Gieo lòng trắc ẩn trên những vùng đất khó

(PLVN) - Chúng ta vẫn tự hỏi lòng trắc ẩn là gì? Thì hành trình thiện nguyện của bạn trẻ đến những vùng đất khó khăn, nghèo khó chính là câu chuyện đẹp về yêu thương. Đó là những câu trả lời đầy đủ nhất cho những ai còn đang băn khoăn về lòng trắc ẩn trong cuộc sống hiện đại. Khi chúng ta đang dần quên đi những trắc ẩn của riêng mình.
Nhìn thấy những thùng sách và đồ dùng học tập chúng đã òa lên vì sung sướng
Nhìn thấy những thùng sách và đồ dùng học tập chúng đã òa lên vì sung sướng

Những chuyến đi vì “lòng trắc ẩn”

Hôm nay, bản Chiềng Sinh (Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) vui hơn mọi ngày. Những đứa trẻ dân tộc Thái đứng đầy một góc sân nhà văn hóa. Đứa nào cũng nhấp nhổm chờ đợi vì hôm nay chúng đón đoàn thiện nguyện từ Hải Phòng. Đông đảo bà con người dân trong bản cũng tập trung về nhà văn hóa thôn để đón những người bạn dưới xuôi đặc biệt. 

Nhóm thiện nguyện Thiện Giao (Hải Phòng) cũng vừa đặt chân xuống bản sau một hành trình dài hơn 500km. Chiếc xe dừng ngay trước cổng nhà sàn, lũ trẻ trong bản hồ hởi chạy đến chào cả đoàn từ thiện đầy vẻ háo hức và hạnh phúc. 

Anh Bùi Văn Việt (Hải Phòng) là thành viên của nhóm thiện nguyện đã đi biết bao hành trình từ thiện khắp các tỉnh thành cũng không khỏi xúc động trước tình cảm của bà con nơi đây. 

“Chuyến đi Điện Biên cũng là hành trình dài hơi của nhóm vì đường đi khá vất vả. Việt và các thành viên trong đoàn vẫn nhớ như in từng con đèo, đường núi gập ghềnh hiểm trở, ngồi trên xe vừa sợ vừa lo. Nhưng, tất cả đều vững tâm để vượt qua những khó khăn ban đầu để có thể mang những phần hỗ trợ nhỏ từ dưới xuôi lên cho đồng bào dân tộc nơi đây”.

Việt và cả đoàn nhớ lại những khoảnh khắc “sinh tử” vừa trải qua mà vẫn thấy “nổi gai ốc” vì đoàn phải đi hơn 500km, một quãng đường dài mất hơn 10h đồng hồ mới có thể đến với bản. Chưa kể đường lên Điện Biên đa số đường đèo, đồi núi với địa hình phức tạp, dốc cao thẳng đứng. Cứ một đoạn xe lại phải đổ đèo một lần nên rất nguy hiểm. Anh cũng nhớ lại những giây phút căng ra chờ đợi bác tài xế đổ đèo thành công mà tim đập chân run. 

Đến nơi, nhìn thấy bản làng thấp thoáng sau những ngọn đồi xanh mướt cả đoàn mới yên lòng vì đã “hạ cánh an toàn”. Thấy đoàn đến, các em nhỏ và người dân chạy ùa ra chào đón rất nồng nhiệt. Ai cũng tươi cười như gặp anh em ruột thịt. Đa số các gia đình tại Chiềng Sinh đều khó khăn, họ chủ yếu sống nhờ nghề nương rẫy, tự cung tự cấp. Nhiều gia đình phải ăn khoai, ăn sắn vì thiếu gạo.

Khi nhận những bộ quần áo, những túi gạo thùng mì của nhóm thiện nguyện, có người đã bật khóc vì xúc động. Những đứa trẻ cũng hạnh phúc vì chúng được nhận quần áo mới mà chỉ là những ao ước trong lòng chưa bao giờ có được.

Hơn 200 xuất quà đã đến tận tay người dân tộc Thái tại Điện Biên như một sự chia sẻ từ chính lòng trắc ẩn của những người khao khát được cho đi những yêu thương

Cho đi để hạnh phúc

Không khó bắt gặp những đoàn từ thiện đến khắp mọi miền còn khó khăn để chia sẻ những tấm áo, cân gạo cho đồng bào. Phải chăng, chính lòng trắc ẩn đã thôi thúc chúng ta cho đi, để sẻ chia, để hạnh phúc.

Anh Nguyễn Văn Cường (Nghệ An) là thành viên của dự án xây dựng thư viện học tập trong một chuyến đi lên Lào Cai chia sẻ: “Thương các em nơi đây lắm, có đứa phải đi học hơn chục km số. Trường thì khó khăn nên cũng không có điều kiện mua nhiều sách và truyện cho các em. Nhìn những đứa trẻ mắt long lanh vì có tủ sách nhỏ mới mà mình cũng vui lây. Lần nào cũng muốn ôm hết chúng vào lòng vì thương”.

Nhớ lại trong chuyến thiện nguyện huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, một trong những địa điểm dài hơi nhất của dự án tham gia. Anh Cường và nhóm tình nguyện viên không quên được hành trình vượt những con đường lầy lội để đến trường. Nằm cách xa trung tâm xã Bát Xát, phải đi qua nhiều con đường vách núi sau trận mưa là nỗi gian truân nhất của đoàn. Có những lúc cả đoàn phải xuống xe vừa lội bùn vừa đẩy giúp bác tài vượt qua con dốc. Đến gần điểm trường, do dốc cao và lội nên tất cả thành viên lại dỡ hết đồ, chia nhau vác từ chân dốc lên trường. Lặn ngụp trong bùn, mồ hôi chảy dài và hơn 2 tiếng đồng hồ mới hết những bao sách và đồ dùng học tập đến nơi tập kết. Di chuyển xong ai cũng thấm mệt, mặt cắt không còn giọt máu nhưng vẫn hạnh phúc vì được trải nghiệm một phần khó khăn vất vả của thầy cô và các em học sinh. 

Những cô bé, cậu bé mặt còn lấm lem bùn đất sau một quãng đường dài đến trường. Có em do đi xa mà da cháy xém, đen nhẻm đi, quần áo vẫn còn dính đầy bụi và bùn. Nhưng khi nhìn thấy những thùng sách và đồ dùng học tập chúng đã òa lên vì sung sướng. Cả ngôi trường nhỏ lại rộn rã tiếng cười vì nay chúng đã có sách để học, có bảng để viết. Vậy là, không chỉ Lào Cai, nhóm đã xây dựng được gần 10 thư viện trên khắp cả nước. Họ đã cùng nhau gieo lên mầm thiện để chia sẻ những khó khăn cho nhiều hoàn cảnh kém may mắn.

Họ đã cùng nhau gieo lên những mầm thiện để chia sẻ khó khăn cho những hoàn cảnh kém may mắn
Họ đã cùng nhau gieo lên những mầm thiện để chia sẻ khó khăn cho những hoàn cảnh kém may mắn

Để gió cuốn đi

Bạn Trần Xuân Giáp (Đại học Thương Mại) là thành viên của nhiều nhóm thiện nguyện vùng cao. Bất cứ khi nào có dịp rảnh, Giáp lại đăng ký tham gia các hoạt động tình nguyện. Với Giáp hay nhiều bạn sinh viên khác, tuổi trẻ là những trải nghiệm và các hoạt động tình nguyện là những gì tuổi trẻ họ làm cùng nhau. 

Giáp chia sẻ chuyến đi đáng nhớ của mình, khi cậu tham gia chương trình “Sưởi ấm vùng cao” tại Thanh Sơn – Phú Thọ đã để lại những ám ảnh. Tại đây, đoàn đã gặp những người dân tộc Mường, họ sống gắn bó với núi rừng. Nhưng, có rất nhiều gia đình bỏ bản, đi xuất khẩu lao động và để lại những đứa trẻ ở nhà một mình. Giáp nhớ nhất cô bé Linh, dù mới học lớp 6 nhưng Linh đã phải một mình chăm sóc 2 em nhỏ là Hùng và Huy, còn bố mẹ em đã đi Đài Loan được 3 năm. Cô bé bật khóc khi chia sẻ về nỗi nhớ, về những khó khăn của một người chị khi ở nhà một mình. Hay nhiều gia đình khác tại đây, họ đi làm ăn xa để lại những đứa trẻ tự chăm sóc lẫn nhau. Những ngôi nhà vắng bóng người, còn bọn trẻ thì ngày đêm trông ngóng bố mẹ trở về.

“Đó là chuyến đi mình không bao giờ quên được. Sau mỗi lần đi thiện nguyện là một lần mình học cách chia sẻ và yêu thương người khác”.

“Để gió cuốn đi” là những thông điệp mà các bạn tình nguyện mang đến vùng khó khăn trên khắp cả nước. Cuốn đi những yêu thương, những sẻ chia, những hạnh phúc. Dấu chân của lòng trắc ẩn đã đi đến mọi miền Tổ quốc để chia sẻ yêu thương. Tình đồng bào  ruột thịt sẽ khiến đất nở hoa, những người nghèo sẽ có áo mặc, có gạo ăn, trẻ em sẽ có sách có vở. Tất cả đều xuất phát từ chính trái tim trắc ẩn của mỗi người. 

Trên các cung đường vùng núi, không khó bắt gặp những chuyến xe với khẩu hiệu: “Sưởi ấm vùng biên”, “Đông ấm”, “Áo ấm tặng người”… Có những chuyến xe theo đoàn, có những người đi một mình. Khi được hỏi họ tên, từ đâu đến? Họ chỉ cười và bảo rằng: “Từ đâu không quan trọng, cốt là chúng mình đang đi làm việc thiện”. Thế là, họ lại giúp nhau khuân đồ, chia sẻ những câu chuyện thiện nguyện trên suốt hành trình trải dài từ Bắc vào Nam. Ở đó, chỉ thấy tiếng cười và trái tim 

Những hoạt động thiện nguyện ngày càng được nhân rộng đến nhiều dự án xã hội, các nhóm hoạt động từ thiện ở khắp mọi miền Tổ quốc. Phải chăng đó là tín hiệu đáng mừng khi xã hội đang ngày càng được lan tỏa những điều tốt đẹp. Khi chúng ta có một vài người vẫn đang hoài nghi về từ thiện, thì lại có những người đang âm thầm “gieo lòng trắc ẩn” đến những mảnh đất khó.

Đọc thêm