Giảm hộ nghèo nhờ các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất ở Nghệ An

(PLVN) - Những năm qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đi vào cuộc sống, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhờ thực hiện tốt các chương trình, mô hình hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất. 
Mô hình chăn nuôi bò, dê tại xã Châu Lộc, huyện Quỳ Châu giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.
Mô hình chăn nuôi bò, dê tại xã Châu Lộc, huyện Quỳ Châu giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.

Theo báo cáo mới nhất về công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 12,1% (đầu năm 2016) xuống còn 4,11% (cuối năm 2019). Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh còn khoảng 3% hộ nghèo, đạt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra giai đoạn 2016-2020.

Trong đó, riêng với 4 huyện nghèo (Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và Quỳ Châu) đã giảm từ 54,26% hộ nghèo (đầu năm 2016) xuống còn 30,38% (cuối năm 2019), trung bình mỗi năm giảm 5,97% (vượt mục tiêu giảm 3 - 4%/năm).

Thực tế cho thấy, nhờ vào công tác giảm nghèo mà điều kiện, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện rõ rệt, việc làm tương đối ổn định, cơ sở hạ tầng được tăng cường, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Tính đến nay, Nghệ An có 246/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đứng đầu toàn quốc số xã đạt nông thôn mới. Toàn tỉnh có hơn 9.5 ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng một số khâu công nghệ cao. Thu nhập khu vực nông thôn từ 19,6 triệu đồng/người/năm (đầu năm 2016), ước thực hiện đến cuối năm 2020 đạt 32 triệu đồng/ người/năm. 

Những năm qua, được sự đặc biệt quan tâm của các Bộ, ngành Trung ương, sự nỗ lực tập trung của UBND tỉnh Nghệ An, sự ủng hộ của cộng đồng trong và ngoài tỉnh, đã tạo được sự đồng thuận cùng với sự hưởng ứng tích cực của người dân đã thu về các kết quả tích cực như trên. Đạt được những thành tựu ấy nhờ thực hiện tốt các biện pháp giảm nghèo trên địa bàn, nhất là các chương trình hỗ trợ hộ nghèo sản xuất. 

Toàn tỉnh đã huy động được số tiền gần 18.000 tỷ đồng thực hiện Chương trình giảm nghèo. Cụ thể, phong trào thi đua “Nghệ An chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020 thông qua cuộc vận động ủng hộ “Quỹ vì người nghèo’’, chương trình “Tết vì người nghèo” đã vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mạnh thường quân ủng hộ được hơn 645 tỷ đồng giúp đỡ cho các xã nghèo, người nghèo kinh phí phát triển nông nghiệp; hỗ trợ các giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng nhà cửa; sửa chữa nhà “Đại đoàn kết”; thuốc chữa bệnh; cứu đói và chi phí học tập cho con em.

Ông Lê Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu (1 trong 4 huyện nghèo của tỉnh) chia sẻ, huyện luôn đặt công tác xoá đói giảm nghèo là nhiệm vụ hàng đầu, việc hỗ trợ các hộ nghèo phát triển sản xuất là giải pháp quan trọng nhất trong mục tiêu giảm nghèo bền vững. Chương trình giảm nghèo xây dựng được nhiều mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là mô hình Trồng cây Chanh leo tại các xã Tri Lễ, Nậm Giải; trồng rau sạch tại xã Quế Sơn; cây dược liệu tại xã Nậm Nhoóng của huyện Quế Phong.

Tại huyện Kỳ Sơn điển hình với mô hình chăn nuôi bò, lợn đen, gà ác; trồng gừng, khoai sọ,.... Mô hình chăn nuôi lợn đen, lợn rừng, trồng cà chua quả to, trồng rau sạch tại huyện Tương Dương. Mô hình cam không hạt tại huyện Quỳ Hợp. Chăn nuôi vịt bầu tại huyện Quỳ Châu. Tại huyện Nam Đàn phát triển mô hình trồng rau an toàn; các mô hình chăn nuôi trang trại lợn tại các huyện Đô Lương, Nam Đàn, Nghi Lộc…

Nhiều hộ gia đình nghèo tại các địa phương đã tự nguyện viết đơn xin rút khỏi diện hộ nghèo. Đáng kể đến là những gia đình tại huyện nghèo Con Cuông. Điều này đã minh chứng cho những nỗ lực phấn đấu của chính quyền cũng như người dân trong công tác giảm nghèo, đúng phương châm “trao cần câu hơn xâu cá”.

Đọc thêm