Cả làng sống nhờ… “nước trời”
Với địa hình chia cắt mạnh, rửa trôi, xói mòn, địa chất đặc thù núi đá nhiều hơn đất nên tình trạng thiếu nước trầm trọng đã diễn ra nhiều năm nay tại một số xã biên giới thuộc huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đặc biệt là hai xã Tả Gia Khâu và Dìn Chin - nơi được ví như "Trường Sa cạn". Được biết, đã có nhiều đoàn khảo sát đến đây để khoan thăm dò tìm mạch nước ngầm, nhưng đến nay công tác này vẫn chưa có kết quả, bởi đặc điểm điểm địa chất là đá xít (đá thối) nên không giữ lại được nước trong lòng đất. Do vậy, từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc nơi đây buộc phải tìm mọi cách để vượt qua thứ “trời định” - là thiếu nước này.
Thầy cô Trường Tiểu học bán trú Tả Gia Khâu phải xin bạt về lót tạm để chứa nước trong 1 cái bể cũ, đã bị rò hỏng |
Anh Vàng Seo Pao - dân tộc Mông (thôn Lùng Sán Chồ, xã Dìn Chin, huyện Mường Khương) – chia sẻ, khi mùa khô đến, do không có cái gì chứa nước nên bà con nơi đây thường sử dụng chum nhựa loại 30 lít để đi lấy nước từ khe núi chảy xuống, tuổi thọ của những chum này thường chỉ được hơn 1 năm. Nhưng mỗi chum như vậy chỉ đủ cho việc nấu nướng trong 1 ngày, còn việc tắm giặt thì phải đi xa nơi có những khe nước nhỏ để lấy nước rất khó khăn, vất vả.
Nhưng có điều đáng chú ý, người lớn thì có thể thức trắng đêm để chờ hứng nước tại các bể trung tâm hoặc đi xuyên rừng tìm các mó nước nhỏ rỉ ra từ vách đá. Nhưng trẻ con, những em bé rời làng bản, cha mẹ đi tới các điểm trường bán trú để học chữ, ngay cả nước ăn uống của các con cũng không có đủ, đặc biệt là những trường phổ thông dân tộc bán trú.
Nếu như không lên tận các điểm trường, có lẽ, chúng tôi không thể thấu hiểu hết những khó khăn, vất vả về thiếu nước sinh hoạt của thầy và trò nơi đây. Theo chia sẻ của các thầy cô giáo, để khắc phục tình trạng khan hiếm nước, giáo viên và học sinh từ cấp học mầm non đến THCS tại hai xã Tả Gia Khâu và Dìn Chin phải tìm mọi cách để có nước sinh hoạt.
Trong đó, tích trữ nước mưa là phương án khả quan nhất. Thế nhưng, khó khăn nối tiếp khó khăn, các điểm trường lại không có bình chứa nước đủ lớn để tích trữ. Tại một số điểm trường, cả nồi niêu, xong chảo, thậm chí đến cả thùng rác mua về cũng được lau sạch để tận dụng làm bình trữ nước. Do vậy, mỗi lần để lỡ 1 trận “trời tặng nước” là cả thầy và trò đều tiếc đứt ruột. Còn mỗi khi mùa khô đến, thì cả thầy và trò lại đi chở từng can nước nhỏ từ xa.
Kiểm tra lại bồn chứa nước trước khi trao tặng cho người dân |
Chia sẻ về những vất vả của thầy trò mỗi khi mùa khô đến, thầy giáo Phùng Thế Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tả Gia Khâu – nơi phải lo đủ nước sinh hoạt cho 118 em học sinh ở bán trú trong điều kiện không thể khoan giếng và cũng chẳng có nguồn để dẫn nước về, cho biết: “Thầy trò chúng tôi ở đây không chỉ canh mưa mà còn canh cả… sương mù. Một đêm canh sương mù để tích nước là có thể giải quyết khâu rửa mặt cho 118 em học sinh rồi. Còn các thầy cô, thú thật, mỗi lần đi huy động học sinh đến lớp cũng đều phải mang theo quần áo để tắm nhờ”.
Cùng chung khó khăn, cô giáo Đỗ Thị Tươi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dìn Chin thời dài cho biết: Mùa giáp hạt cũng là mùa khô của vùng cao vốn là mùa khó cái ăn của bà con, thì với cô trò Dìn Chin là mùa khát nước. Không có giếng, nguồn nước duy nhất tích trữ được là nước mưa nên để phục vụ được cho sinh hoạt của cô trò hàng ngày nên mỗi khi mưa xuống, mọi vật dụng trong trường, cái gì có thể đựng nước là đều được huy động ra để hứng nước mưa.
“Mùa khô, các thầy cô phải đi chở nước từ xa về các điểm trường để dùng cho các con. Nhưng có đợt thiếu nước quá, mỗi em học sinh đi học phải xách theo 1 chai nước lavi khoảng 1,5 lít từ nhà đến trường để cô có thể dùng nấu nướng, rửa tay, chân, phục vụ vệ sinh cho các con. Vậy mà vẫn không đủ vì nhu cầu của học sinh các lớp nhỏ là quá lớn! Thế nên, có đoàn nào lên thăm, hỏi cần hỗ trợ gì, cô trò cũng đều mong được hỗ trợ đồ để trữ nước mưa” – Cô Tươi chia sẻ.
Nhân viên kỹ thuật của Sơn Hà lắp đặt trực tiếp bồn chứa nước cho Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tả Gia Khâu |
“Cùng Sơn Hà mang nước sạch lên vùng cao”
Thấu hiểu những khó khăn vất vả của người dân và thầy trò các điểm trường nơi đây, ngày 29/9 vừa qua, Tập đoàn Sơn Hà đã chính thức khởi động chiến dịch “Cùng Sơn Hà đem nước sạch lên vùng cao” tại 2 xã Dìn Chin và Tả Gia Khâu. Thông qua chương trình, đội ngũ kĩ thuật của Tập đoàn Sơn Hà đã lắp 35 bồn chứa nước với tổng dung tích chứa 58.400m³, cùng hàng trăm mét đường ống dẫn nước, túi đựng nước cho 30 điểm trường và hộ gia đình thuộc hai xã này.
Tại chương trình trao tặng, đại diện Tập đoàn Sơn Hà chia sẻ: “Trong mục tiêu trách nhiệm cộng đồng của năm 2018, Sơn Hà quyết định tập trung các hoạt động thiện nguyện của mình cho đồng bào và học sinh tiểu học vùng miền núi phía Bắc. Một trong những sản phẩm cốt lõi của Tập đoàn Sơn Hà là giải pháp về nước sạch, vì thế Sơn Hà lựa chọn nước sạch là món quà để trao tặng cho bà con vùng cao. Với số bồn mà Sơn Hà trao tặng cho bà con 2 xã Dìn Chin, Tả Gia Khâu, cũng như tại các điểm trường đợt này hi vọng sẽ góp một phần nhỏ bé của mình để cuộc sống của người dân nơi đây bớt khó khăn hơn”.
PGĐ Kinh doanh Tập đoàn Sơn Hà hướng dẫn các cháu học sinh sử dụng vòi nước từ túi chứa nước vừa được lắp đặt |
Được nhân viên kỹ thuật của Sơn Hà trao tặng và lắp đặt trực tiếp túi đựng nước tại Trường Tiểu học Tả Gia Khâu, thầy Phùng Thế Tùng phấn khởi, không riêng gì cán bộ giáo viên và học sinh nhà trường, mà toàn bộ người dân sinh sống trên địa bàn xã Tả Gia Khâu lần này rất vui mừng và không biết nói gì hơn là cảm ơn Tập đoàn Sơn Hà đã hỗ trợ chúng tôi những bồn nước, túi chứa nước, góp phần tháo gỡ những khó khăn về nước, đặc biệt là mùa khô đang đến. Có 2 túi chứa nước này, không chỉ nhu cầu sinh hoạt của thầy và trò được đảm bảo mà vườn rau xanh mà nhà trường đang xây dựng để hỗ trợ thêm vào bữa ăn của các em học sinh cũng có khả năng được mở rộng.
Theo dự kiến, chiến dịch “Cùng Sơn Hà mang nước lên cao” Tập đoàn Sơn Hà sẽ trao tặng và thi công lắp đặt trực tiếp các bồn, bể trữ nước sạch cho các điểm trường nội trú và bán trú khó khăn nhất của 20 huyện nghèo vùng núi phía Bắc. Theo ước tính, sẽ có khoảng 10.000 trẻ em vùng cao được thụ hưởng từ chương trình này. Sau Lào Cai, tới đây chương trình này sẽ tiếp tục được triển khai ở Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hoà Bình….
Các hộ dân phấn khởi khi nhận được bồn chứa nước |