Gia tăng nạn "giết con mới sinh"vì luật "giơ cao, đánh khẽ"?

(PLO) - Vừa dứt ruột sinh con nhưng nhiều bà mẹ lại đang tâm vứt bỏ, thậm chí giết chết đứa con đỏ hỏn. Theo pháp luật hiện hành thì chỉ khi đứa trẻ chết, những bà mẹ ấy mới bị xử lý về tội “Giết con mới đẻ”, còn trường hợp trẻ được cứu sống thì người mẹ chỉ bị xử phạt hành chính với mức “nhẹ hều”.
Một trẻ sơ sinh đã chết do bị vứt bỏ.
Thi nhau giết con bằng túi nilon
Cách đây vài ngày, các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Từ Dũ – TP.HCM đã hốt hoảng khi thấy một thai nhi còn nguyên dây rốn, tím bầm, ngừng thở được bọc trong túi nilon, cất... trong balo một phụ nữ. Mẹ của đứa trẻ tên L.T.P.T, 26 tuổi, quê Phú Yên đến bệnh viện trong tình trạng mất máu sau sinh. 
T. vừa mới sinh con tại nhà vệ sinh công cộng, sau đó người mẹ trẻ đã nhẫn tâm lấy chính dây rốn quấn vào cổ đứa con ba vòng rồi bọc thêm vào hai lớp áo, cho vào túi nilon và bỏ vào ba lô. Bị quấn chặt không có đường thở, đứa bé trai đã tử vong. Khi được hỏi vì sao giết con, người mẹ đã tỉnh bơ nói rằng gia đình khó khăn quá nên đằng nào cũng chẳng nuôi nổi.  
Trước đó ngày 2/8/2013, người dân phát hiện xác một hài nhi vừa mới sinh còn nguyên dây rốn bọc trong túi nilon vứt ở một ao cá thuộc xã Hòa Phú (Ứng Hòa, Hà Nội). “Thủ phạm” vứt cháu bé được xác định là Lê Thị M. (19 tuổi), chưa có chồng, mang thai ngoài ý muốn. Vì không muốn bị hàng xóm dị nghị nên M. đã nhẫn tâm cho con mới sinh vào túi nilon và ném xuống ao ngay sau nhà, để con chết. 
Gia đình của M. cũng sửng sốt khi biết hành động vô nhân tính của chính con gái mình. Cô gái Lê Thị M. sau đó đã bị khởi tố, điều tra về hành vi “Giết con mới đẻ”.
Pháp luật còn “giơ cao, đánh khẽ”
Điều 94 Bộ luật Hình sự quy định về tội “Giết con mới đẻ” như sau: “Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”. 
Như vậy, dấu hiệu bắt buộc của tội giết con mới đẻ là đứa trẻ bị chết. Trường hợp trẻ may mắn được cứu sống thì đương nhiên hành vi của người mẹ vứt con dù tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhưng không phạm tội.
Thực tế, không ít người mẹ vô lương ấy sau khi vứt con mới đẻ vẫn đang nhởn nhơ, không phải chịu bất kỳ một sự trừng phạt nào. Đơn cử trường hợp Bùi Thị Lan (ở khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM) sau khi sinh đã cho con vào túi và vứt bỏ con ngay tại phía sau khu nhà trọ đang ở. Đứa trẻ may mắn được phát hiện và cứu sống nên Lan không phạm tội “Giết con mới đẻ”. 
Sự thoát tội của Lan đã gây nên làn sóng bức xúc trong dư luận. Bởi hành vi vứt bỏ đứa trẻ vừa mới ra đời, không có chút khả năng tự vệ, không có chút khả năng tự sống là cố ý tước đoạt tính mạng của đứa trẻ, vì bất kỳ lý do gì thì cũng đáng bị lên án và trừng phạt nghiêm khắc. 
Và việc đứa trẻ được cứu sống là do may mắn, việc thoát chết nằm ngoài ý chí chủ quan của người mẹ. Vậy nên, nhiều ý kiến cho rằng xác định những trường hợp đứa trẻ không chết thì người mẹ không phạm tội là sự “vị tha” không đáng có của pháp luật, đã “nương tay” đối với tội ác khiến  tình trạng những “ác mẫu” vứt con mới đẻ ngày càng có chiều hướng gia tăng. 
Ông Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: Luật còn kẽ hở!

Cha mẹ bỏ rơi con là một trong các hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình. Trường hợp cha mẹ bỏ con, không chăm sóc, nuôi dưỡng là một trong những hành vi vi phạm nghiêm trọng nhất quyền trẻ em, người có hành vi này có thể bị xử phạt từ 5- 10 triệu đồng theo Nghị định 91/2011/NĐ-CP của Chính phủ.

Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ quy định về tội “Giết con mới đẻ” đối với hành vi người mẹ vứt bỏ đứa con mới sinh trong vòng 9 ngày tuổi mà xảy ra hậu quả đứa trẻ chết. Tuy nhiên, đối với những trường hợp vứt bỏ con lại chưa có điều khoản nào quy định; và cũng chưa có ai nghĩ đến việc phải truy tố những người vứt bỏ con.

Đọc thêm