Giao thông kết nối - “bệ phóng” cho Thái Nguyên bứt phá

(PLVN) - Với phương châm “giao thông đi trước một bước” và là huyết mạch của nền kinh tế, tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm theo hướng đồng bộ, kết nối liên vùng nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Từ đó, tạo đà bứt phá đưa Thái Nguyên trở thành điểm sáng thu hút các nhà đầu tư.
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thái Nguyên rà soát, kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện một số dự án giao thông được giao làm chủ đầu tư

Thái Nguyên hiện có hàng chục dự án xây dựng, (cải tạo nâng cấp) và sửa chữa hạ tầng giao thông đang được triển khai. Trong đó, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh được giao làm chủ đầu tư 6 dự án.

Những dự án lớn được đơn vị này thực hiện với tổng nguồn vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, gồm: Dự án đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội (đoạn từ cầu Xuân Phương, huyện Phú Bình đến nút giao Yên Bình) với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến ĐT 261 (đoạn từ Km1+00 đến Km20+00) có tổng mức đầu tư gần 220 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp ĐT 266 (đoạn từ ngã tư Sông Công đi đường tròn Điềm Thụy) với trên 200 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp ĐT 273 từ xã Hóa Thượng đi xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) trên 120 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp đường Cù Vân - An Khánh - Phúc Hà 170 tỷ đồng; 03 gói thầu thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Km31 (Quốc lộ 3) đến Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa (Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh) 75 tỷ đồng.

Những tuyến đường này nhằm tăng cường kết nối, phát triển liên tỉnh, liên vùng, khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên và của mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh để phục vụ mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Trụ Sở Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thái Nguyên

Để hoàn thành các dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường giao thông được giao làm chủ đầu tư. Hiện nay, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đang tích cực phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; Đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm hoàn thành các công trình theo đúng kế hoạch đề ra, khai thác sử dụng vào ngày đầu năm 2022 và năm 2023.

Theo ông Ngô Mạnh Cường, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên cho biết: Trong số những công trình trên, có 3 dự án được triển khai từ những năm trước và 3 dự án triển khai trong năm 2021. Theo kế hoạch đã điều chỉnh, 4/6 dự án sẽ được hoàn thành, thông xe vào cuối năm 2021 (trừ Dự án nâng cấp, cải tạo ĐT 266 có thời gian thi công đến tháng 4-2022 và 03 gói thầu thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Km31 (Quốc lộ 3) đến Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa).

“Để bảo đảm tiến độ thi công và hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch, đơn vị chủ đầu tư đã và đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương cùng các nhà thầu tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, nhất là về giải phóng mặt bằng. Đồng thời, bên cạnh đó các đơn vị thi công luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, trực tiếp là đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh. Do vậy công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và các đơn vị thi công được chặt chẽ, hiệu quả, những khó khăn đã khẩn trương được tháo gỡ, tiến độ thi công các hạng mục công trình được đẩy nhanh”- ông Cường nói.

Trước đây, khi các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài thường có phần dè dặt, e ngại do hạ tầng giao thông của tỉnh kết nối với Thủ đô Hà Nội và các địa phương lân cận còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, những năm gần đây, Thái Nguyên đã và đang có sự chuyển mình mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, xóa tan định kiến về một địa phương vùng trung du miền núi, giao thông cách trở.

Bên cạnh việc ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các tuyến giao thông “đối nội”, hàng loạt những dự án giao thông "đối ngoại" kết nối Thái Nguyên với Vùng Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận đã được đầu tư xây dựng.

Công trình mà BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thái Nguyên đang

thi công

Theo ông Lê Văn Vịnh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Thái Nguyên: Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Thái Nguyên sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng mạng lưới hạ tầng giao thông đồng bộ nhằm hình thành trục giao thông huyết mạch, mang tính liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Các dự án do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư đều là những công trình có ý nghĩa quan trọng, với nguồn vốn đầu tư lớn. Vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình theo đúng kế hoạch sẽ khai thác hiệu quả nguồn vốn đầu tư, bảo đảm an toàn giao thông, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương phát triển, đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương có nền kinh tế phát triển năng động nhất cả nước.

Hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại đã góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong vòng 5 năm trở lại đây, Thái Nguyên luôn nằm trong tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư và trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện nay, toàn tỉnh có 170 dự án FDI, 687 dự án đầu tư trong nước, với tổng số vốn đầu tư trên 8 tỷ USD và trên 122 nghìn tỷ đồng.

Đọc thêm