Hà Nội nhanh chóng truy vết, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiệm vụ quan trọng hiện nay đối với TP Hà Nội là phải tận dụng tối đa “thời gian vàng” những ngày giãn cách để thần tốc truy vết, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; cách ly triệt để các trường hợp liên quan; dập tắt nhanh nhất ổ dịch mới, cố gắng không để dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng.
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân ở Hà Nội.
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân ở Hà Nội.

Giải pháp tốt nhất tại thời điểm này

Từ ngày 9/8, TP Hà Nội bước vào ngày đầu tiên của đợt giãn cách xã hội tiếp theo (15 ngày) theo Công điện số 18/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND TP Hà Nội dựa trên tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, việc giãn cách thêm 15 ngày là quyết định vừa đúng vừa trúng, giúp TP kịp thời kiểm soát được dịch. Đây là giải pháp tốt nhất tại thời điểm này. Quyết định cũng được người dân đồng tình và đa số chấp hành nghiêm các yêu cầu phòng, chống dịch.

Hiện nay, biến chủng Delta tốc độ lây lan rất nhanh và nguy hiểm, trong khi đó nhiều chùm ca bệnh trong cộng đồng chưa xác định được nguồn lây. Đặc biệt, đã xuất hiện các trường hợp mắc trong bệnh viện, một số nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp, chuỗi cung ứng, chợ đầu mối... Nên có thể nói nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên địa bàn TP là rất lớn, khó lường.

TP Hà Nội phải tận dụng tối đa “thời gian vàng” những ngày giãn cách để thần tốc truy vết, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; cách ly triệt để các trường hợp liên quan; dập tắt nhanh nhất ổ dịch mới, cố gắng không để dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng.

Bên cạnh đó, TP đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19. Nguồn cung cấp vaccine hiện nay từ Bộ y tế, nên được phân bổ đến đâu, thành phố sẽ thực hiện tiêm ngay đến đó.

Hà Nội cũng đã lên phương án đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ nhân dân, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, không để khan hàng, thiếu hàng, hàng giả, hàng kém chất lượng, tăng giá, đầu cơ găm hàng gây hoang mang trong dư luận…

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 còn lâu dài, càng lúc càng khó khăn, các cấp, các ngành từ TP xuống cơ sở phải quán triệt quan điểm coi người dân là trung tâm, phải quan tâm, chăm lo thật tốt đời sống nhân dân khi thực hiện giãn cách, không để người dân thiếu đói, người khó khăn mà không được giúp đỡ, người ốm, đau mà không được chữa trị kịp thời. Bên cạnh đó, để công cuộc chống dịch đạt hiệu quả cao, quan trọng nhất vẫn là sự đồng tình, ủng hộ và chấp hành nghiêm nguyên tắc giãn cách xã hội của mỗi người dân Thủ đô.

Sẵn sàng phương án để đáp ứng 8000 giường điều trị

Bên cạnh việc không để dịch lây lan, vấn đề điều trị các ca bệnh COVID-19 cũng rất cấp thiết hiện nay. Do đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Phương án số 182/PA-UBND đáp ứng 8.000 giường điều trị người bệnh COVID-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch trong tình huống có 40.000 người bệnh COVID-19 trên địa bàn TP.

Mục đích của phương án nhằm bố trí các bệnh viện bảo đảm đủ điều kiện để sẵn sàng thu dung, điều trị cho 8.000 người bệnh mắc COVID-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch, phù hợp với tình hình dịch bệnh; đồng thời sử dụng nguồn lực hợp lý, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong công tác thu dung, điều trị COVID-19 trên địa bàn TP.

Phương án thực hiện được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn đáp ứng 2.000 giường điều trị người bệnh COVID-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch (tình huống có 10.000 ca mắc); Giai đoạn đáp ứng 4.000 giường bệnh điều trị người bệnh COVID-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch tình huống 20.000 ca mắc); Giai đoạn đáp ứng 8.000 giường bệnh điều trị người bệnh COVID-19 mức độ vừa, nặng và nguy kịch (tình huống 40.000 ca mắc).

Việc phân loại người bệnh theo mức độ nặng, nhẹ căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trên cơ sở phân loại người bệnh theo mức độ nặng nhẹ, Hà Nội sẽ phân chia các cơ sở thu dung, điều trị thành 3 nhóm: Cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân vừa; Cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch cần điều trị hồi sức tích cực; Cơ sở thu dung, điều trị người bệnh không có triệu chứng và nhẹ.

Kinh phí thực hiện phương án chủ yếu từ các nguồn: Nguồn ngân sách nhà nước các cấp; Bảo hiểm y tế chi trả cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế theo quy định; Nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

TP Hà Nội vừa ban hành văn bản siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội. Theo đó, ngoài giấy đi đường theo mẫu của TP, tại các chốt kiểm soát, người đi đường phải xuất trình một số giấy tờ cá nhân như: CCCD/CMTND, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Trong ngày đầu tiên (9/8) áp dụng quy định mới về giấy đi đường, tại 23 chốt kiểm dịch của TP, mật độ phương tiện qua lại không quá đông. Tuy nhiên, tại một vài địa bàn giáp ranh giữa một số quận, huyện có hiện tượng ùn ứ vào sáng sớm, nhưng đều được giải quyết nhanh nhất. Các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm soát, nhắc nhở người dân tuân thủ đúng quy định. Nhiều người dân được tạo điều kiện di chuyển mà do chưa kịp bổ sung giấy tờ.

Đọc thêm