừng; thực hiện nghiêm 10 Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Thứ tư, các cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan hội, cơ sở đào tạo báo chí cần quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị nghề nghiệp và nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ người làm báo; cập nhật, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, đào tạo báo chí theo hướng hiện đại, gắn đào tạo với thực hành.
Thứ năm, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí theo phương châm chủ động, nhạy bén, kịp thời và thuyết phục. Tiếp tục triển khai hiệu quả Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Quan tâm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để hỗ trợ các cơ quan báo chí, người làm báo bảo đảm điều kiện làm việc, thu nhập để yên tâm làm báo.
Tại Hội nghị, các nhà báo lão thành, các nhà báo điển hình được tuyên dương đã tham gia tọa đàm, giao lưu, trao đổi, chia sẻ nghiệp vụ, chuyên môn, những bài học hay, kinh nghiệm quý trong nghề để các nhà báo hiện tốt hơn nữa sứ mệnh của người làm báo cách mạng, phụng sự đất nước, Tổ quốc, phục vụ nhân dân.