Giữ nếp nhà Việt ở xứ sở sương mù

(PLVN) - Gần 20 năm ở nước Anh, nhưng chị Lương Bích Hạnh (quê gốc Hoài Đức, Hà Nội) vẫn quyết tâm giữ trọn nếp nhà Việt bằng những món ăn dân dã, bằng những phong tục truyền thống và vun đắp cho các con tình yêu với Việt Nam ngay từ khi còn nhỏ.
Hạnh trong những ngày đón Tết Nguyên đán ở Anh.
Hạnh trong những ngày đón Tết Nguyên đán ở Anh.

Những cái Tết xa quê 

Chúng tôi cùng học Khoa Báo chí (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) từ hơn 20 năm trước. Ra trường năm 2001, Hạnh tìm được một suất du học ở Anh. Mất liên lạc nhiều năm, giờ chúng tôi gặp nhau trên… facebook là chủ yếu. Facebook của Hạnh ngập tràn các món ăn quê nhà, các món ăn dân dã, thể hiện rõ nhất đặc trưng ẩm thực Việt như nem truyền thống, bánh cốm, bánh gio, bánh gai, bún riêu cua, phở gà… do tự tay Hạnh làm.

Thậm chí ngô nếp, sắn, khoai... cũng thi thoảng xuất hiện trong bữa ăn sáng của gia đình Hạnh khiến nhiều người tò mò. Ngày Tết những cành mai, đào, quất lại càng không thể thiếu trong không gian ngôi nhà ở đường Sallowood View, quận Santry. Sống giữa nước Anh mà Hạnh “giữ truyền thống còn hơn cả những người phụ nữ Việt ở tại quê hương” - một người bạn chung của chúng tôi nhận xét. 

Hạnh từng tâm sự: “Nhiều người hỏi, ở nước ngoài tôi thiếu gì? Tôi thiếu thứ mà không gì có thể mua được. Tôi thiếu thứ mà chỉ có ai ở xa nhà mới cảm nhận được. Để có thể tìm được cảm giác như còn ở quê hương, tôi chỉ biết vào bếp làm những món ăn Việt Nam, rồi cùng gia đình nhỏ thưởng thức để tìm lại những vị trong ký ức. Lúc ấy tôi có cảm giác như mình được đưa về một góc trời quê, gặm nhấm từng ký ức quen thuộc để vơi đi nỗi nhớ nhà”. 

20 năm rồi, mỗi lần Tết đến, cảm giác thèm được quay trở lại góc nhà ám khói bếp lại trỗi dậy trong những người con xa xứ, như Hạnh…

Cái Tết đầu tiên xa nhà - khi mới là một cô gái vừa bước qua tuổi 20 với đầy hăm hở khám phá - lại là cái Tết lấy đi của Hạnh nhiều nước mắt nhất. Đặt chân đến nước Anh vào ngày 25 Tết, mọi người xung quanh vẫn đi làm bình thường. Chỉ có Hạnh và 2 người bạn cùng đi từ Việt Nam chia sẻ nỗi nhớ quay quắt những bận rộn của những ngày cận Tết. Gọi điện về cho bố mẹ thì không có đủ tiền. Hạnh và 2 người bạn ôm nhau khóc. 

Đúng ngày mùng 1 Tết, học xong, 3 cô gái rủ nhau lên chỗ anh họ của một người bạn để ăn Tết, tâm trạng háo hức vì nghĩ đến chuyện sắp được ăn món Việt. Nhưng không ngờ, trong tủ chẳng có mấy đồ Việt. Cố gắng làm món nem truyền thống thì thiếu đủ thứ nhưng vì cảm giác thèm vị quê nhà nên vẫn cố làm. Hạnh kể: “Làm xong mang ra khoe, kiểu rất tự hào nhưng chẳng ai ăn nổi. Nhớ mãi. Nhớ cảm giác thèm bữa cơm Việt, nhớ nhà, nhớ các món ăn truyền thống, nhớ không khí ấm cúng của những ngày Tết”. 

Nhiều năm trước đây, đồ ăn Việt ở Anh vẫn còn hiếm. Vài tháng mới có tiệm tạp hóa của người Trung Quốc nhập vài thùng miến hay bánh đa cua hoặc mắm tôm sang. Những lúc ấy người nọ gọi người kia đi mua, chia cho nhau từng chút một. Thỉnh thoảng mới được ăn bữa rau muống (rau muống hạt)  “Cảm giác sung sướng hơn được ăn đặc sản” - Hạnh nhớ lại. 

Năm 2003, Hạnh sinh bé gái đầu tiên, tự nhiên thèm ăn bánh cuốn mà chẳng biết tìm ở đâu. Cô bèn tự xay bột gạo, cắt một miếng vải trên chiếc áo mang đi từ Việt Nam (nhưng không dùng đến) để cuốn quanh miệng nồi và bắt đầu tráng bánh. Hì hục làm được khoảng 10 chiếc, Hạnh ngồi ngấu nghiến ăn cho đã cơn thèm... “Những lúc ấy tủi thân vô cùng vì chưa bao giờ nghĩ lại có ngày thèm các món ăn dân dã đến như thế” - Hạnh tâm sự.  

Nhưng khoảng thời gian thèm vị quê nhà chỉ kéo dài thêm một thời gian ngắn. 10 năm trở lại đây, những nguyên liệu làm đồ ăn Việt bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ở Anh. Hạnh bảo, cô rất may mắn vì ngày xưa hay được nhìn mẹ làm những món bánh cổ truyền trong những ngày lễ, Tết nên cũng thuộc luôn cách làm. Chỉ cần tìm được nguyên liệu là những chiếc bánh cốm xanh mướt, thơm lừng, những chiếc bánh gai đúng chất, những chiếc bánh gio và mật mía chuẩn vị đã có thể xuất hiện trên bàn ăn.

Năm 2008, Hạnh chuyển về sinh sống ở đường Sallowood View, xung quanh toàn người châu Âu và một gia đình Philippines. Ngày đầu tiên của Tết Việt năm ấy, Hạnh làm món nem rán và mang chia mỗi nhà một đĩa. Ai cũng khen ngon và hỏi cách làm. Thế là Hạnh dạy cho mấy gia đình hàng xóm cùng làm món nem. Họ nói họ thích ăn đồ Việt Nam chính là nhờ “Mrs Hạnh” và họ biết đến Việt Nam cũng từ Hạnh, bởi ban đầu hàng xóm nghĩ Hạnh là người Philippines. 

Hiện nay cộng đồng người Việt ở Anh khá đông, thường cùng nhau tổ chức đón Tết như ở nhà. Nhà nào cũng có bánh chưng, bánh tét và giò, măng... “Ở đây bây giờ không thiếu thứ gì, chỉ thiếu tình cảm người thân gia đình và bạn bè thôi. Mọi năm đều có các chương trình ca nhạc, múa lân của nhà chùa để đón Tết và sư thầy làm lễ phát lộc đầu năm. Nhưng năm nay chắc không có gì vì dịch bệnh vẫn đang căng thẳng” -  Hạnh chia sẻ. 

“Nếp nhà” cho con

Suốt những năm các con còn nhỏ, Hạnh chủ yếu ở nhà và nội trợ, vì gửi trẻ ở Anh rất đắt mà thời gian chỉ khoảng 3-4 tiếng/ngày. Nếu gửi cả ngày thì lương đi làm chỉ đủ trả tiền trông trẻ. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là Hạnh muốn các con luôn nói tiếng Việt và biết ăn đồ Việt nên cô phải tự vào bếp và chăm con “để chúng luôn nhớ đến cội nguồn, quê cha đất mẹ của mình” - Hạnh nói. 

Hạnh tự hào cho biết, so với các bạn cùng trang lứa, được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài thì cả 3 đứa con của Hạnh “thuần Việt” nhất. Bọn chúng rất thích món ăn Việt, nhất là mấy món như bánh cuốn, bánh giò, bún, phở... Từ khi các con còn nhỏ, khi nào Hạnh nấu ăn là các con cũng ở bên cạnh để quan sát, giống như Hạnh ngày xưa. Bây giờ, Jennifer Ta - con gái lớn 17 tuổi của Hạnh đã biết nấu bún riêu, phở bò, phở gà, thịt kho, tôm rang... Một bữa cơm Việt, Jennifer Ta làm được hết, rất thành thục. 

Ở nhà, cả 2 vợ chồng Hạnh đều nói tiếng Việt và cũng “dứt khoát” chỉ trả lời nếu các con hỏi bằng tiếng Việt. Jennifer Ta cũng rất thích về Việt Nam dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em. Kế hoạch đã được lên rất kỹ càng từ hồi đầu năm 2020. Nếu không có dịch Covid-19 xuất hiện, hè vừa qua, Jennifer đã về Việt Nam.

Hạnh chia sẻ đang mong có thời gian xây dựng một kế hoạch dạy cho trẻ con Việt ở Anh nói tiếng Việt và làm đồ ăn Việt, như cách Hạnh đã dạy con mình, để bất cứ đứa trẻ có nguồn gốc Việt nào cũng cảm nhận được truyền thống văn hóa, bản sắc của Việt Nam, để vun đắp tình yêu quê hương nguồn cội trong mỗi một người con xa xứ…

Đọc thêm