Giấc mơ thu tiền tỷ từ cây dó bầu tạo trầm hương khó thành hiện thực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sau hàng chục năm sinh trưởng, để kích thích những cây dó bầu tạo trầm hương trên thực tế là điều không hề dễ như lời quảng cáo của các công ty bán giống. Thậm chí, nếu dùng các phương pháp kích thích tạo trầm hương quá đà còn khiến cây chết, người trồng rơi vào cảnh trắng tay...
Trên địa bàn xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy có hơn 100 hộ gia đình trồng cây dó bầu trên diện tích hơn 20ha.
Trên địa bàn xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy có hơn 100 hộ gia đình trồng cây dó bầu trên diện tích hơn 20ha.

Theo người dân, do trầm hương có giá trị từ triệu đến vài trăm triệu đồng một kg nên trước đây, đã không ít người bất chấp nguy hiểm để vào rừng tìm trầm với hi vọng đổi đời. Những câu chuyển xen lẫn thực hư về việc trở thành tỷ phú vì may mắn tìm được trầm hương trong rừng cũng từ đó lan truyền khắp nơi.

Khi nguồn trầm hương tự nhiên trong rừng đã cạn kiệt, nhiều người bắt đầu tìm cách tạo trầm bằng việc trồng cây dó bầu rồi dùng phương pháp kích thích. Với những lời quảng cáo của các công ty bán giống như: khi cây dó bầu trưởng thành bằng các phương pháp tiêm axit hay chế phẩm sinh học vào cây sẽ tạo được trầm hương... khiến trầm hương càng trở nên có sức lôi cuốn với nhiều người.

Tại xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, hàng trăm hộ dân đã dành hàng chục ha để trồng loại cây dó bầu, “ôm” giấc mộng thu lời tiền tỷ.

Tại vườn dó bầu của ông Quý, có nhiều gốc dó bầu đã hơn 20 năm tuổi.

Tại vườn dó bầu của ông Quý, có nhiều gốc dó bầu đã hơn 20 năm tuổi.

Gia đình ông Nguyễn Văn Quý (SN 1960, trú tại thôn Giang Sơn) là một trong những hộ dân trồng cây dó bầu sớm nhất tại xã Trường Thủy. Với diện tích trồng khoảng 1 ha, vườn dó bầu của ông Quý đến nay cũng đã hơn 20 năm tuổi. Theo ông Quý, mỗi cây sau thời gian chăm sóc nếu tạo được trầm hương sẽ bán ra với giá 5-8 triệu đồng, tính theo gốc cây thì lợi nhuận thu về cũng phải tiền tỷ.

“Cách đây mấy chục năm thì cũng có nhiều công ty giống đến quảng cáo trồng cây dó bầu trên 10 năm nếu kích thích sinh học, axit thì cây sẽ tạo trầm hương nên lúc đó tôi cũng mua khoảng hơn 300 cây giống để trồng xen lẫn với tiêu khoảng 1 ha. Lúc đó mua khoảng 6.000 đồng/cây, cũng nghĩ sau 10 năm cây có trầm thì cũng bán ra được tầm 5-8 triệu đồng/cây sẽ có lợi nhuận.” ông Quý chia sẻ.

Trên thực tế, để tạo trầm hương trên cây dó bầu đem lại lợi nhuận tiền tỷ là điều không hề đơn giản.

Trên thực tế, để tạo trầm hương trên cây dó bầu đem lại lợi nhuận tiền tỷ là điều không hề đơn giản.

Trải qua hơn 20 năm trời ròng rã chăm sóc cây dó bầu, giấc mơ trở thành tỷ phú trầm hương của ông Quý đến nay vẫn “treo” lủng lẳng, khó thành hiện thực. Bởi, việc tạo trầm hương bằng phương pháp kích chế phẩm sinh học hay tiêm axit vào cây dó bầu theo lời quảng cáo của các công ty bán giống cho hiệu quả rất thấp, nếu kích thích không đúng cách còn làm chết cây.

“Nói chung để tự mình kích thích thuốc sinh học tạo trầm trên cây thì rất khó, thứ hai mình cũng không quen. Sợ tự kích thích khiến cây chết, không sử dụng được nên vừa rồi có chổ hỏi mua, tôi đã bán hơn 150 cây để họ tạo trầm hương với giá 1,2 triệu đồng/cây thu về khoảng 200 triệu đồng. Nhưng mà tính ra mấy chục năm chăm sóc cây thì giá quá bèo bọt, thua xa việc trồng các loại cây khác.” ông Nguyễn Văn Quý cho biết.

Tương tự hộ gia đình ông Nguyễn Văn Quý, gia đình bà Trương Thị Hồng (SN 1952, trú tại xã Trường Thủy) cho biết, trước đây gia đình bà cũng trồng khoảng 400 cây giống dó bầu. Sau gần 20 năm chăm sóc, bà cũng chỉ bán ra với giá rất bèo bọt, khoảng 10.000 đồng/kg.

“Hồi tê năm 2001, nghe họ nói trồng cây ni sau chục năm sẽ bán được 3-5 triệu nên tui cũng trồng chơ cũng không biết trầm nơi cây ra răng. Lúc nớ trồng cũng khoảng 1 mẫu (khoảng 5.000 m2), trồng gần hai chục năm mà cách đây mấy năm cũng chỉ bán được khoảng 10.000/kg, tính ra giá mỗi cây chưa đến 1 triệu, quá bèo bọt. Giờ thấy cây dó ni trồng mất thời gian mà không ra chi nên tui cũng bàn với con là đổi qua trồng qua cây tràm cho có lợi nhuận” bà Hồng cho biết.

Bà Trương Thị Hồng cũng từng trồng 400 cây dó bầu vì tin lời quảng cáo bán được giá cao nhưng sau gần 20 năm chăm sóc, bà chỉ bán được khoảng 10.000 đồng/kg.

Bà Trương Thị Hồng cũng từng trồng 400 cây dó bầu vì tin lời quảng cáo bán được giá cao nhưng sau gần 20 năm chăm sóc, bà chỉ bán được khoảng 10.000 đồng/kg.

Chia sẻ về loại cây dó bầu, bà Hồng cho biết, loại cây dó bầu dù to lớn nhưng thân gỗ xốp nên cây rất dễ bị gãy khi có mưa bão. Đặc biệt, nếu thời điểm sau khi cây sinh trưởng hàng chục năm mà không có ai thu mua, người dân kích thích tạo trầm không đúng cách khiến cây chết sẽ có nguy cơ cao mất trắng vì sau khi chết, thân cây dó bầu dường như không có giá trị sử dụng.

Theo thống kê, trên địa bàn xã Trường Thủy có khoảng 20-25 ha đất được người dân sử dụng để trồng cây dó bầu, trong đó có nhiều vườn được chăm sóc hàng chục năm nhưng đến nay vẫn chưa được khai thác. Cả xã có trên 100 hộ trồng cây dó bầu nhưng trên thực tế chưa có hộ gia đình nào trồng loại cây này tạo được trầm hương hay kỳ nam bán ra với số tiền lớn.

Cây dó bầu sau khi bị chết thường không có giá trị sử dụng vì thân xốp.

Cây dó bầu sau khi bị chết thường không có giá trị sử dụng vì thân xốp.

“Cây dó bầu được người dân trồng tự phát tại địa phương từ nhiều năm trước. Ngoài một số hộ dân dùng các phương pháp kích thích để tạo trầm quá đà làm cho cây chết thì hiện nay vẫn còn nhiều diện tích chưa khai thác, nếu biết cách tạo trầm thì cây dó bầu vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng để trở thành tỷ phú như quảng cáo thì không có. Bởi, trên thực tế ở địa phương, chưa có hộ dân nào trồng dó bầu tạo được trầm hương hay kỳ nam bán để bán ra mức tiền tỷ.” ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy cho biết.

Cũng theo ông Tình, do không đảm bảo được đầu ra nên phía chính quyền xã thời gian qua cũng đã có nhiều khuyến cáo đối với người dân không nên nhân rộng việc trồng cây dó bầu. Thay vào đó là việc trồng những giống cây có năng suất, phù hợp với điều kiện đất đai và được thị trường ưa chuộng để nâng cao đời sống cũng như thu nhập cho gia đình.

Đọc thêm