Góp sức giảm nghèo ở vùng duyên hải Trà Vinh

(PLVN) - Nguồn vốn tín dụng ưu đãi được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chuyển tải kịp thời cho vay đúng đối tượng có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân Trà Vinh, giúp họ có đồng vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc Khmer.
Anh Bùi Văn Kha (bên trái, trú tại ấp Rạch Nghệ, xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè, Trà Vinh) vay vốn hộ nghèo đầu tư phát triển mô hình trồng cam sành mang lại thu nhập 50 – 60 triệu đồng/năm, đã giúp anh thoát nghèo bền vững

Những câu chuyện thoát nghèo

Chuyện gia đình chị Kim Thị Nga (dân tộc Khmer ở ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) thoát nghèo bền vững và đang phát triển kinh tế ổn định được nhiều người dân trong vùng biết đến, cũng là động lực cho nhiều gia đình còn đang khó khăn khác.

Câu chuyện bắt đầu khi cách đây 5 năm gia đình chị được tiếp cận đồng vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Cầu Ngang để nuôi bò sinh sản. Sau hơn 1 năm thì bò sinh bê, chị bán có lời và trả nợ ngân hàng 7 triệu đồng. Được sự tư vấn của cán bộ tín dụng NHCSXH và cán bộ khuyến nông huyện, chị tiếp tục được vay 8 triệu đồng chương trình hộ dân tộc thiểu số nghèo đồng bằng sông Cửu Long để đầu tư mua giống trồng ớt. Nhờ chăm bón tốt, vườn ớt đã cho thu hoạch và bán được 60 triệu đồng, trừ đi chi phí, chị lời được 40 triệu đồng. 

“Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình làm ra được số tiền lớn đến vậy. Gia đình tôi còn được vay vốn ưu đãi xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường và làm nhà ở khang trang, kiên cố. Nếu không được vay vốn từ NHCSXH để làm ăn, chắc giờ gia đình tôi vẫn còn ở trong túp lều tranh dột nát rồi! Giờ gia đình tôi rất phấn khởi, có thêm động lực tiếp tục phát triển sản xuất, gửi tiết kiệm hàng tháng tại NHCSXH, trả được nợ cho ngân hàng đúng hạn”, chị Nga chia sẻ.

Dù có nhiều lợi thế về khí hậu, đất đai, nhưng Trà Vinh vẫn là một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với mặt bằng chung của khu vực. Để giảm nghèo nhanh và bền vững, trong thời gian gần đây, tỉnh Trà Vinh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp huy động các nguồn lực giúp người nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao mức sống, trọng tâm đầu tư các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển, xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. 

Năm 2018, tỉnh đã dành 23 tỷ đồng hỗ trợ đất cho 771 hộ nghèo ở 9 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc và phấn đấu đến cuối năm nay có 100% số hộ nghèo thuộc đối tượng đều được hỗ trợ đất ở theo quy định của Nhà nước. Đặc biệt thực hiện chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi, NHCSXH Trà Vinh trong 5 tháng đầu năm 2019 đã giải ngân hơn 700 tỷ đồng, nâng tổng doanh số cho vay sau chặng đường 16 năm hoạt động đạt hơn 4.500 tỷ đồng, với trên 470 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong toàn tỉnh được vay vốn ưu đãi, góp phần giảm 2,46% số hộ nghèo toàn tỉnh vào cuối năm 2018, trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm 4,4% vượt 1,4% so với chỉ tiêu đề ra.

Hộ nghèo giảm, chất lượng tín dụng tăng

Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Trà Vinh cho biết, để nguồn vốn ưu đãi đến được đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy được hiệu quả cao nhất, đồng thời đảm bảo nâng cao chất lượng tín dụng, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức Hội đoàn thể nhận ủy thác tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, thực hiện linh hoạt công tác huy động nguồn vốn, quản lý điều hành tốt chỉ tiêu kế hoạch tín dụng, thực hiện chặt chẽ công tác giám sát nguồn vốn. Đồng thời, thường xuyên phối hợp lồng ghép các nguồn vốn tín dụng chính sách với các chương trình, dự án tại địa phương, nâng cao chất lượng hoạt động mạng lưới Tổ TK&VV và lựa chọn những tổ hoạt động khá để nhân rộng điển hình tiên tiến.

Nhờ vậy, tỷ lệ nợ quá hạn của tín dụng ưu đãi ở Trà Vinh đến nay còn có 0,42% giảm 3,6% so với năm 2015. Chất lượng tín dụng được nâng cao không chỉ thể hiện vào những con số kết quả mà còn góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp về quản lý, thực hiện công tác tín dụng chính sách, làm cho cán bộ nhân viên NHCSXH năng động, nêu cao trách nhiệm trong công tác hơn, nhất là làm thay đổi căn bản ý thức có vay có trả của đông đảo hộ nghèo. 

Rõ ràng, nguồn vốn tín dụng ưu đãi ở Trà Vinh đã, đang phát huy hiệu quả và không ngừng được nâng cao chất lượng, góp phần quan trọng trong các chương trình giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới. Qua hoạt động tín dụng chính sách tác động mạnh mẽ đối với việc đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương theo định hướng của Đảng, Nhà nước.

Đọc thêm