Cầu Long Biên là nhân chứng lịch sử
Nhiều bạn sinh viên đưa ra ý kiến của mình về cầu Long Biên là nhân chứng lịch sử, để Việt Nam tự hào mình có một lịch sử hào hùng và đáng trân trọng. Vì thế mà cầu Long Biên cần được bảo tồn nguyên trạng.
Cách đây hơn 100 năm, chính nước Pháp đã xây dựng nên cây cầu Long Biên trong quá trình đô hộ. Vì thế trong thời bình, cầu Long Biên càng mang lại những giá trị lịch sử to lớn. Ngoài những cuốn sách ghi lại lịch sử Việt Nam, thì cả dân tộc Việt Nam có thể tự hào lấy cầu Long Biên ra để làm bằng chứng sống cho những giá trị ghi trong các cuốn sách sử đó.
Vũ Thanh Thủy, đang là sinh viên năm cuối của trường ĐH Văn hóa Hà Nội cho rằng: "Nên giữ cầu Long Biên để lớp trẻ và con cháu sau này biết rằng: Việt Nam từng là thuộc địa của Pháp, từng chịu áp bức và bóc lột của một nước lớn. Nhưng người Việt Nam đã kiến cường, anh dũng đánh đuổi kẻ thù".
Cùng quan điểm đó, Nguyễn Ngọc Linh, sinh viên ĐH Hòa Bình cho biết, bản thân Linh không phải là người Hà Nội, nhưng với Linh cầu Long Biên, Nhà hát lớn, Văn Miếu,... đó là những nơi đẹp đẽ, linh thiêng, cần phải tôn trọng. "Mình thích lên cầu Long Biên để giảm bớt căng thẳng, ngắm nhìn cây cầu cổ kính. Cây cầu đã đứng vững sau hai cuộc chiến tranh lớn, nơi đã ghi dấu ấn của những con người xưa...".
|
Anh Ngô Minh Ngọc vẫn đi bộ trên cầu Long Biên, lưu giữ những kỷ niệm với cây cầu lịch sử. |
Anh Ngô Minh Ngọc, thuộc thế hệ 9x, đang làm nhân viên bán hàng ở Hà Nội ý kiến: "Phương án 1 phục chế cầu và đặt chỗ khác, vì cầu đang là một cây cầu lịch sử, người trẻ đến chụp ảnh bên vẻ cổ kính, ý nghĩa của nó. Giờ bê đi chỗ khác làm mất hết giá trị của nó. Phương án 2 là làm một cây cầu mới giống hết chồng lên đó, thì làm cây cầu mới đi, cần gì phải trưng một cây cầu giả, rồi ai còn muốn lên đó chụp ảnh, ngắm cầu nữa. Phương án 3, cấy ghép cầu mới vào cầu cũ, càng lũng củng, thế kiểu giống "râu ông nọ cắm cằm bà kia" lại làm mất giá trị lịch sử của cầu".
Cần đối xử với cây cầu đúng với giá trị của nó
Nhiều bạn trẻ cũng cho rằng, môt đất nước phát triển không chỉ đánh giá dựa trên kinh tế phát triển, mà nó còn cả về mặt lịch sử và văn hóa của dân tộc đó nữa. Họ cũng sợ rằng, nếu như cầu Long Biên bị gỡ bỏ, bị biến dạng thì một số di tích lịch sử khác như cầu Thê Húc, Nhà hát lớn, Văn Miếu,... cũng có thể sẽ bị biến dạng.
Trên Facebook cá nhân, nickname Thái Bình Dương chia sẻ: "Nước Việt Nam mình được thế giới biết đến nhiều chính từ hai chiến thắng đánh đuổi thực dân, đế quốc. Vì vậy cần tôn trọng lịch sử, ứng xử đúng với giá trị của cầu Long Biên. Thử hỏi bạn bè trên Thế giới khi đến với Việt Nam để tham quan và khám phá, có ai bỏ qua cầu Long Biên?".
|
Những bức ảnh Thái Bình Dương chụp tại cầu Long Biên sau khi tốt nghiệp ĐH để lưu giữ kỷ niệm. |
Với cá nhân của bạn Hà Thảo Anh, sinh viên ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, cũng nhấn mạnh việc cầu Long Biên mang lại lợi ích kinh tế lớn là một mặt, nhưng mặt to lớn, ý nghĩa hơn là giá trị lịch sử của cây cầu. "Cầu Long Biên đã đi vào tiềm thức người dân hàng trăm năm nay rồi, vì thế nếu biến đổi hay xóa bỏ đi thì sẽ làm mất đi một hình ảnh đẹp về Hà Nội, về lịch sử trong lòng người dân. Vì vậy tôi cũng thẳng thắn bày tỏ nguyện vọng giữ lại nguyên trạng cầu Long Biên mà không thực hiện phương án nào cả" - Thảo Anh nói.
Nhiều người trẻ mong muốn cầu được bảo nguyên dạng, để đời con cháu sau này được nhìn thấy tận mất cây cầu có hàng trăm năm. Hầu hết người trẻ cũng đề xuất xây thêm một cây cầu mới cách xa cầu Long Biên.