Ghi ở chợ trâu, bò lớn nhất Việt Nam tại xứ Nghệ

(PLVN) - Từ lâu nay, chợ Ú xã Đại Sơn, huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An) được biết đến là chợ trâu, bò lớn nhất Việt Nam. Điều kì lạ, mỗi tháng 6 phiên họp vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21, 26. Dù mỗi tháng có 6 phiên họp nhưng nguồn hàng trâu bò không bị bị thiếu hụt hay khan hiếm, mà cung, cầu luôn tỉ lệ thuận với nhau. Hãy cùng khám phá phiên chợ đặc biệt này vào những ngày đầu Xuân Canh Tý 2020.
Mỗi ngày có phiên chợ trâu, bò thì người dân dậy từ rất sớm
Mỗi ngày có phiên chợ trâu, bò thì người dân dậy từ rất sớm

Vỗ béo trâu bò kiếm tiền triệu

Để có nguồn hàng là trâu bò phục vụ cho phiên chợ mỗi tháng, những thương lái phải thu mua trâu, bò khắp các tỉnh, trong đó phần lớn là ở phía Nam về tập trung ở chợ Ú. Quá trình vận chuyển qua nhiều ngày nên trâu, bò bị bỏ đói và gầy đi, do đó các thương lái thuê người dân địa phương chăn thả trâu, bò để “hàng” béo tốt lên sẽ được giá hơn khi bán tại chợ.

Hoặc có khi trâu, bò về đến nơi nhưng chưa đến ngày họp chợ nên cũng phải chăn thả để trâu bò ăn, vì thế người dân địa phương được thuê để cho trâu ra đồng ăn cỏ. Dọc theo tuyến đường N5 (tuyến đường từ huyện Đô Lương về huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) dễ dàng nhận thấy hai bên đường khi đi qua địa phận xã Đại Sơn trâu, bò được chăn thả rất nhiều tại đây. Những con trâu, bò này tất cả là cũng không phải của những người chăn thả mà có khi là của những người khác mua về thuê người chăn thả vỗ béo chờ ngày họp chợ. 

 

Những người chăn thả trâu, bò tại đây chủ yếu là phụ nữ địa phương ở nhiều độ tuổi khác nhau, mỗi ngày cầm theo chiếc roi tre để “cai quản” cả chục con trâu, bò, có khi là cả trăm con đi ăn dưới ruộng. Họ chủ yếu là nông dân địa phương, những ngày nông nhàn rỗi nhận thêm việc chăn thả trâu, bò kiếm thêm thu nhập.

Chị Nguyễn Thị Tú, người dân địa phương cho biết: “Trâu, bò ở đây chủ yếu là họ thuê chúng tôi chăn thả để vỗ béo, chờ ngày bán cho được giá, mỗi con tầm giá trung bình từ 30 đến 40 triệu đồng. Đối với những con trâu còn nhỏ (nghé con) giá chỉ từ 2,5  - 3 triệu đồng. Nếu mua được con trâu mộng to, khỏe, dáng đẹp thì số tiền có thể lên đến cả trăm triệu đồng. Loại trâu mộng hiếm hơn, tìm được thì thương lái phải lùng sục tại các huyện miền núi Nghệ An hay ở trong tận Tây Ninh mới có."

Bà Phạm Thị Nhi - người chăn thả trâu, bò chia sẻ: “Tranh thủ lúc rảnh rỗi mùa màng đang không có việc làm thì nhận thêm vài con trâu chăn thả, vỗ béo và cũng chăn thêm trâu nhà mình để kiếm thêm thu nhập. Cả trăm con trâu trong xã được thả trên cánh đồng làng, nếu không muốn để lạc thì phải đi sát cả đàn qua nhiều cánh đồng để canh chừng. Khi đàn trâu của mình được quây về một góc trên cánh đồng thì mới được thong thả ngồi nghỉ. Đến cuối buổi thì cho trâu về, tuy vất vả nhưng cũng kiếm được đồng ra đồng vào”.

Được biết, mỗi ngày những người phụ nữ này được trả công từ 200 đến 250 ngàn/ngày tùy theo từng đàn ít hay nhiều. Nếu thương lái nào thu mua được khoảng 50 con trở lên thì cần 3 người trông coi tiền công cũng phải cao hơn.

Chợ Ú thu hút hàng trăm người dân và khoảng 1.500 con trâu, bò mỗi phiên họp
Chợ Ú thu hút hàng trăm người dân và khoảng 1.500 con trâu, bò mỗi phiên họp

Hàng ngàn con trâu, bò mỗi tháng tham dự phiên chợ

Trước kia, chợ Ú là bãi đất trũng, nếu ngày mưa gió thì ướt và ngập nước nhưng vẫn thu hút được lượng trâu, bò và người thu mua rất đông. Hai năm trở lại đây, chính quyền địa phương đã đầu tư xây dựng lại khu chợ khang trang hơn nên mưa gió vẫn có thể họp được.

Chợ được chia ra 2 khu buôn bán tách biệt: khu chợ trâu, bò và khu chợ thường. Người thu mua thường gọi đây là chợ trâu, bò lớn nhất cả nước, có người còn cho đây là khu chợ trâu, bò lớn nhất Đông Nam Á, mỗi phiên chợ có hàng nghìn con trâu, bò được mua bán, trao đổi đưa về từ các nơi trong và ngoài tỉnh, có nguồn từ từ Lào đưa về. 

Những thương lái thu mua trâu, bò ở đây đều có kinh nghiệm nhiều năm “chinh chiến” trong “nghề” nên rất sành trong việc lựa chọn. Có những người từ xa đến đem trâu, bò đi bán chợ Ú từ chiều hôm trước nên trong đêm đem gửi ở nhà dân, sáng mai đưa ra chợ sớm cho kịp phiên chợ. Mặt hàng trong chợ trâu, bò có đủ loại trâu, bò (to, nhỏ, béo, gầy, non, già) được mua bán, trao đổi.

Số trâu, bò này được chủ nhân dắt tay, cột vào những chiếc xe hoặc những cột trên sân chợ chờ người đến xem. Người dân trong vùng quanh khu vực chợ Ú cũng bỗng dưng thành những thương lái sành điệu vì làm nhiều nên có kinh nghiệm. Họ có thể thu mua trâu, bò rồi bán lại cho người khác kiếm tiền chênh lệch, hoặc thấy trâu, bò gầy ốm nhưng dáng đẹp thì mua đem về vỗ béo đợi bán phiên sau.

Những con trâu, bò sau khi mua bán xong xuôi được chủ nhân đánh dấu hoặc viết chữ, số lên da để khẳng định sở hữu cũng như để không bị lạc. Phần lớn, số trâu, bò được các lái buôn đường xa đến thu mua rồi gom lại, sau đó được đưa lên các xe tải chở đi các tỉnh phía Bắc bán. Việc đưa trâu bò lên xe tải để vận chuyển cũng không dễ dàng gì, có khi phải huy động nhiều người để lôi kéo hoặc có khi phải khiêng lên xe.

Cũng tại đây, không ít các em nhỏ theo bố mẹ đi mua trâu bò, từ bé các em đã được đi chợ để dắt trâu, bò đến hoặc đưa về nhà chăn thả. Cũng vì thế, không ít em cũng được “truyền nghề” mua bán trâu, bò như những thương lái sau nhiều năm theo bố mẹ. Do nắm bắt được thị trường cũng như có nhiều kinh nghiệm, nhiều bài học nên người dân quanh vùng chợ Ú cũng kiếm được thu nhập từ việc thu mua, chăn thả trâu, bò, vì thế mà cuộc sống cũng khấm khá hơn. 

Những con trâu sau khi đã được mua bán thành công sẽ được buộc lại để đưa lên xe chở đi các tỉnh để tiêu thụ
Những con trâu sau khi đã được mua bán thành công sẽ được buộc lại để đưa lên xe chở đi các tỉnh để tiêu thụ 

Ông Đặng Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho biết, theo những người cao niên trong xã kể lại, chợ Ú có từ rất lâu rồi, có thể là từ những thập niên 50 – 60 của thế kỷ trước. Mỗi phiên chợ có khoảng 1.500 con trâu, bò được đưa đến chợ để giao dịch, mỗi phiên có khoảng 1.200 – 1.300 con được mua bán thành công. Phần lớn số trâu, bò sau khi mua bán thành công được vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ, một số đưa về các thành phố lân cận.

“Sau khi sửa sang lại chợ thì khu mua bán cũng đã khang trang hơn, chợ tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương có thu nhập ổn định. Một phần cũng góp vào khoản thu cho địa phương thông qua việc thu phí mỗi con trâu, bò khoảng 1.500 đồng…”.

Cứ thế, đều đặn mỗi tháng 6 phiên nhộn nhịp, không khi nào thiếu vắng người cũng như trâu, bò. Đến những ngày đó, người dân địa phương dậy từ sáng sớm để ăn sáng, có người còn không kịp ăn để ra chợ tìm những con trâu, bò trả giá hợp lý để dắt đi bán hoặc đưa về nhà. Công việc đã nuôi sống không biết bao nhiêu con người, cũng như tạo sinh kế và cho thu nhập ổn định cho hàng trăm con người từ hàng chục năm nay tại mảnh đất Đô Lương xứ Nghệ.

Đọc thêm