Gia Lai: Cô giáo trẻ người Ja Rai nguyện dùng “tâm” để “ươm mầm” tương lai

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Vốn sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó từ một gia đình nông dân người Ja Rai ở xã Chư Đrăng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, nên Ksor H’Pranh thấu hiểu hơn ai hết về những khó khăn trong việc tiếp cận với “con chữ” của những em nhỏ người dân tộc thiểu số nơi đây. Vì vậy, khi ước mơ trở thành cô giáo của mình đã thành hiện thực, Ksor H’Pranh đã nguyện dành tất cả tâm huyết cuộc đời mình cho việc gieo mầm con chữ cho người dân quê hương.
Gia Lai: Cô giáo trẻ người Ja Rai nguyện dùng “tâm” để “ươm mầm” tương lai

Ước mơ làm cô giáo của cô gái trẻ người Ja Rai

Lời đầu tiên chia sẻ với chúng tôi về công việc của mình, cô giáo Ksor H’Pranh (SN 1990) cho biết: “Ngay từ khi còn nhỏ mình đã có ước mơ trở thành một cô giáo, được đứng trên bục giảng để có cơ hội truyền thụ những kiến thức cho các em học sinh. Đặc biệt, là những em nhỏ người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn trên mảnh đất quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên. Tuy hiện nay, ước mơ đã trở thành hiện thực, nhưng để đạt được ước mơ đó thì bản thân mình cũng đã phải đánh đổi rất nhiều mồ hôi và nước mắt…”.

Vốn sinh ra trong một gia đình có 4 chị em, bố mẹ đều không có công việc ổn định, lại đều không biết chữ, nên cũng như bao đứa nhỏ người Ja Rai khác tại Buôn Thành Công, xã Chư Đrăm thì việc được đến trường, tiếp cận với “con chữ” là một điều rất khó khăn. Đơn giản vì gia đình đã nghèo lại đông con nên bố mẹ H’Pranh không có nhiều thời gian để ý đến việc học hành của con cái. Hơn nữa, là chị cả trong gia đình nên H’Pranh cũng sớm ý thức được tránh nhiệm của mình trong việc giúp bố mẹ chăm lo cho các em nhỏ. Điều này cũng ảnh hưởng nhiều đến việc đến trường của cô.

Cô giáo Ksor H'Pranh trong một giờ lên lớp.

Cô giáo Ksor H'Pranh trong một giờ lên lớp.

Tưởng chừng, trong hoàn cảnh khó khăn đó H’Pranh sẽ lựa chọn như bao đứa trẻ Ja Rai khác nghỉ học để theo cha mẹ lên nương, làm rẫy giúp gia đình. Nhưng không, cô gái Ja Rai đã không chọn đầu hàng số phận mà chọn đương đầu với khó khăn, muốn vượt lên chính mình để thay đổi cuộc sống của bản thân cũng như gia đình mình. Cũng từ đó, ước mơ được trở thành cô giáo đã âm thầm được gieo vào tâm tư, suy nghĩ của cô gái nhỏ có hoàn cảnh khó khăn này. Nó cũng là “kim chỉ nam” để H’Pranh không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi rào cản trong cuộc sống để đạt được ước mơ.

Vì bố mẹ, người thân trong gia đình đều không biết chữ nên ngoài thời gian học ở trường tiếp thu kiến thức từ thầy cô thì đa phần H’Pranh đều phải tự mình mày mò, tự học ở nhà. Biết gia đình khó khăn nên ngay từ những năm cấp 1, H’Pranh đã đặt ra mục tiêu phấn đấu để được ở nội trú trong trường, như vậy sẽ được miễn phí các khoản đóng góp hàng năm theo quy định.

Cô H’Pranh chia sẻ thì: “Như hiểu được sự quyết tâm và nỗ lực của mình nên thầy cô trong trường rất thương mình. Thầy cô đã tìm nhiều cách để giúp mình có được một suất ở nội trú. Đây cũng là tiền đề giúp mình bước tiếp trên con đường thực hiện ước mơ. Vì vậy, thực sự mình rất biết ơn thầy cô trong trường khi đó và muốn một lần nữa gửi lời cảm ơn sâu sắc đến thầy cô…”.

Vì đã có định hướng từ rất sớm nên trong kỳ thi đại học, Ksor H’Pranh đã quyết định chọn nguyện vọng 1 của mình là dự tuyển vào Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai. Ngày cầm giấy báo trúng tuyển trên tay thì tâm trạng của H’Pranh là một mớ hỗn độn “vừa vui lại bừa buồn, lo lắng”; vui vì mình đã chính thức bắt đầu bước trên con đường để hoàn thành ước mơ. Bên cạnh đó, thì cũng buồn, lo lắng vì sợ gia đình mình khó khăn sẽ không có điều kiện để mình tiếp tục đi học, phải bỏ dở ước mơ giữa chừng.

Nhưng bằng nghị lực, quyết tâm cùng niềm mơ ước cháy bỏng với nghề giáo nên Ksor H’Pranh đã quyết định phải bước vào cổng trường Sư phạm, dù biết trước mắt mình sẽ là vô vàn khó khăn. Trong suốt 3 năm học Cao đẳng, để có được tiền phục vụ sinh hoạt hàng ngày thì cô sinh viên H’Pranh đã không ngần ngại đi làm thêm để lấy tiền trang trải.

Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn nơi cô H'Pranh đang giảng dạy.

Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn nơi cô H'Pranh đang giảng dạy.

Mọi nỗ lực của Ksor H’Pranh cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng khi cô đã tốt nghiệp bằng khá cũng như năm 2012 may mắn được tuyển vào công tác tại Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn. Đây cũng chính là ngôi trường cô đã từng học, cũng là cái nôi đầu tiên nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo cua cô.

Nguyện dùng “tâm” để “ươm mầm” tương lai cho quê hương

Ksor H’Pranh mang theo niềm hăng hái, sự quyết tâm cống hiến của tuổi trẻ vào trường với tâm tư sẽ dành tất cả thời gian, năng lực bản thân để mang đến “con chữ” cho tất cả các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại quê hương. Đặc biệt, là cố gắng thay đổi tư duy đã ăn sâu vào suy nghĩ của những em học sinh người dân tộc thiểu số còn mang nặng tư tưởng “cơm không đủ ăn thì học chữ làm gì?”.

Tuy nhiên, Ksor H’Pranh cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn khi thực hiện ước mơ của mình. Năm đầu tiên về trường công tác, khó khăn ập đến khiến Ksor H’Pranh đôi khi cảm thấy như bị mất phương hướng khi gặp phải một số em học sinh cá biệt là người đồng bào mang tư tưởng “học cũng được mà không học cũng chẳng sao”.

Cô Ksor H'Pranh vui vẻ khoe đồng nghiệp khi được học sinh tặng những bông hoa dại nhân ngày 20/11.

Cô Ksor H'Pranh vui vẻ khoe đồng nghiệp khi được học sinh tặng những bông hoa dại nhân ngày 20/11.

Trong lúc, bế tắc đó may mắn H’Pranh đã nhận được những lời khuyên, lời động viên kịp thời từ cô Hiệu trưởng, Ban giám hiệu nhà trường cùng những đồng nghiệp đi trước đã giúp cô lấy lại đi thần và định hướng được phương pháp tiếp cận học sinh của mình.

Để vận động các em đến trường cô H’Pranh đã không ngần ngại tìm đến tận nhà từng em để vận động gia đình, vận động các em đến trường. Cô cũng tìm mọi biện pháp để gần gũi với học sinh của mình như: tìm hiểu hoàn cảnh của từng em để có biện pháp vận động, giúp đỡ hiệu quả; thường xuyên đưa các em về nhà mình để nấu ăn, nấu chè… cho các em ăn.

Với lợi thế là biết thêm tiếng Ja Rai nên sau một thời gian kiên trì cuối cùng cô trò đã gần gũi, thân cận với nhau, từ đó các em cũng thích được đến lớp hơn, sĩ số của lớp cá biệt đã luôn được duy trì. Dưới sự chăm sóc, dạy bảo của cô H’Pranh thì lớp cá biệt đã thay da đổi thịt và không còn mang danh diệu là “lớp cá biệt” nữa.

Sau nhiều lần vấp ngã, vượt qua nhiều khó khăn trong nghề nghiệp thì cô giáo trẻ Ksor H’Pranh cũng đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm, từ đó công tác giảng dạy cũng gặp nhiều thuận lợi, suôn sẻ hơn.

Khi công việc ở trường thuận lợi, H’Pranh đã có thời gian nhìn lại những người dân quê hương mình hay như chính cha mẹ mình đang chịu rất nhiều thiệt thòi chỉ vì không biết chữ. Đây cũng là điều canh cánh trong lòng cô bao lâu nay, nó cũng chính là mục tiêu to lớn nhất khi cô quyết định chọn theo đuổi nghề giáo viên. Đó chính là bằng sức mình, kiến thức của mình để giúp đỡ người dân đều biết đọc, biết viết…Và quan trọng nhất là hiểu được lợi ích, tầm quan trọng của việc biết đọc, biết viết trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Nghĩ là làm nên từ năm 2015 đến nay, bản thân cô H’Pranh đã mở được 5 lớp dạy xoá mù chữ cho người dân, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, tất cả các lớp đều hoạt động vào ban đêm nên ngoài thời gian dạy ở trường thì bản thân cô H’Pranh cùng các thầy cô đồng nghiệp gần như không có thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi hay dành cho gia đình.

Với những nỗ lực không ngừng của bản thân cũng như sự giúp đỡ động viên của nhà trường, đồng nghiệp, trong những năm qua, cô Ksor H’Pranh cũng đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận như: 03 năm liên tiếp là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; được UBND tỉnh Gia Lai tặng Bằng khen đạt thành thích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước; nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện…

Cô Đoàn Thị Thuý- Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn.

Cô Đoàn Thị Thuý- Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn.

Nhận xét về những thành tích mà cô Ksor H’Pranh đã đạt được, cô Đoàn Thị Thuý- Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn cho biết, với một giáo viên luôn năng động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ trong công việc như cô H’Pranh thì những thành tích trên là hoàn toàn xứng đáng. Không chỉ là một trong những giáo viên luôn đi đầu trong các phong trào của trường thì điều cô Hiệu trưởng tâm đắc nhất ở người giáo viên trẻ của mình là đã dám nghĩ, dám làm khi thành lập được 05 lớp xoá mù chữ cho lứa tuổi từ 14 đến 60 tuổi tại cơ sở. Từ đó, tạo tiền đề cho nhà trường hoàn thành nhiệm vụ phổ cập xoá mù chữ trên địa bàn xã.

Bên cạnh đó, cô Thuý cũng đánh giá cao các phương pháp giảng dạy của cô H’Pranh khi thường xuyên vận dũng những đồ vật, con vật thực tế trong cuộc sống, trong gia đình, lớp học để giúp các em học sinh dễ dàng liên tưởng, dễ nhớ đến những từ, chữ mình được học trên lớp.

Đọc thêm