Hà Giang: Nhức nhối tình trạng phá rừng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Những năm qua, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang đã liên tục có nhiều chính sách hỗ trợ trồng rừng, chỉ đạo các xã phải thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế, song thực tế có nơi vẫn chưa thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, tại xã Xuân Giang tình trạng phá rừng diễn ra với tốc độ đáng báo động khiến người dân, cử tri nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Một khu rừng thuộc loại rừng tự nhiên sản xuất ở thôn Trung bị phát trắng.
Một khu rừng thuộc loại rừng tự nhiên sản xuất ở thôn Trung bị phát trắng.

Phá rừng bằng thủ đoạn chặt tỉa gỗ

Người dân thôn Trung, xã Xuân Giang, huyện Quang Bình (Hà Giang) phản ánh tình trạng phá rừng tại địa phương này vài năm trở lại đây diễn biến phức tạp. Đặc biệt, các đối tượng phá rừng hầu hết là người địa phương. Theo chân ông H.L, từ trụ sở thôn Trung lên đồi Pắc Muông dễ dàng thấy cả đoạn đường lên núi khoảng 1h đi bộ đều xuất hiện rãnh sâu ở tim đường. Ông L bảo, người ta kéo gỗ nhiều thành thử đường mòn và tạo thành rãnh như thế.

Dọc đầu nguồn con suối chảy xuống từ đồi Pắc Muông là lác đác những cây gỗ rừng bị chặt hạ, số đã được kéo xuống núi và chuyển đi bán. Số còn lại vẫn còn đang tứa nhựa ngả trên rừng. Ông L cho hay, hôm 22/11/2021, thôn đã tổ chức cùng xã bắt 2 xe công nông chở gỗ nên mấy hôm nay họ dừng chưa kéo, nhưng mấy ngày nữa yên ắng chắc chắn họ lại lên kéo tiếp.

Theo người dân địa phương, do địa hình dốc, các đối tượng chủ yếu kéo gỗ từ trên đồi xuống bán bằng trâu. Nhất là thời điểm sau mùa gặt, có đến 6-7 con trâu được một số đối tượng trong thôn huy động kéo gỗ. Khôn khéo ở chỗ, “lâm tặc” thường chặt tỉa gỗ trong rừng để tránh bị phát hiện hoặc có phát hiện thì mức xử phạt chỉ là vi phạm hành chính nên… không đáng lo.

Ở những địa điểm khác của thôn Trung, như khu Khuổi Há giáp Khâu Thung tình trạng phá rừng cũng phức tạp không kém. Theo ông L, khu vực này trước đây là rừng tự nhiên nhưng nay người ta đã phát trắng để trồng cam, như vườn của hộ ông Hoàng Văn Đức, Triệu Quầy Phấu, Lò Văn Chòi… Mới đây, lại tiếp tục phát trắng quả đồi ngay cạnh đường đi xã Nà Khương và giờ chỉ chờ cây khô là người ta đốt.

Để làm rõ các địa điểm mất rừng trên của thôn Trung thuộc loại rừng gì trên bản đồ phân ba loại rừng. Phóng viên PLVN đã liên hệ đơn vị chuyên môn đo đạc và cho kết quả từng địa điểm. Cụ thể, khu vực đang mất rừng tại lô 6, khoảnh 4, tiểu khu 328; lô 4, khoảnh 10, tiểu khu 328; lô 6, khoảnh 15, tiểu khu 328 và lô 6, khoảnh 10, tiểu khu 328… tất cả hiện trạng đều là rừng hỗn giao gỗ, tre, nứa tự nhiên núi đất chức năng sản xuất thuộc quản lý của UBND xã Xuân Giang.

Các đối tượng chỉ chặt tỉa những cây gỗ trong rừng.

Các đối tượng chỉ chặt tỉa những cây gỗ trong rừng.

Tình trạng phá rừng đầu nguồn ở Bản Tát với tốc độ đáng báo động.

Tình trạng phá rừng đầu nguồn ở Bản Tát với tốc độ đáng báo động.

Đâu là nguyên nhân?

Một người có uy tín của thôn Trung cho hay, diện tích rừng tự nhiên hiện nay của địa phương bị thu hẹp là do người dân ý thức kém, ngoài ra còn là sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền và lực lượng bảo vệ rừng. “Từ năm 2017, nhân dân thôn Trung đã có ý kiến với lãnh đạo địa phương về việc giải quyết dứt điểm những hộ phát lấn chiếm rừng cộng đồng và yêu cầu nhổ toàn bộ số cây cam, quýt… mà những hộ này trồng lên, nhưng đến nay vẫn không được giải quyết” - người này nói.

Người này cũng cho biết, xưởng bóc của bà V.T.T.Linh đặt tại thôn Kiêu – một địa điểm “nhạy cảm” vì ngay cửa rừng là không thích hợp. Bởi gỗ trồng ở rừng sản xuất ít nên chủ yếu xưởng này thu mua gỗ tạp có xuất xứ từ rừng tự nhiên và rừng phòng hộ. Các thôn đã kiến nghị chuyển xưởng gỗ này đi nơi khác trước 30/9/2021, nhưng chính quyền địa phương tiếp tục cho xưởng bóc này ra hạn đến 30/12/2021.

Thực tế, tình trạng mất rừng không chỉ diễn ra ở thôn Trung, mà dư luận tại thôn Bản Tát, xã Xuân Giang cũng vô cùng bức xúc. Theo người dân nơi đây, diện tích rừng tự nhiên những năm gần đây đang bị mất một cách “chóng mặt”. Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều quả đồi ở Bản Tát bị phát trắng, số đã được thay thế bằng những loại cây khác, số thì đang được người dân phát hoặc đang đốt. Cụ thể tại các khu vực thuộc núi Khâu Trà và khu vực giáp Mả Tù.

Một số địa điểm đã bị các đối tượng phát lấn rừng tự nhiên thể hiện trên bản đồ phân ba loại rừng như: lô 45, khoảnh 11; lô 6, khoảnh 11… thuộc tiểu khu 328, hiện trạng là rừng hỗn giao gỗ, tre, nứa tự nhiên núi đất chức năng sản xuất. Đặc biệt, khu vực mất rừng tại lô 30, khoảnh 14, tiểu khu 328 qua xác minh hiện trạng là rừng thường xanh phục hồi có chức năng phòng hộ.

Thời gian gần đây, rất nhiều vụ phá rừng ở Xuân Giang có tính chất nghiêm trọng đến mức phải khởi tố, song vì lợi nhuận, thiếu hiểu biết nhiều đối tượng đã vướng vòng lao lý vì phá rừng.

PLVN sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm