GDP tăng 5,18% sau 6 tháng đầu năm

(PLO) -Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2014 tăng 5,18% so với cùng kì 2013, quý I tăng 5,09 %, quý II tăng tiếp lên 5,25%.
Nền kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu lạc quan sau 6 tháng đầu năm 2014. Ảnh: Hướng Dương
Nền kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu lạc quan sau 6 tháng đầu năm 2014. Ảnh: Hướng Dương
Sáng nay (27/6), Tổng cục Thống kê đã chính thức công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2014. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm ước tính tăng 5,18% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, quý I tăng 5,09% và quý II tăng 5,25%.
Trong mức tăng 5,18% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,96% đóng góp 0,55% vào mức tăng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,33% đóng góp 2,06% và khu vực dịch vụ tăng 6,01%  đóng góp 2,57%.
Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 17,69%. Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,7%. Khu vực dịch vụ chiếm 43,61%. So với cùng kỳ năm 2013 thì tỉ trọng của khu vực nông lâm nghiệp thủy sản đã giảm còn tỷ trọng của khu vực dịch vụ tăng lên.
Xét về góc độ sử dụng GDP của 6 tháng đầu năm, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,19% so với cùng kỳ năm 2013 và đóng góp 4,09 vào mức tăng chung. Trong đó tiêu dùng cuối cùng của dân cư tăng 5,04% - cao hơn mức 4,49% cùng kỳ năm trước. Tích lũy tài sản tăng 5,08%.
Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có 37.315 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 230,9 nghìn tỷ đồng giảm 4,1% về số DN đăng ký thành lập và tăng 19,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013. Số DN tạm ngừng hoạt động có đăng ký là 6.066, số DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký là 22.637; giải thể là 4.751. Số DN rơi vào tình trạng ngừng hoạt động nay quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm là 8.322 – giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Về tình hình xuất nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 70,9 tỷ USD, tăng 14,9%. Trong đó, EU đã vươn lên vị trí dẫn đầu với tổng kim ngạch ước tính đạt 13,1 tỷ USD, đứng thứ 2 là Mỹ với kim ngạch đạt 13 tỷ USD, tăng 19,5%. Thị trường ASEAN đứng thứ 3 với 9,6 tỷ USD, tăng 4,8%. Thị trường sTrung Quốc đứng thứ 4 với 7,4 tỷ USD.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm với kim ngạch đạt 20,4 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ. Trừ đi giá trị xuất khẩu, hiện nhập siêu 6 tháng từ thị trường này ở mức 13 tỷ USD, so với mức 13,1 tỷ USD của cả năm 2013. 
Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 69,6 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 39,3 tỷ USD. 
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tăng 4,98% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất khoảng
Nói về những chuyển biến kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2014, các chuyên gia đều tỏ ra khá lạc quan khi cho rằng kinh tế 6 tháng tuy còn khó khăn thách thức nhưng có những dấu hiệu phát triển, thể hiện qau các chỉ tiêu như GDP tăng 5,18%, lạm phát, dư nợ tín dụng… xét về các khu vực kinh tế, cả 3 khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng cao đặc biệt về công nghiệp, dịch vụ.
Các chuyên gia cũng khẳng định căng thẳng trên Biển Đông trong thời gian vừa qua có thể ảnh hưởng sâu sắc đến việc xuất nhập khẩu và quan hệ thương mại giữa hai nước, bằng chứng là kim ngạch xuất nhập khẩu đã giảm nhẹ. Về lâu dài khi căng thẳng Biển Đông vẫn tiếp tục leo thang thì quan hệ thương mại giữa hai nước chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi Trung Quốc là bạn hàng lớn, chiếm tới 23% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với mức tăng trưởng chung là 26%.

Đọc thêm