Giới trẻ tĩnh tâm lắng nghe cuộc sống

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước đây, việc tìm đến chốn thanh tịnh nơi cửa Phật chủ yếu là người cao tuổi thì nay xu hướng lên chùa lại được giới trẻ chọn lựa. Họ cùng nhau lên chùa để thiền, đọc sách, học vẽ thư pháp và cưới hằng thuận. Đó là cách giới trẻ sống chậm rãi lắng nghe những điều tốt đẹp xung quanh cuộc sống.
Giới trẻ theo Phật an vui.
Giới trẻ theo Phật an vui.

Tĩnh tâm đọc sách Phật pháp, học chữ Thánh hiền

Ngồi thiền và đọc sách Phật pháp là một trong số những kiểu tu hành của đạo Phật. Qua thực tế cho thấy, ngồi thiền không chỉ có tác dụng chữa bệnh mà nó còn giúp con người cân bằng được cuộc sống và nhận thức được những việc đúng sai. Thế nên, việc lên chùa ngồi thiền hay thiền tại gia được giới trẻ hiện đang rất quan tâm, đặc biệt là “cánh mày râu”.

Anh Nguyễn Quang (25 tuổi), cựu sinh viên của Trường Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) tâm sự: “Trước kia, tôi là một người ăn chơi đua đòi: rượu chè, cờ bạc, đua xe... Thế nhưng, khi bị tai nạn suýt chết, tôi thấy mình đã sống không chẳng ra gì, gây hại cho bản thân, gia đình, xã hội. Tôi cần thay đổi chính mình. Được bạn bè khuyên nhủ, tôi tới chùa để thiền, đọc sách để tìm sự tĩnh lặng, tu sửa bản thân”.

Tại thư viện chùa Quán Sứ (Hà Nội), hàng ngày có không ít bạn trẻ vào để đọc sách. Sách ở thư viện nhà chùa có rất nhiều, từ những quyển sách răn dạy phật tử làm việc thiện, những điều răn của Phật đến những cuốn kinh Phật. Nhiều bạn chia sẻ, mỗi tuần dành nửa ngày để đọc những cuốn sách liên quan đến Phật pháp và mỗi lần như thế, họ lại thấy tâm hồn mình thanh thản hơn, sống thiện hơn.

Không những đến chùa đọc sách, nhiều bạn trẻ còn mua sách về Phật pháp về nhà đọc. Mỗi ngày đọc một trang, hiểu một trang, thì sẽ thấy cuộc đời đơn giản hơn là mình nghĩ: Cứ làm nhiều việc thiện, bạn sẽ thấy yêu đời hơn, sẽ tránh được các xích mích không đáng có, bởi ngay từ khi sinh ra trên đời này, bạn đã là một món quà của tạo hóa rồi.

Rất nhiều bạn trẻ đang trên bước đường vào đời, khi tới chùa tu tập phải tạm thời "chia tay" những "chiếc alô", máy nghe nhạc, máy ảnh, laptop và rất nhiều thói quen "hiện đại" khác. Hành trang mang theo chỉ là chai nước, bánh ngọt và sách. Họ cùng nhau tập thiền, đọc sách và phân tích những gì được - mất, mình đã trải qua những năm tháng tuổi trẻ.

Sư thầy Thích Thanh Tuấn, chùa Quán Sứ (Hà Nội) cho biết: “Ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm đến thư viện chùa đọc sách về Phật pháp. Có thể thấy, đây là những người trẻ nhưng có cách nghĩ và lối sống rất chín chắn, nhà Phật luôn chào đón những tấm lòng rộng mở đến với cửa "thiền" để cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn".

Cách đây 10 năm, tại chùa Nhân Mỹ (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội), vào Thứ Bảy hàng tuần, rất nhiều bạn trẻ mê thư pháp thích đạo Thánh hiền lại tìm để học chữ, học đạo. Tại “giảng đường” của lớp học đạo Khổng Tử, các bạn trẻ học thư pháp, học những giá trị đạo đức truyền thống mà trong xã hội hiện đại, rất nhiều người đã lãng quên. Điều đặc biệt của lớp học, đó không chỉ là những người có niềm đam mê nghệ thuật thư pháp mà còn là lớp học “hướng thiện”, giúp họ tìm đến những khoảng lặng bình yên cho tâm hồn. Lớp học không phân biệt già trẻ, gái trai, sang hèn, một lớp học có đầy đủ lứa tuổi, đặc biệt hơn nữa lớp học này là lớp học hoàn toàn miễn phí.

Thầy Lê Trung Kiên - người đã nhiều năm gắn bó với chùa Nhân Mỹ tâm sự: “Các bạn học viên tham gia lớp học sẽ được nghe thuyết giảng về đạo Khổng Tử, về cái “Đức” chữ “Nhân”, về trí quân tử, phải dùng đức, dùng nhân, dốc lòng vì người, dù khó khăn đến đâu cũng không được bỏ cuộc…”.

Ngoài chùa Nhân Mỹ, chùa Long Hưng (Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội) đã mở ra lớp thư pháp Hán - Việt, dạy miễn phí cho các học viên mong muốn theo học, người giảng dạy trực tiếp chính là những nhà sư.

“Nhân nhất năng tri kỷ năng tri” thiên hạ cố gắng 1 mình phải dốc lòng 10, thiên hạ cố gắng 10 mình phải dốc lòng 100… là bài học đạo đức hay cho những người quân tử, sống trên đời cần phải có “một tấm lòng” để thương mình, thương người.

Một học viên của lớp chia sẻ: “Thư pháp là một bộ môn nghệ thuật khó, không phải ai cũng học được, trước tiên là sự đam mê, sau đó là kiên trì, nhẫn nại học ý nghĩa của từng chữ và luyện viết từng nét, người học thư pháp phải thật tĩnh tâm…”.

Lễ Hằng Thuận - nghe giảng đạo phu thê

Lễ Hằng Thuận - cưới ở chùa là nét đẹp văn hóa mang ý nghĩa nhân văn và tâm linh đang được nhiều bạn trẻ “ái mộ”. Trong không khí trang nghiêm, đôi “tân lang, tân nương’ cùng nhau trải nghiệm đặc biệt: quỳ gối, chắp tay tĩnh tâm nghe nhà sư giảng dạy đạo làm vợ, làm chồng, làm con dâu, con rể… Cưới ở chùa (Lễ Hằng Thuận), đôi trẻ luôn coi Đức Tin là “kim chỉ nam” cho mọi hành động để giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Lễ Hằng Thuận tại chùa Bằng.

Lễ Hằng Thuận tại chùa Bằng.

Không phải ngẫu nhiên mà lễ cưới tại chùa gọi là Lễ Hằng Thuận. Theo Thượng toạ Thích Bảo Nghiêm - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, Trụ trì chùa Bằng (Hà Nội) thì "hằng" là thường xuyên, luôn luôn, còn "thuận" là hòa thuận, đồng thuận, hướng về những điều cao thượng, tốt đẹp trong đời sống. Ý nghĩa sâu xa của Lễ Hằng Thuận, khi đôi tân lang, tân nương đã thề nguyền sống với nhau có sự chứng kiến của yếu tố tâm linh tức là đã ràng buộc với nhau bằng tôn giáo, ý thức được tầm quan trọng của hôn nhân, từ đó hướng đến cuộc sống gia đình hạnh phúc, êm ấm.

Theo Thượng tọa, đạo Phật luôn có mặt trong từng sự kiện của đời sống chúng sinh dù sinh hay tử. Chùa không phải chỉ là nơi dành riêng cho các bậc tu hành, mà còn là nơi cho những người có đạo tâm. Làm Lễ Hằng Thuận nơi cửa thiền là một giao ước tâm linh bền chặt. Việc chúc phúc cho một giai đoạn mới của đôi trẻ cũng mang ý nghĩa nhân bản, đúng tinh thần từ bi của đạo Phật. Sự trang nghiêm của chùa, sự kính cẩn của các chư tăng, phật lão sẽ tạo động lực giúp đôi bạn trẻ hạ quyết tâm dù khó khăn đến đâu vẫn giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Lê Thanh Quân, sinh năm 1987 (Đống Đa, Hà Nội) không sao quên được ngày mình tổ chức Lễ Hằng Thuận ở chùa Bằng (Hà Nội). Quân tổ chức lễ cưới ở chùa như một cơ duyên. Ấy là lần Quân và Quỳnh Chi - vợ sắp cưới đi lễ ở chùa Bằng vô tình gặp buổi Lễ Hằng Thuận. Hôn lễ được tổ chức tại điện Tam Bảo, không có âm nhạc, không có tiếng cười đùa, chỉ có tiếng gõ mõ đều đều vang lên trong khói hương trầm mặc và sắc y vàng rực rỡ của lễ phẩm nhà Phật. Cô dâu, chú rể cùng gia đình, thân hữu mặc lễ phục tiến vào đứng cạnh nhau theo lối chính giữa điện Tam Bảo. Họ chia nhau chỗ ngồi theo đúng quy cách “ấn định” nhà trai ngồi bên trái, nhà gái ngồi bên phải cùng tụng kinh niệm Phật. “Chủ hôn” là Thượng tọa Thích Bảo nghiêm - sư trụ trì của chùa. Nghi thức hôn lễ tổ chức tại chùa được tiến hành như một buổi lễ cầu an với những tên gọi như: Nghi thức cầu an lễ thành hôn; Nghi thức lễ thành hôn; Nghi thức hộ niệm hôn lễ (dâng hương, lạy Phật, khai thị, giao bái, trao nhẫn và nói lời ước nguyện).

Sau khi dâng lễ tại Tam Bảo, cùng chắp tay tôn kính lễ Phật, đôi bạn trẻ được Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm giảng về 6 cặp phạm trù trong cuộc sống hàng ngày khi đã nên vợ, nên chồng. Đó là các cặp phạm trù: Con cái với cha mẹ, cha mẹ với con cái; học trò với thầy, thầy với học trò; chồng với vợ, vợ với chồng; người chủ với người giúp việc, người giúp việc với chủ; quan hệ anh em; tín đồ với tu sĩ và tu sĩ với tín đồ. Vị “chủ hôn” khuyên đôi bạn trẻ sống đúng với chánh pháp và đạo lý ở đời.

Mới đầu ý tưởng tổ chức Lễ Hằng Thuận và xơi tiệc chay của Quân và Chi vấp phải sự phản đối của gia đình vì “tội phá hợp đồng khách sạn” rồi mời hai họ ăn tiệc chay sợ “không phải phép”. Nhưng rồi sự phân tích của đôi trẻ “đám cưới mà không sát sinh sẽ tích được phước lành và cuộc sống gia đình thêm hạnh phúc” khiến cha mẹ hai bên “bùi tai” và “đồng lòng”.

Nhắc tới việc tiệc chay thay tiệc mặn, mới đầu, gia đình đôi trẻ rất lo lắng vì họ hàng, bạn bè đâu phải đều theo đạo Phật và hiếm khi ăn chay. Nhưng cũng may tất cả các vị khách mời của hai bên gia đình đều không khỏi ngạc nhiên, thích thú khi thưởng thức các món ăn chay lạ miệng, thanh đạm được bày trí đầy nghệ thuật.

“Việc tổ chức Lễ Hằng Thuận với cỗ chay vừa thanh tịnh vừa giữ được nét văn hóa dân tộc, không làm tổn hại sinh linh, tránh cảnh rượu chè say xỉn và giúp tiết kiệm chi phí trong hoàn cảnh kinh tế ngày càng khó khăn” - Quân chiêm nghiệm.

Những năm gần đây, nhiều chùa tổ chức các khóa tu mùa hè dành cho học sinh, sinh viên như: “Con về bên Phật”, “Theo Phật an vui”, “Hãy trao nụ cười”… hay việc tổ chức Lễ hằng thuận cho các cặp vợ chồng đều thấm đẫm tinh thần đạo pháp phụng sự dân tộc, hướng thế hệ trẻ tới những điều tốt đẹp của đạo lý làm người.

Đọc thêm