Hà Nội đặt nhiều kỳ vọng vào kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hà Nội hiện có hơn 1.350 làng nghề, chiếm 1/3 số làng có nghề và làng nghề được công nhận của cả nước. Trong đó, có những làng nghề hơn 1.000 năm phát triển gắn với quá trình hình thành Thăng Long - Hà Nội; nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo.
Sản xuất sản phẩm gốm sứ tại làng nghề Bát Tràng, Hà Nội.
Sản xuất sản phẩm gốm sứ tại làng nghề Bát Tràng, Hà Nội.

Việc phát triển các làng nghề không chỉ góp phần giữ nghề, làm giàu từ nghề mà còn góp phần tạo nên bản sắc, thương hiệu của Thủ đô Hà Nội. Thông qua bản sắc, thương hiệu đó sẽ góp phần định vị vị trí của Hà Nội trên trường quốc tế, Thủ đô nghìn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo.

Mới đây, TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch về bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Dự kiến 50 dự án phát triển ngành nghề nông thôn sẽ được hỗ trợ thực hiện.

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, năm vừa qua, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng cơ bản Hà Nội không bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp, làng nghề hầu hết duy trì được đơn hàng, nhất là đơn hàng xuất khẩu. Dù lợi nhuận gần như không có do chi phí đầu vào tăng cao, nhưng đây vẫn là thành công lớn của các doanh nghiệp.

Sức chống chịu dẻo dai của doanh nghiệp khu vực nông thôn có được một phần nhờ vào hệ thống chính sách khuyến khích phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn được thành phố chú trọng xây dựng và ban hành qua nhiều năm.

Kế hoạch về bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025 xác định tập trung vào 5 nhóm nội dung, gồm rà soát, hoàn thiện chính sách; bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, phát triển nghề mới; đào tạo nguồn nhân lực làng nghề; tăng cường bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu gắn với phát triển sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Đáng chú ý, thành phố sẽ thực hiện thu thập và bảo tồn, lưu giữ tư liệu về giá trị truyền thống của làng nghề và sản phẩm làng nghề, hỗ trợ xây dựng các phòng trưng bày, bảo tàng nghề, làng nghề thủ công mỹ nghệ, khu trình diễn nghề truyền thống.

Xây dựng các trung tâm xúc tiến thương mại sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ. Tập trung nguồn lực, ưu tiên bảo tồn 7 làng nghề truyền thống tiêu biểu: Làng gốm Bát Tràng; làng lụa Vạn Phúc; làng mây tre đan Phú Vinh; làng quạt Chàng Sơn (Thạch Thất); làng chuồn chuồn tre Thạch Xá; làng nón Chuông (Thanh Oai); làng thêu Quất Động (Thường Tín).

Khuyến khích sử dụng phương thức truyền thống kết hợp cơ giới hóa một số công đoạn sản xuất thủ công mà không ảnh hưởng đến giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ và giá trị truyền thống của sản phẩm.

Chú trọng bảo tồn các nghề truyền thống và sản phẩm làng nghề mang đậm nét văn hóa đặc trưng, độc đáo, hội tụ những tinh hoa truyền thống và có hướng đổi mới, phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp với sản xuất tại các làng nghề.

Thành phố cũng hỗ trợ các làng nghề truyền thống đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, thiết bị, máy móc nhằm nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Giai đoạn 2022-2025, dự kiến hỗ trợ 50 dự án phát triển ngành nghề nông thôn.

Đọc thêm