Giải pháp giúp ngành tôm “vượt khó” tăng trưởng mạnh

(PLVN) -  Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu và dịch bệnh COVID-19 nhưng ngành nuôi trồng thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng vẫn tăng trưởng mạnh, đạt mục tiêu đề ra.

Năm 2021, Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh COVID-19 mang lại. Dịch tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành tôm của Việt Nam. Bên cạnh đó, “con tôm” cũng phải gánh chịu nhiều tầng khó khăn về: hạ tầng nông nghiệp, hạ tầng nông thôn lạc hậu; vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề thời tiết, con giống… Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, “nếu chúng ta không có bước giải quyết một cách căn cơ, kể cả trước mắt và lâu dài thì chắc chắn rất nhiều khó khăn, thách thức”. Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp, các địa phương đã giúp cho ngành tôm năm 2021 “lội ngược dòng”, đạt tăng trưởng cao mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Năm 2021 Chính phủ giao chỉ tiêu sản lượng thủy sản đạt 8,6 triệu tấn, kết quả thực hiện đạt 8,73 triệu tấn. Về XK thủy sản, Chính phủ giao 8,5 tỷ USD, kết quả đạt 8,89 tỷ USD. Trong đó, ngành tôm có đóng góp rất quan trọng (XK đạt 3,9 tỷ USD).

Ngành tôm Việt Nam vẫn còn nhiều điều kiện thuận lợi để tăng trưởng

Đó là một tín hiệu đáng mừng nhưng cũng hàm chứa không ích thách thức và khó khăn cho ngành tôm trong thời gian tới. “Vấn đề kháng sinh, hóa chất, chất lượng con giống, dịch bệnh, cộng với giá thức ăn, giá xăng dầu, chi phí logistics… Tôi đi cơ sở, với hạ tầng thế này, môi trường, đầu tư thế này thì mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD năm 2025 là bài toán khó”, ông Tiến nói.

Tại Hội nghị Phát triển ngành tôm năm 2022 do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức tại Sóc Trăng, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều đề xuất, kiến nghị để hướng tới việc nuôi tôm có hiệu quả, ngành tôm phát triển bền vững. Được biết, kế hoạch sản xuất tôm năm 2022, tổng diện tích nuôi tôm đạt 750.000 ha; trong đó, tôm sú 625.000 ha; tôm thẻ 125.000 ha. Sản lượng các loại tôm đạt 980.000 tấn. Đối với số lượng tôm bố mẹ cần khoảng 260.000 – 270.000 con.

Đặc biệt, mục tiêu năm 2022, ngành tôm phải đạt kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỷ USD (tăng 2,56% so với năm 2021). Để đạt được mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ và các địa phương cần nhận diện khó khăn, tồn tại, phân tích những thách thức. Sau đó, Bộ sẽ ghi nhận đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, quản lý nâng cao chất lượng tôm giống; giải pháp giảm giá thành sản xuất tôm nuôi, đầu tư hạ tầng vùng nuôi, giải pháp công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh để ngành tôm hướng tới phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra các giải pháp như tập trung tổ chức liên kết giữa các địa phương nuôi tôm; Xây dựng kịch bản sản xuất tôm nước lợ trong điều kiện COVID-19, đảm bảo không bị động trước biến động của dịch bệnh, thị trường. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Ưu tiên phát triển ngành tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao; Tiếp tục quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống, vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết đến nay diện tích nuôi tôm theo hình thức thâm canh và bán thâm canh của tỉnh tăng (chiếm 93,7%), trong đó nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao chỉ chiếm 9%. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh năm qua gần 1,3 tỉ USD. Theo ông Nam, Sóc Trăng có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp, người dân và nhất là các tổ chức tín dụng đầu tư để chuyển đổi từ ao đất sang ao bạt, để quản lý được môi trường cũng như là đảm bảo cái hạn chế rủi ro. Ngoài ra, Ông Nam còn cho biết, để ngành tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng ngày càng phát triển bền vững, góp phần tăng năng suất, chất lượng và gia tăng giá trị xuất khẩu, thì giải pháp tín dụng đầu tư cho nuôi tôm nước lợ được tỉnh rất quan tâm.

Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước năm 2021 đạt 747.000ha; sản lượng đạt 970.000 tấn (tăng 4,3% so với năm 20220); kim ngạch XK đạt 3,9 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2020. Kế hoạch năm 2022, diện tích nuôi tôm đạt 750.000ha; sản lượng 980.000 tấn; kim ngạch XK đạt trên 4 tỷ USD.

Theo điều tra của Liên minh Thủy sản toàn cầu (GAA), sản lượng tôm của thế giới năm 2022 dự đoán vẫn tiếp tục tăng, điều này sẽ gây ra những thách thức, tác động rất lớn đối với ngành tôm Việt Nam như: cạnh tranh gay gắt hơn, giá tôm nguyên liệu thế giới có xu hướng giảm sẽ gây áp lực lớn; sự thay đổi về quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia, những cảnh báo về ATTP…

Đọc thêm