Giải pháp giải cứu Thanh long Bình Thuận về lâu dài

(PLVN) - Cây Thanh long được xác định là cây lợi thế và đặc sản của tỉnh Bình Thuận và sản xuất thanh long đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của tỉnh. Tuy nhiên, tình hình sản xuất, tiêu thụ thanh long đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Cây thanh long được xác định là cây lợi thế và đặc sản của tỉnh Bình Thuận

Vừa qua, tại thành phố Phan Thiết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức hội nghị về tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long.

Trước tình hình hiện nay, với chính sách “Zero Covid-19”, Trung Quốc tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh COVID-19, thông quan hàng hóa qua cửa khẩu chậm, làm giảm giá thành thu mua trong nước. Một số nông dân đã tạm dừng sản xuất rải vụ thanh long để tránh rủi ro.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp để giải quyết bài toán tiêu thụ thanh long hiện nay cũng như hướng tới phát triển bền vững trong thời gian tới. Để giải quyết vấn đề trước mắt, đại biểu cho rằng đơn vị liên quan cần đàm phán với phía Trung Quốc sớm thông quan cửa khẩu để đẩy mạnh tiêu thụ thanh long cho bà con nông dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - Lê Tuấn Phong cũng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đưa cây thanh long vào nhóm cây chủ lực quốc gia từ đó có chiến lược, chính sách phát triển bền vững cũng như chiến lược quảng bá trái thanh long trong và ngoài nước.

Đồng thời, xây dựng chiến lược đánh giá tiềm năng, nhu cầu tiêu thụ thanh long trên cơ sở nghiên cứu khoa học, đảm bảo nguyên tắc cung cầu để các địa phương có cơ sở quy hoạch, phát triển. Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng cập nhật thông tin, chính sách tiêu thụ ở các nước để kịp thời phổ biến đến địa phương; định hướng tăng cường công tác chế biến, giải quyết tình trạng ứ đọng hàng khi gặp khó khăn khi tiêu thụ; đầu tư kho lạnh tại các cửa khẩu để lưu trữ hàng bị ùn ứ tại cửa khẩu.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Minh Hoan, để phát triển bền vững, các địa phương phải tổ chức lại sản xuất thanh long bắt đầu từ cấp xã theo hướng hiểu rõ về sản xuất đến nắm rõ nhu cầu thị trường, hiểu rõ từng thị trường, đối tác và đối tượng cạnh tranh.

Bên cạnh đó, các địa phương phải thống kê, nắm chắc diện tích, số lượng người dân sản xuất thanh long, từ đó tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người nông dân, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, tự phát; từng bước nâng cao giá trị trái thanh long; từ đó chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.

Đọc thêm