Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang: Hết mình vì “mạch sống” của bệnh nhân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/2/1955 - 27/2/2022), Báo Pháp luật Việt Nam đã có dịp trò chuyện cùng GS.TS.BS Tạ Văn Trầm – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và khám chữa bệnh trong thời gian qua.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang: Hết mình vì “mạch sống” của bệnh nhân

Luôn vững tin vào màu áo blouse trắng…

PV: Bác sĩ có thể nhận định khái quát về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung trong năm 2021 vừa qua?

GS.TS. BS Tạ Văn Trầm: Khi đợt dịch lần thứ 4 diễn ra, Tiền Giang từ một vùng xanh chuyển qua báo động đỏ, tỉ lệ nhiễm và tử vong ngày càng tăng cao. Với cương vị quản lý, chúng tôi phải cân nhắc làm sao để Bệnh viện (BV) an toàn, đảm bảo BV tiếp tục nhận bệnh và điều trị cho người dân. Các công tác phân công nhân viên thực hiện sàng lọc, phát hiện, phân luồng, thực hiện cách ly, tiêm vaccine phải đảm bảo đúng quy định, an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.

Trong bối cảnh đó, BV Đa khoa Trung tâm Tiền Giang đã khẩn trương rà soát phân công nhân lực phù hợp với năng lực từng cá nhân, tăng cường các bệnh viện dã chiến, xây dựng Trung tâm Hồi sức COVID-19 tỉnh Tiền Giang. Đặc biệt, trong thời gian gấp rút chỉ một tuần lễ, BV đã đưa vào hoạt động để điều trị tầng 3 của bệnh nhân COVID-19. Đồng thời, xây dựng quy trình thực hiện xét nghiệm và điều trị với mục tiêu giảm tỉ lệ tử vong người nhiễm COVID-19 đến mức thấp nhất.

Để đạt được những kết quả đó, điều quan trọng là sự đồng lòng của tập thể anh em trong BV không ngại khó khăn. Có những buổi họp lúc 1 - 2 giờ sáng, những bữa cơm không trọn vẹn thế nhưng các anh em vẫn vượt qua khó khăn, vất vả để tìm ra phương án xử lý các tình huống thực tế xảy ra. Bởi vì đây là lúc chúng tôi cần nhất sự bình tĩnh, để tạo niềm tin cho tất cả nhân viên và người dân.

Xin Bác sĩ chia sẻ thêm về những khó khăn mà BV Đa khoa trung tâm Tiền Giang gặp phải trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19?

Đến hôm nay thì công tác phòng chống dịch của đơn vị đã đi vào quỹ đạo, có quy trình cụ thể, hoàn thiện và phân luồng tốt. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Trên tuyến đầu chống dịch, nhiều cán bộ y tế đã bị mắc COVID-19 nhưng vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ngay khi khỏi bệnh.

Khi dịch ở mức cao điểm, lực lượng y tế phải gồng mình vì lượng bệnh tăng nhanh, anh em làm việc ngày đêm, không được về nhà mấy tháng liên tục. Bên cạnh đó, lượng bệnh nhân giảm, nguồn thu ít, kinh phí hoạt động BV hạn chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn; áp lực môi trường làm việc cao…

GS.TS.BS Tạ Văn Trầm – Giám đốc BV Đa khoa trung tâm Tiền Giang

GS.TS.BS Tạ Văn Trầm – Giám đốc BV Đa khoa trung tâm Tiền Giang

Trong cuộc chiến giành giật sự sống của người dân, các y - bác sĩ là những người có mặt sớm nhất, cận kề với sự hiểm nguy nhất. Khi bước vào trận chiến, mọi người đều xác định ai cũng có thể trở thành F0. Nhưng những khó khăn đó đều không cản trở được tinh thần của người những thầy thuốc BV Đa khoa Trung tâm Tiền Giang luôn coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết.

Khắc ghi lời thề Hippocrates

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, thời gian qua BV Đa khoa trung tâm Tiền Giang đã có sự thay đổi, chuyển mình như thế nào trong công tác quản lí và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khám chữa bệnh?

BV Đa khoa trung tâm Tiền Giang vẫn luôn chú trọng triển khai các kỹ thuật mới như: Triển khai thực hiện tim mạch can thiệp, chụp mạch vành đặt stent, thực hiện đo độ đàn hồi của gan (Fibrosiscan), thay khớp háng toàn phần, kết hợp xương trong gãy đầu xương bằng nẹp vít khóa.

BV còn có 5 đề tài sáng kiến khoa học mới được đưa vào áp dụng thực hiện. Trong đó có thể kể đến đề tài “Hiệu quả dự phòng nha chu của học sinh 12 tuổi tại tỉnh Tiền Giang” của bản thân tôi hay “Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị bệnh nhân ngộ độc thuốc trừ sâu phospho hữu cơ tại BV Đa khoa trung tâm Tiền Giang năm 2020” của Bác sĩ Lê Phúc Trường Thịnh…

Trong những năm tới, BV Đa khoa trung tâm Tiền Giang đã có những bước đi cụ thể nào để thực hiện Quyết định của Bộ Y tế là “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”?

BV Đa khoa trung tâm Tiền Giang luôn đặt việc thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” lên hàng đầu. Tất cả nhân viên y tế trong BV luôn thực hiện đúng quy định về quy tắc ứng xử giao tiếp trong cơ quan, có sự kiểm tra giám sát, lấy phiếu ý kiến của người dân đến khám. Cùng với đó, BV cũng chấn chỉnh kịp thời các sai sót để mang đến sự hài lòng tốt nhất cho người dân.

Các bác sĩ tại Trung tâm hồi sức COVID-19 trực thuộc BV Đa khoa trung tâm Tiền Giang nỗ lực điều trị cho bệnh nhân

Các bác sĩ tại Trung tâm hồi sức COVID-19 trực thuộc BV Đa khoa trung tâm Tiền Giang nỗ lực điều trị cho bệnh nhân

Hàng năm, BV Đa khoa trung tâm Tiền Giang đều tổ chức tập huấn cho nhân viên về quy tắc ứng xử. Quan tâm các vấn đề xử lý các tình huống trong các kỳ xét tuyển nhân viên mới, tay nghề nhân viên. BV cũng phân công Phòng Công tác quản lý chất lượng và Phòng Công tác xã hội nắm bắt dư luận, giám sát nhân viên thực hiện đúng nguyên tắc ứng xử, thay đổi phong cách, thái độ phục vụ. Thực hiện đồng phục chỉnh tề, tác phong, lề lối làm việc nghiêm túc, khoa học. Đổi mới các quy trình tiếp nhận điều trị, giảm sự phiền hà của người bệnh khi đến, tinh gọn các thủ tục hành chánh mang đến sự hài lòng cho người bệnh.

Nhân dịp ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Bác sĩ có chia sẻ gì về nghề thầy thuốc, đặc biệt là trong thời điểm dịch COVID-19 trong vừa qua? Bác sỹ muốn gửi gắm điều gì tới những đồng nghiệp đang công tác trong ngành y nói chung và tập thể cán bộ, nhân viên bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang nói riêng?

Mỗi khi gặp bệnh nhân mang trong người bệnh nặng, không thể qua khỏi, những người làm thầy thuốc như chúng tôi lòng nặng trĩu những nỗi đau, day dứt. Khi đó, chúng tôi rất cần sự thông cảm, bao dung của người bệnh và thân nhân người bệnh.

Để tạo được sự tin yêu của người bệnh, mỗi cán bộ viên chức BV Đa khoa trung tâm Tiền Giang nỗ lực phấn đấu rèn luyện vươn lên, hoàn thiện về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Điều này không chỉ giúp người dân giữ gìn, nâng cao sức khỏe, vượt qua bệnh tật mà còn để lại trong lòng người dân những tình cảm ấm áp, những kỷ niệm không quên, những suy nghĩ tốt đẹp về hình ảnh người thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang.

Từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, toàn lực lượng ngành y đã căng mình chiến đấu nơi tuyến đầu. Đây cũng là thời điểm mà những người làm thầy thuốc như chúng tôi thực hiện tốt trách nhiệm thiêng liêng “Lương y như từ mẫu” như Bác Hồ đã dạy.

Dù gặp muôn vàn khó khăn, thách thức nhưng chúng tôi vẫn gác lại mọi niềm riêng tư, đến cả cha mẹ mình đau ốm và mất đi cũng không thể về chịu tang lần cuối, nén lại nỗi đau để chiến đấu với đại dịch COVID-19. Chúng tôi xem bệnh nhân như người thân của mình, mong giành giật sự sống cho họ từng giờ, từng phút.

Các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế BV Đa khoa trung tâm Tiền Giang tham gia điều trị COVID-19

Các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế BV Đa khoa trung tâm Tiền Giang tham gia điều trị COVID-19

Nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/2/1955 - 27/2/2022, tôi xin gửi lời chúc tới toàn thể các đồng nghiệp, những người đã và đang cống hiến công sức, tâm lực cho ngành y nhiều sức khỏe, giữ vững ngọn lửa yêu nghề, đam mê với nghề.

Đối với tập thể cán bộ, nhân viên BV Đa khoa Trung tâm Tiền Giang cần phải hết mình phát huy năng lực chiến đấu của mình trên từng chiến trường, dẫu khó khăn gian nan cũng vượt qua. Luôn vận dụng tốt các ứng dụng khoa học kỹ thuật trong khám chữa bệnh, từng bước góp phần phát triển nền y học nước nhà.

Xin cảm ơn Bác sĩ! Nhân kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, xin gửi đến Bác sĩ và những cán bộ, nhân viên ngành y lời cảm ơn và những lời chúc tốt đẹp nhất. Mong các bác sĩ luôn khỏe mạnh, tận tâm và cống hiến hết mình trong sự nghiệp cứu người.

Đọc thêm