Gia tộc quyền lực Rothschild (Kỳ 5): Mối quan hệ giúp tay buôn tiền cắc có bước đột phá vĩ đại

(PLVN) - Như đã nói ở kỳ trước, nhờ vào mối quan hệ với Hoàng tử William mà Mayer Amschel Rothschild từ một tay buôn tiền cắc đã có thể bước chân vào giới hoàng tộc. Bằng sự nhạy bén, biết nắm bắt thời cơ và khôn khéo hơn người, Mayer đã có được những phi vụ làm ăn đem lại sự thịnh vượng cho gia tộc.
Mối quan hệ giữa Mayer và Hoàng tử William đã đem lại cho gia tộc Rothschild những bước tiến vượt bậc.

Gia tộc quyền lực Rothschild (Kỳ 4): Thế lực nào đứng sau trùm phát-xít Hitler?

Mối quan hệ đáng giá ngàn vàng

Câu chuyện bắt đầu từ khi Mayer quay trở lại Frankfurt tiếp tục công việc làm ăn là cho vay lãi của cha mình. Lúc này Mayer đã có mối quan hệ tốt với tướng quân Von Estorff, người mà Mayer đã tạo được ấn tượng khi còn là một thiếu niên học nghề ở Oppeheimer. Một việc khiến cho tướng Estorff càng vui hơn đó là Mayer đã tự nguyện bán cho vị tướng này mấy đồng tiền hiếm với giá hời, vì thế mà ông đã xem Meyer như người tri kỷ. Sự khéo léo này đã giúp cho Mayer nhanh chóng thân quen với rất nhiều nhân vật có máu mặt trong hoàng gia.

Gia tộc Rothschild đã tạo nên một đế chế tài chính - ngân hàng tại châu Âu bắt đầu từ cuối thế kỷ 18. Sau hơn 300 năm, gia tộc này kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau và trở thành một trong những gia tộc có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới.

Estorff có mối quan hệ gần gũi với Hoàng tử William, con của vua Frederick II - một trong những người được mệnh danh là giàu có nhất châu Âu. Năm 1764, vua Frederick II phong Hoàng tử William làm người cai trị một lãnh thổ nhỏ tên là Hanau-Münzenberg, nơi mà ông háo hức lập ra một thư viện lớn và một trung tâm sưu tập tiền cắc. Hoàng tử William đã nhờ Estorff thu xếp một cuộc gặp với một nhà sưu tập đến từ khu Do Thái Frankfurt, người đó không ai khác chính là Mayer.

Sau cuộc gặp gỡ đó, Mayer nhận ra rằng vị vua này cũng là một nhà sưu tầm tiền cổ, vậy là Mayer lại dùng cách tương tự để lấy lòng William. Mayer đã giành được vai trò đại lý thu mua thời vụ của hoàng tử tại các hội chợ thương mại Frankfurt. Đây là nơi mà Hoàng gia sẽ không hạ mình để tiến hành các giao dịch bằng tiền mặt, bởi vậy, không ai phù hợp hơn việc đại diện cho Hoàng tử William ngoài Mayer. Ban đầu chỉ là các giao dịch nhỏ nhưng sau đó tần xuất tăng dần.

Vào năm 1769, sau nhiều năm phục vụ mẫn cán, Mayer đã thuyết phục được Hoàng tử William ban cho ông danh hiệu đại lí của hoàng gia, một vinh dự giúp Mayer gia tăng uy tín trong giới quí tộc. Điều này đã giúp cho ông có một tấm huy hiệu chính thức gắn lên cửa nhà mình, bên cạnh viết một dòng chữ vàng: “M.A.Rothschild, người đại diện do vua William chỉ định”. Một thời gian sau, uy tín của Mayer nổi như cồn, công việc làm ăn cũng theo đó mà ngày càng phát đạt.

Hoàng tử William được mệnh danh là người ham tiền hơn mạng sống, nổi tiếng là người cung cấp “quân đội đánh thuê” cho quốc gia khác để “gìn giữ hoà bình”. Ông có mối quan hệ mật thiết với các hoàng thất ở nhiều quốc gia châu Âu, đặc biệt rất thích làm ăn với hoàng gia Anh quốc. Nhờ có rất nhiều nguồn lợi hải ngoại nên nước Anh thường xuyên phải dùng đến quân đội để duy trì và bảo vệ lợi ích của mình, nhưng số lượng binh lính lại không đủ trong khi lượng tiền mà nước Anh xuất ra lại tương đối nhiều và rất ít khi khất nợ, cho nên, quốc gia này rất hợp rơ với Hoàng tử William.

Mayer Amschel Rothschild.

Sau này, khi cuộc chiến tranh giành độc lập của Mỹ nổ ra, số lượng quân Đức mà Washington phải đối phó còn nhiều hơn cả số quân của Anh quốc. Về sau, Hoàng tử William đã tích lũy được lượng tài sản lớn nhất trong các hoàng thất châu Âu, ước khoảng 200 triệu đô-la Mỹ. Cũng vì thế mà người đời gọi ông là “con cá mập cho vay máu lạnh nhất châu Âu”.

Sau khi trở thành một thành viên dưới trướng của Hoàng tử William, Mayer tận lực xử lý tất cả mọi việc, vì vậy rất được William tin tưởng. Không lâu sau cuộc đại cách mạng tư sản Pháp bùng nổ (1789-1799), làn sóng cách mạng dần lan rộng sang các nước theo chế độ quân chủ lân cận. William bắt đầu nhấp nhổm không yên và lo rằng cuộc cách mạng đang ngày càng lan dần đến nước Đức, các phần tử phản loạn sẽ cướp sạch tài sản của ông.

Ngược lại với cách nghĩ của Hoàng tử, Mayer lại hết sức vui mừng với cuộc cách mạng Pháp, bởi vì cuộc khủng hoảng sẽ khiến cho lượng tiền bạc của ông tăng lên. Khi ngọn lửa cách mạng lan đến thành La Mã cổ kính, cắt đứt đường trung chuyển thương mại của Anh, giá hàng hóa nhập khẩu đã tăng vọt. Công việc vận chuyển hàng hóa từ Anh sang Đức đã giúp cho Mayer kiếm được bộn tiền.

Nhà trung gian chủ chốt

Đến năm 1800, dòng họ Rothschild đã trở thành một trong những dòng họ Do Thái giàu có nhất ở đất Frankfurt. Trong năm này, Mayer còn nhận được danh hiệu “đại diện hoàng gia đế chế” do quốc vương của xứ La Mã trao cho. Danh hiệu này khiến cho ông có thể đi lại khắp nơi trong đất nước này, được miễn trừ các loại thuế đánh vào người Do Thái, thậm chí nhân viên công ty của ông còn có thể mang theo vũ khí.

Năm 1803, mối quan hệ giữa Mayer và Hoàng tử William ngày càng mật thiết khiến cho thế lực của Mayer mạnh hơn rất nhiều so với trước. Một người anh họ của Hoàng tử William là Quốc vương Đan Mạch ngỏ ý muốn vay của William một khoản tiền, nhưng sợ người khác biết được sự giàu có của mình nên William đã không đồng ý.

Mayer đã trở thành trung gian giữa các ngân hàng Anh và Hoàng tử William..

Sau khi biết được việc này, Mayer cho rằng đây là một cơ hội rất tốt, bèn đưa ra một phương án giải quyết: William cứ xuất tiền, còn Mayer là người ra mặt thương lượng việc cho vay, lấy danh nghĩa Rothschild cho Quốc vương Đan Mạch vay, và như vậy Mayer có thể trích phần trăm lãi suất.

Sau khi suy nghĩ cẩn thận, cảm thấy đây là một phương án vẹn cả đôi đường, vừa có thể cho vay mà lại không để lộ sự giàu có của mình cho thiên hạ biết, William bèn nói với Mayer rằng, việc cho Quốc vương vay tiền quả là chuyện nằm mơ mà Mayer cũng khó có thể thấy được, và việc này không chỉ được báo đáp về sau, mà còn là cơ hội tuyệt vời để nâng cao danh dự. Kết quả là công việc này đã đem lại cho Mayer thành công rất lớn. Liền sau đó, 6 khoản vay của Đan Mạch được giao dịch thành công thông qua Mayer. Thanh danh của Rothschild theo đó cũng nổi lên như cồn, đặc biệt là mối quan hệ mật thiết giữa ông và hoàng gia bất đầu được mọi người biết đến ở châu Âu.

Sau đó, Mayer còn trở thành nhà trung gian chủ chốt giữa vị Hoàng tử Đức và giới ngân hàng Anh quốc. Thỏa thuận này đã bắt đầu khi Hoàng tử William cho Anh thuê binh sĩ trong lãnh địa của mình, để trấn áp cuộc cách mạng Mỹ. London chi trả hậu hĩnh cho binh lính của William, nhưng việc này phải chi trả thông qua các chứng từ của Anh, phải chuộc ra thành tiền tại một ngân hàng Anh quốc.

Thời đó, các ngân hàng Anh chưa có chi nhánh nào bên ngoài lãnh thổ Anh, cho nên Hoàng tử William đã cử các thương gia Đức đến London để đổi các chứng từ này lấy tiền mặt, rồi chuyển nó sang các đồng tiền địa phương của Đức. Những người trung gian này giữ lại một tỉ lệ phần trăm nhỏ như một mức phí để giao lại tiền mặt cho William.

Mayer đã phải mất một thời gian mới thuyết phục được William trao cho ông công việc đổi các hóa đơn chiến tranh của Anh ra tiền mặt. Khi được Hoàng tử William chia cho một phần công việc trong hoạt động kinh doanh này, Mayer liên tục đề nghị sẽ hạ mức hoa hồng để được tăng khối lượng. Tiếp cận này đã trở thành "kim chỉ nam" của nhà Rothschild từ đời Mayer cho đến đời các con ông.

Khi vua Frederick II đột ngột băng hà do đột quỵ vào năm 1785, ngai vàng được truyền lại cho Hoàng tử William và danh hiệu lãnh chúa. Gia tộc Rothschild bỗng chốc có mối quan hệ mật thiết với một trong những cơ nghiệp đồ sộ nhất châu Âu. Gia tộc Rothschild đã nương cậy vào Hoàng tử William để có được nhiều hơn những mối kinh doanh từ vị lãnh chúa mới.

Đọc thêm