Giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài,"Ách" vì chi phí bù đắp

 Với việc ban hành Luật Nuôi con nuôi (NCN) và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP,  lần đầu tiên đã có các quy định pháp lý để công khai, minh bạch việc thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản lệ phí, chi phí liên quan đến việc NCN nước ngoài. Tuy nhiên, cũng vì mới nên quá trình triển khai không thực sự được thuận lợi, thậm chí có nơi còn... ngại làm.
Với việc ban hành Luật Nuôi con nuôi (NCN) và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP,  lần đầu tiên đã có các quy định pháp lý để công khai, minh bạch việc thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản lệ phí, chi phí liên quan đến việc NCN nước ngoài. Tuy nhiên, cũng vì mới nên quá trình triển khai không thực sự được thuận lợi, thậm chí có nơi còn... ngại làm.

Đã phân bổ cụ thể, rõ ràng

Được ban hành ngày 21/3/2011, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NCN, Nghị định số 19/2011/NĐ-CP đã quy định rõ ràng các vấn đề về mức thu lệ phí đăng ký NCN, lệ phí cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam, chi phí giải quyết NCN nước ngoài; cơ quan thu lệ phí, chi phí; chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí, chi phí...

Đặc biệt, về chế độ sử dụng các khoản lệ phí, chi phí nêu trên, Nghị định 19 đã quy định rất rõ các nội dung hoạt động đặc thù được sử dụng lệ phí, chi phí mà không cần chờ tới thông tư. Cụ thể, Cục Con nuôi được sử dụng 50% mức lệ phí đăng ký NCN nước ngoài, 5% mức chi phí giải quyết NCN nước ngoài và toàn bộ lệ phí cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam; Sở Tư pháp được sử dụng 50% mức lệ phí đăng ký NCN nước ngoài, 5% mức chi phí giải quyết NCN nước ngoài (riêng trường hợp trẻ em bị bỏ rơi cần xác minh của Công an tỉnh thì Sở Tư pháp chuyển mức chi phí này cho Công an tỉnh); Cơ sở nuôi dưỡng trẻ em được sử dụng 85% mức chi phí giải quyết NCN nước ngoài, trong đó có tới 70% mức chi phí được sử dụng để phục vụ cho trẻ em.

Như vậy, các quy định trên đây cho thấy việc thu, phân bổ sử dụng lệ phí và chi phí giải quyết NCN nước ngoài đã được quy định rõ ràng, khắc phục về cơ bản tình trạng bất cập đã tồn tại nhiều năm qua ở nước ta. Các cơ quan liên quan được sử dụng phần phân bổ lệ phí, chi phí phải bảo đảm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả theo quy định của Nghị định số 19.

Ngại lập hồ sơ cho trẻ

Tuy nhiên, qua phản ánh của các địa phương cho thấy, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai thực hiện Luật NCN là ở khâu lập dự toán để sử dụng khoản chi phí giải quyết NCN nước ngoài theo quy định của Luật NCN và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP.

Chẳng hạn, trong việc điều chuyển cho ngân sách địa phương khoản tiền bù đắp chi phí giải quyết việc NCN nước ngoài, nhiều địa phương hiểu không thống nhất nên dẫn đến tình trạng cho đến nay vẫn chưa thông báo cho Cục Con nuôi tên chủ tài khoản tiếp nhận khoản chi phí giải quyết NCN nước ngoài. Nhiều cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đang gặp khó khăn trong việc triển khai thi hành Luật vì lý do các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh... chưa thống nhất được về cách thức chuyển cho cơ sở nuôi dưỡng phần kinh phí họ được sử dụng từ nguồn tiền bù đắp chi phí giải quyết việc NCN nước ngoài. Có cơ sở nuôi dưỡng còn cho rằng mặc dù họ được nhận khoản chi phí này, song lại bị trừ vào phần ngân sách do tỉnh cấp hàng năm.

Tình trạng trên dẫn đến hậu quả là, nhiều cơ sở nuôi dưỡng trẻ em không chủ động lập hồ sơ cho trẻ và cũng như không thông báo cho Sở Tư pháp danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế theo quy định của pháp luật, thậm chí đã có một số trẻ em bị bệnh chết do cơ sở nuôi dưỡng không đủ kinh phí để chăm sóc sức khỏe cho các cháu. Hầu hết các tỉnh đang chờ hướng dẫn của Bộ, nhất là về việc mở tài khoản tại sở, ban hoặc ngành của tỉnh để nhận khoản chi phí do Cục Con nuôi chuyển về, cách thức sử dụng khoản chi phí, chế độ thanh quyết toán.

Cục trưởng Cục Con nuôi - Bộ Tư pháp Nguyễn Văn Bình: 

Cần sớm thống nhất về cách hiểu

“Nguyên nhân của những e ngại trên là do địa phương chưa thông suốt về bản chất khoản chi phí giải quyết NCN nước ngoài. Khoản tiền được trích lại từ chi phí giải quyết NCN nước ngoài (5% tức 2,5 triệu đồng) thực chất là khoản tiền do cha mẹ nuôi nước ngoài đóng góp, để bù đắp một phần chi phí giải quyết việc NCN nước ngoài, chứ không phải là phí và lệ phí, không phải là nguồn thu của ngân sách nhà nước. Bởi vậy, yêu cầu đặt ra là cần kiểm tra các cơ quan, tổ chức ở địa phương có sử dụng đúng mục đích và hiệu quả khoản chi phí này không. Về nguyên tắc, Cục Con nuôi có trách nhiệm báo cáo công khai, minh bạch cho Ban thường trực Hội nghị La Haye - cơ quan theo dõi thi hành Công ước La Haye về bảo vệ trẻ em và hợp tác quốc tế về NCN - và các Cơ quan Trung ương về con nuôi quốc tế của các nước, cũng như công khai và minh bạch với các tổ chức con nuôi nước ngoài và cha mẹ nuôi nước ngoài về khoản thu này khi có yêu cầu

Hoàng Thư – Hồng Thúy

Đọc thêm