Hà Nam: Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, tiêu huỷ 139 con

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong những ngày gần đây, trên địa bàn huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam) liên tục xuất hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi, đến nay đã có 139 ốm chết.

Đợt dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trên địa bàn huyện Bình Lục, Hà Nam bắt đầu từ ngày 11/10, lực lượng chức năng nhận thông tin nhà ông Nguyễn Đăng Ứng nuôi 65 con lợn thì có 13 con bị ốm, chết bất thường.

Ngay sau đó, Chi cục Chăn nuôi – Thú y đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện Bình Lục tiến hành kiểm tra và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. Chính quyền địa phương huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam) đã lập 2 chốt kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra, vào địa bàn.

Đến ngày 13/10, mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi. Sau khi có kết quả xét nghiệm, địa phương đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ 65 con lợn của hộ gia đình ông Nguyễn Đăng Ứng.

Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trên địa bàn huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trên địa bàn huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Chỉ ít ngày sau, Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở NNPTNT tỉnh Hà Nam) tiếp tục phát hiện trên địa bàn huyện Bình Lục xuất hiện thêm nhiều hộ chăn nuôi có lợn ốm, chết bất thường. Toàn bộ số lợn chết của các hộ này đã được chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy theo đúng quy định và triển khai các biện pháp khoanh vùng phòng chống dịch.

Ngày 21/10, ông Đỗ Mạnh Hà, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y đã chia sẻ những thông tin liên quan đến ổ dịch này. Theo ông Hà, địa phương hiện vẫn đang vào cuộc quyết liệt, dập dịch, giảm thiểu thiệt hại cho bà con nhân dân.

"Đến thời điểm hiện tại chúng tôi ghi nhận dịch xuất hiện tại thị trấn Bình Mỹ, xã Trung Lương và xã An Đổ thuộc huyện Bình Lục. Lực lượng chức năng đã tiêu hủy theo quy định 139 con lợn ốm chết với tổng trọng lượng 3.949 kg. Chúng tôi còn ghi nhận một số trường hợp nghi mắc dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn nhưng chưa có kết quả nên chưa công bố", ông Hà nói.

Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi – Thú y cũng đang phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi khu vực có dịch; duy trì các chốt kiểm soát; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn lợn tại cơ sở để kịp thời phát hiện xử lý không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Đọc thêm