Hà Nội: Nới lỏng phải kèm siết quản lý, xử lý nghiêm vi phạm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiện nay tại Hà Nội, chùm ca bệnh phức tạp ở Bệnh viện Việt Đức vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do đó, TP cần tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch, không được lơ là. Việc nới lỏng phải kèm theo siết chặt quản lý, kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm.
Nhân viên y tế phường Hàng Bông tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người dân khu vực tiếp giáp Bệnh viện Việt - Đức.
Nhân viên y tế phường Hàng Bông tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người dân khu vực tiếp giáp Bệnh viện Việt - Đức.

Tính đến ngày 3/10, chùm lây nhiễm tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã có hơn 30 ca COVID-19, những ca này không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các tỉnh khác như Nam Định, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Hải Dương.

Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, đối với ổ dịch ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, TP Hà Nội có thể khống chế được dịch, không để dịch lan quá mạnh. Những đối tượng có nguy cơ cao là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế… đã được cách ly. Số nhiễm mới trong thời gian tới có thể tập trung chủ yếu vào nhóm này, là các ca bệnh nằm trong tầm kiểm soát, không còn nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nêu rõ, thực tế, mầm bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng, loại bỏ hoàn toàn F0 là không thể. Chúng ta chấp nhận mở cửa thì phải chủ động phòng ngừa và sẵn sàng chấp nhận những chuỗi lây nhiễm mới có thể xuất hiện. Bệnh viện lại là nơi nguy cơ cao nhất do tập trung đông người và thường xuyên có bệnh nhân biểu hiện ho, sốt, khó thở… tới khám nên càng dễ bùng dịch hơn.

Biện pháp lúc này là không chỉ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, tất cả bệnh viện khác phải tiến hành phân luồng bệnh nhân ngay từ cổng, chia khu nội trú, ngoại trú riêng. Người đến từ vùng có dịch hoặc có biểu hiện nghi nhiễm (triệu chứng ho, sốt) phải được đưa vào khu sàng lọc riêng để xét nghiệm COVID-19. Thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm, cần đưa họ vào khu cách ly tạm thời, đến khi loại trừ được nguy cơ mới có thể tiếp tục khám chữa bệnh như những bệnh nhân khác.

Bên cạnh đó, công tác kiểm soát người ra vào phải thực hiện nghiêm ngặt, tránh tình trạng thoải mái ra vào, rất dễ khiến mầm bệnh xâm nhập. Đảm bảo mỗi bệnh nhân chỉ có tối đa 1 người thân vào chăm, không tổ chức thăm nom. “Nếu tăng cường và làm tốt được các giải pháp phòng ngừa lây nhiễm, đặc biệt là chống quá tải, đảm bảo khoảng cách, tăng cường giám sát, đảm bảo các bề mặt môi trường được vệ sinh khử khuẩn đúng quy định, yêu cầu mọi người luôn mang khẩu trang và thường xuyên vệ sinh tay thì khi có mầm bệnh xâm nhập, việc khống chế ổ dịch cũng sẽ trở nên đơn giản hơn”, PGS Hùng nhận định.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh thêm, vấn đề đáng lo ngại lúc này đó là những người ở bệnh viện này trở về các tỉnh, thành khác. Do đó, việc các địa phương cần làm ngay lúc này là chuẩn bị tốt công tác truy vết, rà soát người liên quan ổ dịch và có giải pháp giám sát, cách ly, xét nghiệm phù hợp để ngăn mầm bệnh xâm nhập.

Trước nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn tiềm ẩn, mới đây trong cuộc họp giao ban, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng nêu rõ, hiện TP Hà Nội vẫn phải tiếp tục duy trì quản lý 55 chốt kiểm soát cửa ngõ thành phố; các chốt tự quản ở khu dân cư, giám sát chặt biến động dân cư, phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm; tăng cường ý thức của người dân trong công tác phòng chống dịch, không tụ tập đông người, thực hiện nghiêm 5K; thực hiện nghiêm phương châm: “5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân”.

Nêu 6 nhóm vấn đề trọng tâm các đơn vị cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trung tâm y tế triển khai ngay phần mềm xét nghiệm đã được tập huấn. Đồng thời, giao Sở Thông tin và Truyền thông chuẩn bị kế hoạch để triển khai phần mềm PC Covid; tiếp tục duy trì, kiện toàn, nâng cấp tốt hơn Tổng đài 1022. Công an TP phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế và các đơn vị của Bộ Công an triển khai phần mềm trên nền tảng dữ liệu dân cư… Tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm cho người có triệu chứng ho, sốt; triển khai tiêm vaccine mũi 2 một cách khoa học, minh bạch và an toàn.

“Phải khẩn trương triển khai một cách thực chất nhất để kiểm soát dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội”, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng nêu rõ.

Đọc thêm