Giảm gánh nặng hút thuốc – thêm lựa chọn cho người không thể cai

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những con số mới công bố gần đây cho thấy cần đánh giá lại các biện pháp đã và đang làm trong nhiều thập kỷ qua, cũng như cập nhật lại các hướng tiếp cận khác trên toàn cầu nhằm giải quyết gánh nặng do hút thuốc lá điếu gây ra.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dự kiến trước năm 2025, thế giới vẫn có hơn 1 tỷ người tiếp tục hút thuốc lá điếu ngay cả khi các nước thực hiện đúng và đủ những hướng dẫn từ tổ chức này. Con số trên là hồi chuông báo hiệu sự cấp thiết trong việc tìm kiếm giải pháp bổ trợ cho những người chưa thể cai thuốc, thay vì làm ngơ và để họ tiếp tục gắn chặt với thuốc lá điếu đốt cháy thông thường – loại hình đã được xác định là gây hại cao nhất trong chuỗi nguy cơ của các sản phẩm nicotin (theo công bố đăng trên trang BMC từ Khoa Sức khỏe cộng đồng và Hành vi sức khỏe, Đại học New York, Hoa Kỳ).

Người hút hời hợt với các giải pháp cai thuốc lá

Theo thống kê mới nhất đến từ cơ quan y tế về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành, tỷ lệ nam giới hút thuốc chỉ giảm 3%, từ 45,3% (2015) xuống 42,3% (2020). Số bệnh nhân cai nghiện thành công trong 3 năm từ 2017 đến 2020 chỉ đạt hơn 1.000 người trong bối cảnh Việt Nam có từ 15 – 18 triệu người hút thuốc lá. Con số này tương ứng mỗi năm chỉ có hơn 350 người cai thuốc thành công.

Ngoài ra, tỷ lệ hút thuốc lá ở người trưởng thành nói chung là 21,7%, giảm chỉ 1% trong vòng 5 năm so với 2015. Đây là con số lấy từ kết quả điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá của 34 tỉnh, thực hiện trong năm 2019-2020.

Hội thảo khoa học chia sẻ về tình hình sử dụng thuốc lá năm 2019-2020 của 34 tỉnh.

Hội thảo khoa học chia sẻ về tình hình sử dụng thuốc lá năm 2019-2020 của 34 tỉnh.

Dù cơ quan y tế đã cung cấp các giải pháp không tốn phí như đường dây tư vấn cai thuốc hay hỗ trợ các sản phẩm cai thuốc thì số liệu thực tế vẫn cho thấy số người cai thuốc thành công vẫn rất thấp. Không chỉ vậy, thực tế còn ghi nhận người hút thuốc không hợp tác hoặc thậm chí vẫn tiếp tục hút thuốc dù đã bị chẩn đoán là mắc bệnh ung thư.

Hiện các cơ quan ban ngành cũng dự kiến sẽ đưa ra các biện pháp “nghiêm khắc” hơn, chẳng hạn như bằng cách tăng thuế theo khuyến nghị của WHO. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết trong Hội thảo quốc tế về chính sách thuế thuốc lá tại Việt Nam năm 2020, theo dự tính cũng chỉ giảm 1,5% tỷ lệ hút thuốc ở nam giới.

Những con số trên cho thấy cần đánh giá lại các biện pháp đã và đang làm trong nhiều thập kỷ qua, cũng như cập nhật lại các hướng tiếp cận khác trên toàn cầu nhằm giải quyết gánh nặng do hút thuốc lá điếu gây ra.

Xu hướng toàn cầu: Chính phủ thúc đẩy các giải pháp thay thế

Theo báo cáo gần đây, chưa tới 1/3 quốc gia thành viên của WHO dự kiến sẽ giảm được 30% tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành theo mục tiêu 2030. Chưa kể, thuốc lá hiện nay là ngành nghề hợp pháp tại Việt Nam và toàn cầu (trừ Bhutan). Do đó, việc đặt mục tiêu “zero thuốc lá” là bất khả thi. Đồng thời, quan điểm “đẩy” người hút phải lựa chọn giữa “cai thuốc hoặc là chết” cũng chưa cho thấy tính hiệu quả về mặt thực tiễn. Điều này được chứng minh qua số liệu thực tế cho thấy, dù biết hút thuốc sẽ dẫn tới khả năng mắc bệnh và thậm chí tử vong, nhưng tỷ lệ cai thuốc chưa bao giờ đạt được mục tiêu đề ra.

Để giải quyết vấn đề trên, các chuyên gia y tế toàn cầu khẳng định, Chính phủ các quốc gia tốt hơn hết nên tính đến những biện pháp khác, tập trung vào mục tiêu giảm tác hại của thuốc lá lên cho đối tượng đang hút thuốc và từ đó cũng giảm nguy cơ gây hại lên cộng đồng nói chung.

Theo đó, nếu không thể tăng tỷ lệ cai thuốc thành công thì Chính phủ các nước nên chọn giải pháp tăng tỷ lệ chuyển đổi sang sử dụng các sản phẩm thay thế thuốc lá điếu như thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử, thuốc lá ngậm… (gọi chung là thuốc lá thế hệ mới), với hàm lượng các chất gây hại thấp hơn đáng kể.

Dĩ nhiên, việc chuyển đổi này không thể so sánh được với cai thuốc hoàn toàn nhưng ít nhất khoa học đã chứng minh rằng các sản phẩm thay thế đã loại bỏ được phần lớn các chất gây hại. Theo đó, các sản phẩm này chỉ cung cấp nicotin nhưng loại bỏ được quá trình đốt cháy, từ đó loại bỏ phần lớn các chất gây hại có trong khói thuốc lá.

Đến nay, theo báo cáo tháng 7/2021 của WHO, trong số 195 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên của tổ chức này đã có 184 nước cho phép kinh doanh và quản lý thuốc lá làm nóng.

Sắp tới đây, Thái Lan sẽ là nước Đông Nam Á tiếp theo chuẩn bị hợp pháp hóa thuốc lá thế hệ mới thay vì tiếp tục gặp thất bại với việc tăng thuế thuốc lá điếu.

Ông Chaiwut Thanakamanusorn, Bộ trưởng Kinh tế Kỹ thuật số và Xã hội Thái Lan.

Ông Chaiwut Thanakamanusorn, Bộ trưởng Kinh tế Kỹ thuật số và Xã hội Thái Lan.

Ông Chaiwut Thanakamanusorn, Bộ trưởng Kinh tế Kỹ thuật số và Xã hội Thái Lan ủng hộ việc sử dụng công nghệ mới - “lựa chọn an toàn hơn” cho những người không thể cai thuốc lá. Theo ông, việc cho phép bán thuốc lá thế hệ mới một cách hợp pháp sẽ tạo ra nhiều thuế hơn cho Chính phủ Thái Lan và đặt ra các tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp này.

Còn tại thị trường Việt Nam, các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng và các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới khác cũng đang được đề xuất kiểm soát. Việc đưa những sản phẩm này vào trực thuộc quản lý của Chính phủ sẽ giải quyết được nhiều vấn đề như buôn lậu, thất thoát thuế.

Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng: “Thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nói riêng vừa là loại hàng hóa trong sản xuất và kinh doanh, vừa là loại sản phẩm có tác động, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, việc quản lý đối với loại sản phẩm này phải bảo đảm cả hai yêu cầu quản lý đối với hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh và quản lý theo yêu cầu, điều kiện chặt chẽ để giảm thiểu và ngăn chặn ảnh hưởng, tác hại tới sức khỏe người tiêu dùng”.

Như vậy, có thể thấy, cho phép quản lý các sản phẩm thay thế thuốc lá điếu, dự kiến sẽ là “mảnh ghép” hoàn thiện để các quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá điếu tốt hơn sau hơn một thập kỷ nỗ lực giảm tỷ lệ người hút mà không đạt kết quả như mong đợi.

Đọc thêm