Theo thống kê, toàn tỉnh có 8.602 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Trong đó, có 1.717 thí sinh đăng ký dự thi chỉ lấy điểm để xét tốt nghiệp (chiếm 20%), 6.515 thí sinh đăng ký dự thi lấy điểm xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng (chiếm 75,7%) và 370 thí sinh thi chỉ để xét tuyển đại học, cao đẳng (chiếm 4,3%).
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường THPT tổ chức dạy học trong học kỳ II và ôn tập thi. Theo đó, đối với việc tổ chức ôn tập, các nhà trường tập trung rà soát, phân loại học sinh khối 12 theo các nhóm đối tượng và chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức ôn tập cho học sinh một cách phù hợp.
Trên cơ sở phân bố chương trình, nhất là với các môn được chọn thi, các tổ nhóm chuyên môn trong các nhà trường có kế hoạch chi tiết, bảo đảm hoàn thành chương trình dạy theo đúng thời gian quy định; thực hiện dạy đúng, dạy đủ chương trình, bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức và kỹ năng giúp học sinh có đủ kiến thức dự thi. Đồng thời, nghiên cứu, giúp học sinh làm quen với các bộ đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT trong cả quá trình dạy học và ôn luyện thi.
Để đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, cả giáo viên và học sinh đều xác định phải tự thay đổi cách học, phương pháp dạy phù hợp. Trải qua việc làm bài thi thử, thi khảo sát với đề như bộ đề minh họa, học sinh đã có cơ hội được làm quen với cách làm bài, rèn thêm cho mình kỹ năng tính toán, làm bài nhanh.
Do trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thí sinh chỉ được đăng ký 1 bài thi tổ hợp thay vì cả 2 như các kỳ thi THPT quốc gia mọi năm nên phải có sự cân nhắc, chọn lựa đăng ký thi tổ hợp một cách hợp lý.
Trên cơ sở các môn học sở trường và nguyện vọng thi khối, việc đăng ký học tổ hợp KHXH (gồm các môn Sử, Địa, GDCD) hay tổ hợp KHTN (gồm Lý, Hóa, Sinh) được thực hiện sớm, qua đó giúp các nhà trường và giáo viên có sự định hướng, hướng dẫn khá cụ thể, dễ hiểu về cách làm bài thi trắc nghiệm, được làm bài kiểm tra thường xuyên, tăng cường cho học sinh ý thức rèn kỹ năng làm bài bảo đảm có độ chính xác cao, căn chuẩn thời gian.
Theo kết cấu đề thi, các môn thành phần trong hai bài thi tổ hợp có số lượng câu hỏi nhiều, lên đến 40 câu/môn, thành phần kiến thức rộng, thời gian làm bài chỉ trong 50 phút/môn. Một số giáo viên bộ môn KHXH cho biết, hướng dạy đối với các môn này là xây dựng đề cương theo cách hỏi-đáp, độ bao phủ kiến thức toàn diện hơn và hướng dẫn học sinh cách làm bài.
Bên cạnh đó, đa số giáo viên khi được hỏi đều khẳng định quan điểm cá nhân là không canh đề và đoán nội dung đề cho học sinh, mà tập trung hướng dẫn học sinh kỹ năng làm bài sao cho thật nhuần nhuyễn. Các câu hỏi từng môn thi sẽ có cấp độ từ nhận biết kiến thức đến thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao theo ma trận đề của Bộ GD&ĐT.
Do đó, trong quá trình ôn tập, đa số giáo viên đều khẳng định quan điểm cá nhân là không canh đề và đoán nội dung đề bởi như vậy dễ gây mất phương hướng và tạo sự chủ quan cho học sinh, mà tập trung hướng dẫn học sinh kỹ năng làm bài sao cho thật nhuần nhuyễn, hướng dẫn học sinh cách phân tích và xử lý nhanh các câu hỏi, tránh bị lạc đề hoặc nhầm kiến thức.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đang đến gần. Thầy, trò các nhà trường trên toàn tỉnh Hà Nam đã và đang có sự chuẩn bị chu đáo nhất về cả tâm lý, kiến thức, vững tin bước vào một kỳ thi quan trọng.
Điển hình, đến thời điểm này, Trường THPT A Bình Lục cũng bước vào giai đoạn nước rút, tích cực tổ chức dạy và học ôn. Cô giáo Nguyễn Thị Thúy, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa, nhà trường đã yêu cầu các tổ bộ môn họp chuyên môn và giao cho giáo viên xây dựng các bộ đề trắc nghiệm làm ngân hàng đề cho nhà trường, khuyến khích giáo viên chủ động đổi mới phương pháp dạy.
Hiện học sinh của nhà trường đã được làm quen dần với các bài kiểm tra trắc nghiệm trên lớp. Mặc dù theo yêu cầu của đề thi năm nay có một số thay đổi, nhưng với sự chủ động và tinh thần ôn tập quyết liệt, hy vọng nhà trường sẽ thu được nhiều kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT…