Trưa 21/7 vừa qua, gia đình cháu Nguyễn Văn Khang (2 tuổi, ở Hậu Lộc, Thanh Hóa) phát hiện cháu bị mất tích đột ngột. Theo đó, lợi dụng lúc gia đình đang có đám giỗ, mọi người đều bận, cháu Khang chạy ra ngoài chơi thì bị 2 đối tượng Nguyễn Văn Toản (SN 1983) và Tăng Văn Chung (SN 1991, cùng ở Hậu Lộc) bắt đi.
Các đối tượng khai bắt cóc cháu Khang nhằm mục đích tống tiền để mua ma túy. Thấy công an chốt chặn, truy lùng, nhóm này đưa cháu bé về nhà Toản giấu. Sau đó, Toản và Chung uống rượu, sử dụng ma túy nên ngủ quên, cháu Khang đã tự đi lang thang ra đường, được lực lượng chức năng phát hiện và đưa về giao cho gia đình.
Trước đó, đầu tháng 5/2016, Công an huyện Tương Dương, Nghệ An đã bàn giao bé gái Moong Thị Tân Mão (SN 2011, nạn nhân một vụ bắt cóc) cho gia đình đồng thời bắt Quang Thị Loan (SN 1983, ở Tương Dương, Nghệ An) cùng 3 đồng phạm. Loan và đồng phạm khai sau khi bắt cóc cháu Mão đã đưa cháu lên Móng Cái, Quảng Ninh, bán cháu cho một người Trung Quốc.
Nhiều trường hợp trẻ mất tích khác đến nay vẫn chưa rõ tung tích. Điển hình là vụ việc 2 chị em họ tại Phú Xuyên, Hà Nội là Nguyễn Thị Trang (SN 2007) và Tạ Thu Trang (SN 2006, cùng ở xã Khai Thái) xin phép bố mẹ ra nhà bà ngoại ăn tối từ chiều ngày 14/5, rồi mất tích từ đó đến nay.
Đáng chú ý là trường hợp của gia đình anh Lương Thế Huynh (ở xã Tà Nung, TP Đà Lạt), bố của cháu Lương Thế Vương (SN 2012), bị mất tích ngày 21/6/2015. Thương con, nhiều tháng trời, anh Huynh không quản nắng mưa giá rét, rong ruổi trên khắp các tỉnh, thành cả nước để tìm con trai. Anh đi nhiều đến mức chiếc xe máy trở nên rách nát, cũ kỹ nhưng vẫn chưa tìm được con.
Gia đình chị Dương Thị Lân (trú ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) cũng đang sống trong tâm trạng hoang mang, lo lắng tột độ. Chị Lân kể, vào thời điểm 9h sáng ngày 22/7, bé Nguyễn Minh Châu (4 tuổi), con gái chị đang chơi một mình ngoài đường gần nhà. Lúc đó bà của cháu đang đi mua cháo. Khi mua cháo về đến nơi thì bà không thấy cháu Châu đâu nữa, chỉ còn lại đôi dép của cháu ở trên đường. Từ đó đến nay, tung tích của cô bé vẫn bặt vô âm tín.
Xung quanh vấn nạn bắt cóc trẻ em, phóng viên báo Câu chuyện Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Trung tá, TS Hà Thị Hồng Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm.
|
TS Hà Thị Hồng Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm. |
Cảnh giác với những chiêu thức của tội phạm
-PV: Bà có nhận xét gì về thực trạng bắt cóc trẻ em ở Việt Nam những năm gần đây?
TS Hà Thị Hồng Lan: Bắt cóc trẻ em là một loại tội phạm rất nguy hiểm, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội nhưng lại có xu hướng gia tăng và ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh.
Thông thường các đối tượng nhằm vào những đứa trẻ con các gia đình có điều kiện kinh tế, tìm hiểu nắm rõ quy luật sinh hoạt của gia đình các cháu cũng như sinh hoạt, học tập của các cháu (nơi học, giờ đến lớp, giờ tan lớp, các thông tin về cha mẹ, ông bà, thầy cô giáo, người thân...).
Đối tượng thường chuẩn bị rất kỹ kế hoạch, chiêu thức bắt cóc từ việc làm quen, dụ dỗ, dựng các kịch bản để lừa cô giáo, nhân viên y tế, người thân... đến kế hoạch di chuyển, lưu giữ trẻ bị bắt cóc; cách thức mua bán trẻ; đe dọa, nhận tiền, tiêu hủy chứng cứ hoặc bỏ trốn...
Tội phạm bắt cóc trẻ em còn sử dụng công nghệ thông tin như qua mạng internet, mạng xã hội, điện thoại di động... vào quá trình thực hiện tội phạm; trong nhiều trường hợp chúng hình thành các nhóm với sự phân công vai trò, vị trí của từng đối tượng làm cho công tác phát hiện, truy bắt, xử lý gặp nhiều khó khăn.
Các đối tượng bắt cóc thường nhằm 2 mục đích sau: Tống tiền (chiếm đoạt tài sản) và trả thù cá nhân, trong đó mục đích chiếm đoạt tài sản là chủ yếu. Để đạt được mục đích về tài sản chúng đã sử dụng nhiêu phương thức khác nhau như: Liên lạc với người thân của trẻ để yêu cầu chuyển tiền; móc nối với đường dây buôn bán người để bán ra nước ngoài lấy tiền; sát hại trẻ lấy bộ phận cơ thể bán...
Đây là những hành vi rất và đặc biệt nguy hiểm, không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn gây tổn hại về tinh thần, về sức khỏe và tính mạng cho nạn nhân cũng như những người thân thích của họ, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 134); Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120).
-PV: Theo bà, đâu là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của loại tội phạm này?
TS Hà Thị Hồng Lan: Trước hết, đó là hệ lụy từ nạn mua bán người đang diễn ra rất phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới và khu vực trong thời gian qua. Sự mất cân bằng giới tính, nhất là ở các nước châu Á, cùng với nạn mại dâm, bóc lột lao động, bóc lột tình dục, thậm chí là mua bán nội tạng... đã thúc đẩy thị trường mua bán người (trong đó có mua bán trẻ em) ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều sắc thái khác nhau.
Lợi nhuận lớn từ mua bán người cũng thúc đẩy loại tội phạm này gia tăng hoạt động. Bên cạnh đó, những mâu thuẫn, xung đột, cạnh tranh nảy sinh trong đời sống đã trở thành một môi trường để tội phạm thực hiện hành vi bắt cóc trẻ em nhằm trả thù, giải quyết mâu thuẫn hoặc gây sức ép đòi tiền chuộc (tống tiền).
Mặt khác, môi trường xã hội ngày càng rộng mở, nhất là ảnh hưởng của truyền thông, mạng xã hội, internet... tác động đến nhận thức, tình cảm, hành vi của trẻ em, cùng với sự mất cảnh giác, quản lý lỏng lẻo của gia đình cũng làm cho tình trạng trẻ em bị bắt cóc, mất tích, trẻ bỏ nhà đi lang thang diễn biến phức tạp.
-PV: Làm sao để nhận diện được đối tượng bắt cóc trẻ em, thưa bà?
TS Hà Thị Hồng Lan: Qua những vụ án bắt cóc trẻ em xảy ra, có thể thấy những đặc điểm phổ biến của loại tội phạm này là hành vi bắt cóc trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ gia đình nào, với trẻ em ở nhiều lứa tuổi. Đối tượng bắt cóc trẻ em rất đa dạng, có thể là bạn bè, người thân của gia đình nạn nhân, người hiếm muộn…
Đặc biệt, hầu hết các đối tượng gây án là những người đang có nhu cầu cấp thiết về tiền bạc, gặp bế tắc về kinh tế. Đó có thể là những người làm ăn đổ bể, nợ nần, vướng vào tín dụng đen, hoặc không có công ăn việc làm, lang thang, đua đòi, nghiện hút, cờ bạc, lười lao động…; đối tượng có tiền án, tiền sự, không chịu hoàn lương…
Đối tượng bắt cóc trẻ em thường xuất hiện, qua lại ở những nhà trẻ, khu vực công viên, trường học, nơi có nhiều trẻ em tập trung. Nếu là tính toán trước bao giờ cũng có sự biểu hiện về mặt tâm lý hoặc tâm thế, có thể là một ánh mắt hoặc một biểu hiện khác trên gương mặt. Với những đối tượng bộc phát là khi họ thấy hoàn cảnh quá dễ để thực hiện hành vi bắt cóc ấy như thấy đứa trẻ chơi một mình và không ai quan tâm.
|
Phụ huynh cần dạy trẻ kỹ năng tiếp xúc với người lạ.( Hình minh họa) |
Chủ động phòng ngừa nạn bắt cóc trẻ em
-PV: Theo bà, chúng ta cần làm gì để nâng cao công tác phòng chống nạn bắt cóc trẻ em?
TS Hà Thị Hồng Lan: Chúng ta cần chủ động phòng ngừa nạn bắt cóc trẻ em. Về phía nhà trường, cơ sở y tế, cần đề ra các nội quy và thực hiện chặt chẽ các nội dung liên quan đến bảo vệ trẻ em, tránh việc bắt cóc xảy ra. Các cơ quan chức năng cẩn đẩy mạnh tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm bắt cóc trẻ em, nâng cao ý thức cảnh giác, đề phòng và bịt kín sơ hở không để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi bắt cóc.
Về phía xã hội, mọi người ngoài tinh thần cảnh giác, cần tích cực phát hiện, tố giác tội phạm, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan, tích cực tham gia giúp đỡ cơ quan Công an truy bắt thủ phạm, bảo vệ nạn nhân.
Khi xảy ra vụ bắt cóc, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần khẩn trương, quyết liệt điều tra, bắt giữ thủ phạm, kịp thời đưa ra xét xử nghiêm minh qua đó răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Về phía gia đình, người lớn cần trang bị kỹ năng tiếp xúc với người lạ cho trẻ như: Sử dụng mật khẩu, không đi theo người lạ khi không có ngườỉ thân đi cùng, không nhận quà từ người lạ, khi bị người lạ dụ dỗ hoặc đe dọa cần phản ứng như thế nào...
Hướng dẫn trẻ em biết rõ những thông tin về gia đình (bố mẹ, ông bà, địa chỉ gia đình...); trao đổi, phối hợp với nhà trường, các thầy cô giáo trong quản lý các cháu ở trường; Nắm chắc việc quan hệ bạn bè của các cháu; nhắc nhở các cháu cần cảnh giác với những hiện tượng, tình huống bất lợi, nguy hiểm.
Các bậc phụ huynh cần cẩn trọng khi sử dụng mạng xã hội, không đưa thông tin, ảnh quá chi tiết về con và gia đình lên trang mạng.
-PV: Bà có lời khuyên gì cho các gia đình trong trường hợp con em họ bị bắt cóc?
TS Hà Thị Hồng Lan: Nếu gặp phải tình huống con em mình bị các đối tượng bắt cóc, phụ huynh cần bình tĩnh và khẩn trương xác minh thông qua các mối quan hệ của người thân trong gia đình, thông qua nhà trường... để kiểm tra tính xác thực của thông tin về vụ bắt cóc.
Nếu nhận thấy các dấu hiệu tương đối rõ nét về việc con em mình có thể đã rơi vào tay của những kẻ bắt cóc, các gia đình cần bình tĩnh và khẩn trương, bí mật báo với cơ quan công an thông qua số điện thoại đường dây nóng 113.
Phụ huynh cần có niềm tin tuyệt đối với cơ quan chức năng, phải hợp tác chặt chẽ, tạo dựng đường dây nóng giữa gia đình và cơ quan chức năng, cung cấp cho cơ quan chức năng đầy đủ thông tin cá nhân của đứa trẻ nếu gặp phải tình huống con em mình bị bắt cóc.
Khi xảy ra vụ bắt cóc trẻ em, mặc dù người thân rất sốc, rất hoang mang nhưng trước hết cần phải bình tĩnh, tỉnh táo nếu không sẽ gây nguy hiểm cho chính con em mình và khó khăn cho công tác điều tra, truy bắt thủ phạm cũng như giải cứu các cháu bé.
Không nên gây ôn ào, thông tin về việc bắt cóc càng ít lan truyền càng tốt, qua đó hạn chế đánh động đối tượng, khiến chúng càng cảnh giác hơn, tìm nhiều thủ đoạn che dấu hành vi phạm tội hoặc xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân.
Quá hoang mang, hoảng loạn càng dễ để đối tượng khai thác gây sức ép nhằm tống tiền, đồng thời cũng không đủ minh mẫn để tìm biện pháp giải quyết hợp lý. Gia đình phải khẩn trương báo ngay cho cơ quan Công an và hợp tác rất tích cực để lực lượng này có biện pháp truy bắt thủ phạm, bảo vệ trẻ bị bắt cóc. Có thể nói, đây là lực lượng quan trọng nhất, có đủ khả năng, điều kiện về nghiệp vụ, phương tiện, lực lượng... để giải quyết vụ bắt cóc một cách hiệu quả.
Thủ phạm luôn tìm cách đe dọa gia đình nạn nhân: “Nếu báo Công an chúng sẽ sát hại trẻ bị bắt cóc”. Một số trường hợp vì quá lo sợ đe dọa của đối tượng nên đã không báo hoặc báo chậm hoặc thiếu hợp tác với cơ quan Công an nên đã trả giá đắt.
Cần phải cung cấp đầy đủ, chi tiết mọi thông tin liên quan đến trẻ bị bắt cóc, diễn biến sự việc cũng như những nghi vấn; thực hiện đúng các chỉ dẫn của cơ quan công an, không nên tự mình giải quyết theo yêu cầu của đối tượng.
- Xin chân thành cảm ơn bà!
Theo Cục Cảnh sát Hình sự (C45), để phòng ngừa loại tội phạm này, về phía lực lượng công an, cần chủ động phối hợp, làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc diễn biến, tình hình hoạt động của tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em, kịp thời phát hiện các băng nhóm tội phạm chuyên bắt cóc tống tiền để ngăn chặn và đấu tranh kịp thời.
Lực lượng công an cũng phải thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, nhà trường, thông báo các phương thức, thủ đoạn của tội phạm bắt cóc trẻ em để tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giáo viên, cán bộ nhà trường, phụ huynh học sinh nắm được. Từ đó, kịp thời phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn bắt cóc trẻ em tại khu dân cư hay trường học.
Để không xảy ra các tình huống xấu với con em mình, đề nghị các bậc cha mẹ cần quan tâm hơn đến con cái. Đối với các cháu nhỏ, gia đình phải trông nom cẩn thận, không để chơi chỗ vắng hay nhờ người lạ trông.
Còn đối với các cháu đang đi học, các bậc phụ huynh nên quan tâm, đưa đón con, đừng vì mải công việc mà quên đón, hoặc giao cho những người không ruột thịt trong gia đình đón, có thể sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.