Mỗi tháng tư âm lịch hàng năm về, Đại lễ Phật Đản (Đại lễ Vesak) kỷ niệm Đức Phật đản sinh được rất nhiều người chờ đợi. Đại lễ Phật Đản năm nay diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (năm 1981 - 2021), thế nhưng để chung tay phòng chống đại dịch COVID-19, nhiều hoạt động đã được lược bớt để đảm bảo an toàn.
Một vài người dân đến chùa lễ ngày Phật Đản sinh trong trật tự khi vào chùa Từ Đàm (phường Trường An, thành phố Huế). |
Tới đường Điện Biên Phủ, TP Huế theo con dốc u nhã đường Thích Tịnh Khiết về tổ đình chùa Tường Vân, từ chiều 24/5, thấy các tăng, ni đang sửa soạn cắm hoa tượng Phật. Từ cổng tam quan vào đến chánh điện đã rực rỡ cờ, biểu ngữ được nhà chùa cẩn thận treo báo hiệu mùa Phật đản đang về cận kề. Khung cảnh bình yên của ngôi chùa cổ tự được xây dựng từ hạ bán thế kỷ thứ XIX còn giữ một phần kiến trúc trong hệ thống thiền môn xứ Huế vốn là chốn đi về tìm bình an của nhiều người dân xứ Huế những ngày này lại thêm trang nghiêm.
Trò chuyện với sư thầy Bảo Huệ, tổ đình Tường Vân cho biết: Năm nay nhà chùa làm giản dị về phần trang hoàng, không truyền thông, không kết nối với Phật tử ba miền Bắc, Trung, Nam. Bình thường, chùa sẽ có dựng rạp, có tổ chức biểu diễn văn nghệ, có diễn văn … đón quý Phật tử gần xa đến đảnh lễ. Tuy nhiên năm nay, chùa chỉ gói gọn trong nội bộ, việc trang trí cũng thu nhỏ trong chánh điện chứ không tổ chức ở đại sảnh như các năm khác nhưng các nghi thức từ hàng ngàn năm nay vẫn được giữ gìn, phát huy.
Phật tử lễ chùa theo nền nếp giữa không gian chùa vắng lặng tại chùa Diệu Đế |
Tổ đình chùa Từ Đàm trang trí giản tiện |
Đặc biệt trước chánh điện, có bảng làm bằng fomex hướng dẫn Phật tử đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn là những điều đặc biệt trong việc chuẩn bị đại lễ năm nay.
Còn tại tổ đình chùa Từ Đàm, nơi 300 năm ngôi chùa bề thế bậc nhất kinh đô Phật giáo này soi bóng hướng mặt về sông An Cựu thuộc phường Trường An, việc trang trí cũng chỉ dừng lại ở kết đèn, hoa, tượng Phật. Những năm trước đây, lễ Phật Đản là dịp Từ Đàm luôn nằm trong địa chỉ đỏ cho hàng ngàn tăng, ni, Phật tử ở mọi miền trở về.
“Nốt trầm buồn” của thị trường đồ trang trí cho Lễ Phật Đản
Vì việc chuẩn bị Phật Đản của các chùa và người dân tuân thủ quy tắc 5k phòng dịch cho nên việc buôn bán đồ trang trí cũng là “nốt trầm buồn”. Chị Huỳnh Thị Nga, một người bán đèn hoa ở ngã ba đường Sư Liễu Quán và Phan Bội Châu thở dài: “Tôi và gia đình đã chuẩn bị kết đèn hoa từ hồi tháng 2 đến nay, nhưng gần đến đại lễ thì dịch COVID quay trở lại khiến nhiều cơ sở tôi thường bỏ hàng không lấy vì sợ bán không được.
Tôi bán ở đây 10 năm nay nhưng năm nay thực sự không bằng một góc những năm trước nữa, doanh thu chỉ đạt 1/5 so với trước đây. Hiện những người có điều kiện họ đã mua đồ trang trí từ trước, giờ chỉ bán rải rác thôi”. Chị Nga ngồi đợi khách trong khi còn rất nhiều đèn hoa chưa bán được.
Anh Hoàng Ngọc Thạch, chủ một tiệm bán đồ cúng Phật Đản ở đường Sư Liễu Quán nói rằng: “Nếu bình thường có thể bán 300 chiếc đèn, hoa mỗi ngày thì nay chỉ bán nhiều nhất được vài chục chiếc. Nhất là các chùa năm nay không làm xe hoa nên tượng Phật bán ra ít ỏi. Khách từ các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh cũng sẽ không tới vì hạn chế đi lại nên chúng tôi thất thu. Hàng mua về ứ đọng nhiều”.
Mặc dù trong ký ức của nhiều người, việc cầm đèn hoa rước Phật Đản từ các ngả đường hay đợi xem xe Hoa là niềm vui, là nét đẹp của xứ Huế không chỉ trong tâm thức các Phật tử mà còn của người người dân. Tuy nhiên vì một mùa Phật Đản an lành tất cả đều đã được gác lại. Phòng dịch vẫn là nhiệm vụ chung để bất kể ai, tôn giáo nào cũng đặt lên trên hết, đặc biệt trong mùa Đại Lễ đầy ý nghĩa Từ Bi, Trí Tuệ thì Phật giáo cùng sẻ chia, chung tay.