Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ tháng 3 đến tháng 6/2017 tại khu vực ĐBSCL, lượng mưa giảm, khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm. Mùa khô 2016-2017, tổng lượng dòng chảy sông Mekong về ĐBSCL sẽ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 15% đến 30%. Trong khi đó, có khả năng mùa khô 2016-2017 thuộc năm thủy văn có dòng chảy nhỏ, do đó diễn biến mặn rất phức tạp và gay gắt, xâm nhập sớm và kéo dài.
Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng nhận định, tuy mùa khô năm 2017 không khốc liệt như năm 2016 nhưng do dòng chảy sông Cửu Long có thể thiếu hụt, dẫn đến hạn hán và xâm nhập mặn đến sớm ngay từ những tháng đầu năm 2017.
Cụ thể, mùa khô 2017, ĐBSCL sẽ gặp nhiều khó khăn về lượng nước phục vụ sản xuất. Đặc biệt các địa phương ven biển như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… sẽ bị xâm nhập mặn sâu vào nội đồng. Vì vậy, các địa phương cần kiểm soát tốt hoạt động cống đập, sử dụng nước ngọt hợp lý. Xâm nhập mặn là thách thức nhưng các địa phương phải biến thành lợi thế. Đối với vùng mặn thường xuyên, cần tập trung nuôi thủy sản, còn vùng có ranh giới lúc mặn, lúc ngọt nên tập trung mô hình tôm lúa...
Các tỉnh, thành đang thực hiện các biện pháp đối diện trước diễn biến khó lường của thời tiết và dự báo năm 2016-2017, khô hạn sẽ vẫn tiếp diễn.
Huyện Krông Pa (Gia Lai) đã tích cực triển khai các biện pháp chống hạn như nắn dòng các con suối; nạo vét hồ, đập; thiết kế thêm đập tạm để bổ sung nguồn nước vào hồ chứa. Tỉnh Gia Lai cũng khuyến cáo bà con nông dân thực hiện nhiều biện pháp an toàn trong sản xuất nhằm tránh bị thiệt hại nếu hạn hán xảy ra.
Để có nước cho cây trồng vụ Đông Xuân 2016-2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Nai hướng dẫn các địa phương, các đơn vị điều tiết nước. Theo đó, UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa; Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi; Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai tổ chức kiểm tra, sửa chữa các hạng mục công trình thủy lợi bị hư hỏng sau mùa mưa lũ 2016. Đồng thời lập kế hoạch tưới, cấp nước phù hợp với tình hình nguồn nước tại các công trình thủy lợi; xây dựng phương án phòng chống hạn.
Tây Ninh cũng có những biện pháp để chủ động nguồn nước tưới phục vụ sản xuất năm 2017. Dự kiến, trong năm 2017 lượng nước cho các công ty phục vụ sản xuất nông, công nghiệp và sinh hoạt vào khoảng 1.053.500 triệu m3. Trong đó, lượng nước tưới phục vụ nông nghiệp 1.048.500 triệu m3; cấp nước phục vụ công nghiệp 5 triệu m3.
Bên cạnh đó, nhằm quản lý được nguồn nước, tránh hao phí nước ban đêm do một bộ phận người dân có thói quen lấy nước tưới vào ban đêm, hoặc lấy nhiều nước rồi xả ra kênh tiêu, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác Thủy lợi Tây Ninh sẽ phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa thống nhất lịch đóng giảm nước, dự kiến từ 16h chiều hôm trước đến 4h sáng hôm sau sẽ mở nước, vẫn đảm bảo ban ngày có đủ lượng nước phục vụ cho sản xuất.
Theo đó, để đảm bảo việc nước cấp cho hạ du trong mùa cạn năm 2016-2017, các Công ty chủ động vận hành điều tiết giảm lưu lượng xả để đưa mực nước các hồ trên không thấp hơn mực nước tối thiểu của hồ chứa tại thời điểm đầu mùa cạn theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Trường hợp đầu mùa cạn 2016-2017, mực nước các hồ vẫn không đạt mực nước tối thiểu yêu cầu của Quy trình, Công ty phải đề xuất ngay phương án, báo cáo Bộ TN&MT các cơ quan liên quan để thống nhất phương án điều tiết nước theo quy định của Quy trình đối với các hồ Cửa Đạt, Đắk Đrinh và Định Bình; đồng thời đề xuất phương án, báo cáo UBND các tỉnh Kon Tum, Gia Lai đối với hồ Sê San 4; UBND tỉnh Quảng Nam đối với các hồ A Vương, sông Bung 4 và Đắk Mi 4; Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đối với hồ sông Ba Hạ để quyết định điều chỉnh lưu lượng, thời gian vận hành hồ.