Gói thầu có trị giá bao nhiêu thì được chỉ định thầu rút gọn?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kết quả điều tra bước đầu của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an về vụ việc Công ty CP công nghệ Việt Á "thổi giá" bộ xét nghiệm COVID-19 khi bán cho CDC và các cơ sở y tế khác tại các tỉnh, thành phố, qua đó thu về gần 4.000 tỉ đồng cho thấy các bên liên quan đã lợi dụng sản phẩm Kit test COVID thuộc danh mục được áp dụng hình thức Chỉ định thầu rút gọn để trục lợi.
sản phẩm Kit test Covid thuộc danh mục được áp dụng hình thức Chỉ định thầu rút gọn
sản phẩm Kit test Covid thuộc danh mục được áp dụng hình thức Chỉ định thầu rút gọn

Trước đó, trong vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương, kết quả điều tra bước đầu, cho thấy Phan Quốc Việt¸- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và các đối tượng là lãnh đạo chủ chốt công ty này khai nhận:

Quá trình kinh doanh và tiêu thụ Kit xét nghiệm COVID do Công ty Việt Á sản xuất, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test COVID của các địa phương trên cả nước, sản phẩm Kit test COVID thuộc danh mục được áp dụng hình thức Chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng. Sau đó, thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ Chỉ định thầu.

Vậy, Luật Đấu thầu và các quy định hiện hành quy định như thế nào về quy trình chỉ định thầu rút gọn? Có thực hiện việc đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo và gói thầu có trị giá bao nhiêu thì được chỉ định thầu rút gọn?

Theo điểm a, khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu, chỉ định thầu đối với nhà thầu được áp dụng khi gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách.

Điểm e, khoản 1, Điều 22 Luật này còn quy định thêm: Gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, gói thầu có giá gói thầu trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Điều 54 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, quy định rõ hơn về hạn mức chỉ định thầu như sau: Gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu bao gồm: Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công; không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.

Về quy trình lựa chọn nhà thầu đối với chỉ định thầu, tại điểm b, khoản 2, Điều 38 Luật Đấu thầu quy định như sau: Đối với chỉ định thầu theo quy trình rút gọn bao gồm các bước: chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu; thương thảo, hoàn thiện hợp đồng; trình, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; ký kết hợp đồng.

Tại khoản 2 Điều 56 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định về quy trình chỉ định rút gọn, quy định cụ thể hơn về quy trình này như sau: Bên mời thầu căn cứ vào mục tiêu, phạm vi công việc, dự toán được duyệt để chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu được chủ đầu tư xác định có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu. Nội dung dự thảo hợp đồng bao gồm các yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, thời gian thực hiện, chất lượng công việc cần đạt được, giá trị tương ứng và các nội dung cần thiết khác;

Trên cơ sở dự thảo hợp đồng, bên mời thầu và nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu tiến hành thương thảo, hoàn thiện hợp đồng làm cơ sở để phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng;

Ký kết hợp đồng: Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, biên bản thương thảo hợp đồng và các tài liệu liên quan khác.

Đọc thêm