Lớp học xóa mù chữ
Theo thống kê, trên địa bàn do đồn biên phòng (ĐBP) Tuyên Bình phụ trách, quản lý có 29 hộ người Việt di cư tự do từ Campuchia về sinh sống với 142 nhân khẩu. Đa số các hộ dân này đều không có các giấy tờ tùy thân khiến cuộc sống khó khăn chồng chất khó khăn, không có nghề nghiệp ổn định mà chủ yếu làm thuê, cắt lục bình, sống tạm ven các tuyến kênh, rạch hoặc neo đậu trên ghe, xuồng ở khu vực biên giới. Đặc biệt, các gia đình này không có điều kiện để cho con em đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Nhiều em nhỏ phải phụ giúp gia đình đi bán vé số, ở nhà trông em… để phụ giúp gia đình.
Trò chuyện cùng chúng tôi, Trung tá, Hoàng Văn Dũng – Chính Trị viên ĐBP Tuyên Bình tâm sự: “Đời sống của người dân di cư còn nhiều khó khăn, mỗi em học sinh có một hoàn cảnh riêng, song điểm chung nhất ở các em là khát khao được học tập, được tiếp cận với kiến thức.
Mô hình “Cán bộ đoàn viên, thanh niên dạy xóa mù chữ cho con em người Việt Nam di cư tự do từ Campuchia về sinh sống trên địa bàn biên giới” được đồn triển khai thực hiện từ năm 2012 tới nay đã đạt được rất nhiều kết quả thiết thực.
Để việc tổ chức lớp học phù hợp tình hình thực tế, đơn vị đã cử các tổ công tác địa bàn phối hợp các ban, ngành, đoàn thể của xã đến từng hộ nắm tình hình, nguyện vọng của người dân, tổ chức họp phụ huynh để thống nhất biện pháp tổ chức thực hiện.
Lớp học được tổ chức vào buổi tối, từ 18h đến 20h từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần do vào ban ngày, các em phải mưu sinh như bán vé số, chăn vịt mướn. Dù lớp học diễn ra vào buổi tối, nhưng với sự ham học, phần lớn các em đều đến lớp đầy đủ. Thậm chí, có những em được các chiến sỹ đưa đón để đảm bảo việc học.
Thầy và trò của lớp học vùng biên ải. |
Là những thầy giáo mang quân hàm xanh, thời gian đầu các cán bộ, chiến sĩ nới đây gặp rất nhiều khó khăn trong vận động các gia đình, các em đến lớp; soạn giáo án; nắm phương pháp giảng dạy sư phạm…
Để chia sẻ bớt các khó khăn, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Tuyên Bình tạo điều kiện để cho cán bộ, chiến sỹ tham gia dự giờ các tiết dạy của trường để nâng cao kiến thức, kỹ năng sư phạm trong quá trình đứng lớp. Hiện nay, lớp học dành cho trẻ em thuộc các gia đình di cư tự do từ Campuchia về được chia thành 2 lớp với 48 học sinh. Phân riêng học sinh lớp 1, và gộp chung học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 để giảng dạy tại điểm trường Tiểu học Tuyên Bình.
Nét đặc biệt tại lớp học này, là các cán bộ, chiến sỹ phải cùng lúc giảng dạy nội dung cho các em học sinh thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều lớp học khác nhau khi học gộp. Trung uý Nguyễn Đình Thông hiện đang trực tiếp đảm nhận việc giảng dạy chia sẻ: "Những ngày đầu mới tiếp nhận lớp học, tôi đã phải dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu các kỹ năng sư phạm, nhất là việc làm thế nào để có thể dạy cùng lúc tất cả các học sinh gộp nhiều lớp trong cùng một lớp. Vừa dạy vừa tích lũy kinh nghiệm, tôi luôn giữ được sự ổn định của lớp học, tạo không khí vui vẻ, đoàn kết, để các em thực sự gắn bó với lớp.
Bên cạnh đó, việc học sinh nhiều độ tuổi cùng học chung một lớp dễ làm cho các em đôi khi khó tập trung. Ở lớp 4-5 có nhiều em học sinh từ 14-16 tuổi cảm thấy ngại khi phải học chung lớp với các em nhỏ hơn mình nhiều tuổi. Do đó, tạo dựng không khí học tập thoải mái luôn là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong lớp học của tôi" - thầy Thông cho biết.
Lồng ghép kiến thức giáo dục và tuyên truyền pháp luật
Ngoài những môn học chính căn bản, các cán bộ, chiến sỹ ĐBP Tuyên Bình trong quá trình giảng dạy còn lồng ghép tuyên truyền về bảo vệ môi trường; những kiến thức kỹ năng cơ bản trong cuộc sống, phép cư xử trong gia đình, xã hội, để các cháu trở thành những thành viên tích cực của cộng đồng.
Theo Trung tá Hoàng Văn Dũng, do hiện tại các gia đình nằm trong đối tượng di dân tự do từ Campuchia đã chuyển về sinh sống tại xã ngoại biên nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật. Do đó, các cán bộ, chiến sỹ rất cố gắng để truyền tải đến các em học sinh về cách sống, nếp sống có kỷ cương, tuân thủ pháp luật, để các em nâng cao ý thức, kiến thức và phổ biến đến gia đình của mình.
Đến nay, sau hơn 8 năm, từ lớp học đặc biệt này đã có hàng chục em học sinh trưởng thành, học tiếp lên các bậc học cao hơn, có việc làm ổn định. Đây chính là niềm động viên to lớn, phần thường có ý nghĩa dành cho những cán bộ, chiến sĩ biên phòng đang gắn bó với lớp học.
Ở xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng – nơi nhiều gia đình di dân tự do từ Campuchia về để sinh sống, chúng tôi bắt gặp nhiều em nhỏ đi bán vé số. Các gia đình phần lớn đi vớt lục bình về phơi khô để bán cho các làng nghề hoặc đi làm thuê, làm mướn. Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng công việc giảm khiến nhiều người mất việc, ở nhà không có thu nhập.
Một khu người Việt di dân tự do về Việt Nam sinh sống tại khu vực biên giới. |
Anh Đỗ Văn Minh ngụ ấp 2, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng chia sẻ: "Gia đình chúng tôi về Việt Nam sống được 9 năm rồi nhưng cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Hàng ngày chỉ đi làm thuê làm mướn, thu nhập rất bấp bênh. Tôi rất muốn đi làm ở các khu công nghiệp nhưng không có giấy tờ nên đành ở nhà, ai thuê gì làm nấy. Dù cuộc sống còn nghèo nhưng gia đình rất phấn khởi khi con gái được các thầy giáo bộ đội dạy học".
Gặp chúng tôi, bé Đỗ Thị Hồng (10 tuổi) – con gái anh Minh khá rụt rè nhưng không giấu nổi sự tò mò với người lạ. Khi gặp Trung úy Nguyễn Đình Thông, bé nhanh tay dẫn vào nhà và khoe ngay với bố mẹ "đây là thầy giáo của con". Chia sẻ với chúng tôi, em cho biết rất thích đi học, nhớ thầy, nhớ bạn và mong muốn sớm được đến trường.
Để nghỉ Tết Nguyên đán và phòng dịch từ bên kia biên giới, các em học sinh thuộc các lớp được nghỉ học từ trước Tết. Hiện nay, ĐBP Tuyên Bình đã tiến hành phun khử khuẩn lớp học để sẵn sàng chuẩn bị đón các em đi học trở lại. Chia sẻ với chúng tôi, các cán bộ, chiến sỹ đều cho biết các em rất hiếu học, một khi có thông báo sẽ sẵn sàng quay trở lại lớp.
Mô hình xóa mù chữ cho trẻ em người Việt di dân tự do từ Campuchia về Việt Nam sinh sống tại vùng biên của lực lượng BĐBP tỉnh Long An qua nhiều năm thực hiện không chỉ được chính quyền địa phương đánh giá cao mà còn nhận được sự ủng hộ từ chính các gia đình và các em học sinh. Đây không chỉ là mô hình nhân văn, nhân ái mà còn đóng góp trực tiếp vào công tác phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí, bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ quốc.