Giám sát đa chiều các nhánh quyền lực

Một trong những vấn đề quan trọng được cử tri cả nước quan tâm trong việc sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này đó là các nội dung liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm các quyền đó. TS. Đinh Xuân Thảo - Đại biểu Quốc hội Hà Nội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội trao đổi những vấn đề liên quan.

Một trong những vấn đề quan trọng được cử tri cả nước quan tâm trong việc sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này là các nội dung liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm các quyền đó. TS. Đinh Xuân Thảo - Đại biểu Quốc hội Hà Nội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội trao đổi những vấn đề liên quan.

Thực hiện đúng, cấm lạm quyền

Hiến pháp là văn bản thể hiện sự trao quyền lực của nhân dân, nhưng nhân dân không trao hết, chỉ trao ở mức độ nhà nước thay mặt nhân dân quản lý, điều hành xã hội. Tuy nhiên, giao quyền gì, đến đâu và phải có cơ chế để cơ quan nhà nước trao quyền đó phải thực hiện đúng, không được lạm quyền.

Ngoài giao quyền cho nhà nước, phần còn lại thì người dân được sử dụng trực tiếp quyền lực chính trị của mình. Tinh thần là thế nhưng trước đây ta chưa coi trọng nguyên tắc đó. Bây giờ xây dựng nhà nước pháp quyền, bản chất của nhà nước pháp quyền là tính tối thượng của Hiến pháp và pháp luật.

 

Bởi vậy, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã thể hiện rõ quyền lực nhà nước tập trung thống nhất, thống nhất ở tất cả nhân dân. Trước đây ta hiểu trao hết cho Quốc hội nhưng hiểu thế không đúng lắm vì không chỉ có Quốc hội mới là cơ quan quyền lực mà Chính phủ, Tòa án, VKS... các cơ quan trong bộ máy nhà nước đều là cơ quan quyền lực vì họ được người dân giao quyền. Quốc hội là cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước chứ không phải là cơ quan quyền lực duy nhất.

Khi Quốc hội thành lập bộ máy nhà nước thì Quốc hội cũng trao lại quyền của người dân đã trao cho mình cho các cơ quan nhà nước theo đúng phạm vi thẩm quyền. Kể từ giờ phút đó, các nhánh quyền lực đó phải thực hiện chức trách của mình được dân giao phó. Các cơ quan phải giám sát lẫn nhau và không chỉ giám sát một chiều, đó là nguyên tắc mà Nghị quyết ĐH Đảng XI đã đề ra và được thể hiện trong điều 2 Dự thảo Hiến pháp.

Trưng cầu ý dân phải làm từng bước

- Thưa ông, dù Hiến pháp 1992 đã ghi nhận những quyền cơ bản của công dân nhưng việc triển khai các quy định của Hiến pháp vẫn còn nhiều khó khăn. Vì sao vậy?

- Hiến pháp là đạo luật gốc nên chỉ ghi nhận những vấn đề mang tính nguyên tắc, còn cụ thể phải do luật điều chỉnh. Nhiều quy định của Hiến pháp chúng ta thực hiện khó khăn là do chưa có Luật. Ví dụ, Hiến pháp ghi nhận quyền tự do hội họp, biểu tình, lập hội... nhưng phải thể hiện bằng luật thì việc thi hành mới thuận lợi.

Tôi cho rằng một vấn đề quan trọng là ta phải có Luật Trưng cầu ý dân (TCYD); trong đó, xác định rõ nội dung nào, công việc nào phải trưng cầu, ví dụ những vấn đề quan trọng của quốc gia, những vấn đề đặc biệt quan trọng của địa phương. Đối với những vấn đề quan trọng của quốc gia thì trưng cầu ý dân cả nước, vấn đề của địa phương thì trưng cầu ý dân địa phương đó, liên quan 2 địa phương thì phải trưng cầu cả 2.

Các nước trên thế giới cũng quy định như vậy, ví dụ ở Nga năm 1991 ban hành Hiến pháp mới, thì năm 1993 đã có Luật TCYD. Tất nhiên là phải xác định rõ việc nào phải TCYD chứ không phải là tất cả. Ta cũng phải làm dần từng bước.

- Như ông vừa nói thì những vấn đề quan trọng của quốc gia phải đưa ra lấy ý kiến nhân dân, tuy nhiên, việc xác định vấn đề nào là quan trọng  thì rất khó?

- Thế nên mới phải có Luật, Luật TCYD phải quy định cụ thể, rõ ràng các tiêu chí như về quốc phòng, an ninh, về kinh tế, xã hội, môi trường… Ví dụ một dự án mở đường rất cấp bách phải di dời nhà người dân, cơ quan có thẩm quyền phải có nhiều phương án để lựa chọn, đi qua nhà dân thì phải hỏi người dân, người dân không đồng ý thì anh phải xem xét nghiên cứu để chọn phương án khác dù có thể phải tốn kém hơn. 

Vừa qua có nhiều vấn đề quan trọng của quốc gia mà ta chỉ lấy ý kiến HĐND vì cho rằng HĐND là đại diện cho người dân rồi. Đúng là có việc đại sự phải lấy ý kiến HĐND nhưng chưa đủ, cần phải lấy ý kiến người dân nữa và vẫn phải quy định trong Hiến pháp và trong luật.

- Hiện nay, có một thực tế là nhiều dự án luật lớn liên quan đến người dân nhưng việc lấy ý kiến xem ra vẫn còn hình thức, người dân không biết?. Vậy tới đây phải quy định như thế nào để việc lấy ý kiến nhân dân hiệu quả hơn?.

- Việc xây dựng các dự án Luật phải theo quy định của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật và cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các dự án luật trước khi xem xét, thông qua phải được đăng tải công khai trên website, báo chí ít nhất trong 60 ngày.

Thực tế chúng ta đã làm nhưng qua khảo sát thấy rằng số lượng người quan tâm chưa nhiều, nhiều người chưa biết dù đăng tải trong 60 ngày. Quan trọng là cách làm hiện nay mang vẫn tính hình thức; việc tiếp thu ý kiến cũng chưa trở thành nội dung bắt buộc trong hoàn thiện văn bản; chưa có giải trình tập hợp ý kiến nhân dân, cái gì tiếp thu cái gì không tiếp thu, vì sao không tiếp thu chưa làm.

Bây giờ Hiến pháp sửa đổi ban hành, biện pháp thế nào cần quy định lại trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Giống như một dự thảo luật do một Bộ đứng ra chủ trì thì phải lấy ý kiến các bộ ngành liên quan khác, phải quy định sao cho ý kiến người dân là nguồn thông tin khách quan bởi họ là đối tượng thực thi luật, hưởng lợi từ chính sách pháp luật nên ý kiến của họ rất quan trọng, phải được trân trọng và có cơ chế tiếp thu sao cho đầy đủ nhất.

- Vậy còn các quyền biểu tình, quyền được thông tin, lập hội của người dân đã được Hiến pháp ghi nhận thì sao?

- Quyền tự do biểu tình cũng là một trong những quyền con người, muốn quản lý tốt thì cũng như TCYD, nhà nước phải ban hành Luật. Nếu không ban hành người ta cứ thực hiện theo ý chí của người ta nhà nước cũng không có căn cứ xử lý. Tương tự, quyền tiếp cận thông tin cũng vậy. Ví dụ các bạn là phóng viên các bạn có quyền lấy thông tin, và các cơ quan tổ chức có trách nhiệm phải cung cấp, nhưng cung cấp đến đâu, như thế nào, từ chối hay không phải bằng luật; ngược lại, anh lấy thông tin sai, hay làm lộ bí mật cũng phải căn cứ vào luật để xử lý.

Tóm lại, với tinh thần sửa đổi Hiến pháp lần này (chương Quyền con người, Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) quy định mang tính nguyên tắc những quyền cơ bản của công dân, công dân chỉ có thể bị hạn chế quyền của mình khi vấn đề đó có liên quan đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, lợi ích chung của cộng đồng, hạn chế có thể xảy ra nhưng luật phải quy định. Như vậy, nghĩa là sau khi Hiến pháp thông qua nhiều luật sẽ sớm phải ban hành.

Có thiết chế Hội đồng bầu cử quốc gia độc lập

- Bầu cử là thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của người dân và là quyền rất quan trọng. Quyền đó sẽ được thực hiện như thế nào, có gì mới không trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này?

- Lần này dự kiến đưa ra thiết chế Hội đồng bầu cử quốc gia độc lập, để việc tổ chức bầu cử khách quan. Trước đây do Ủy ban Thường vụ Quốc hội  đứng ra lo việc này, lập HĐ ở TW và địa phương nhưng bất cập là ở chỗ trong đó có những người là ứng cử viên, là Đại biểu, bản thân anh chưa được thẩm tra công nhận lại đi thẩm tra tư cách người khác là không hợp lý. Việc lập Hội đồng lần này với thành viên không phải là ứng cử viên xem xét cho đến khi báo cáo Quốc hội phê chuẩn, như vậy sẽ thuận lợi và khách quan hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Thu Hằng (thực hiện)

Đọc thêm