Lần đầu xuất bản năm 1942 tại Nhà in Lê Cường, “Giáo dục nhi đồng” trình bày những quan điểm sâu sắc của tác giả về tầm quan trọng của giáo dục gia đình đối với sự trưởng thành của trẻ nhỏ, xa hơn là đối với sự cường thịnh của một dân tộc.
Cuốn sách trước hết là kết tinh từ những kinh nghiệm nuôi dạy con của tác giả, một bà mẹ có những đứa con thành đạt, với sự đề cao gia phong nền nếp và tình cảm gắn bó giữa các thành viên trong gia đình Việt. Bên cạnh đó, tác giả còn tổng hợp và chọn lọc những phương pháp giáo dục hiện đại của phương Tây sao cho phù hợp với điều kiện và thói quen của người Việt. Bạn đọc sẽ tìm thấy ở đây những phương pháp giáo dục mà hiện nay vẫn được áp dụng, nói đến, thậm chí là xu hướng đương đại: Phương pháp Montessori, phương pháp Froebel…
Cuốn sách gồm bốn phần: Phần 1 - Tập dưỡng và Giáo dục; Phần 2 - Đức dục; Phần 3 - Trí dục; Phần 4 - Thể dục. Trong mỗi phần, tác giả đều diễn giải chi tiết và cụ thể những nội dung cơ bản, quan trọng trong giáo dục nhi đồng, đề cao môi trường gia đình, thói quen, việc tập dưỡng hàng ngày và trách nhiệm của người cha, người mẹ.
Giữa hàng loạt phương pháp dạy con của mẹ Mỹ, mẹ Nhật, mẹ Do Thái đang thịnh hành… thì cuốn sách “Giáo dục nhi đồng” của Đạm Phương Nữ Sử đem đến một niềm tin chân chính và mãnh liệt cho những cha mẹ Việt - người thầy đầu tiên của con trẻ, những người đang làm công tác giáo dục rằng: Đây là phương pháp của người Việt, phù hợp với người Việt và dành cho người Việt.