Hà Nội: Tập trung xây dựng, định vị thương hiệu “thành phố sáng tạo” của UNESCO

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đây là một trong các nội dung được nêu trong Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ký ban hành ngày 22/2.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thành ủy Hà Nội quán triệt quan điểm phát triển công nghiệp văn hóa được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đồng thời là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định phát triển bền vững thủ đô. Đây cũng là một ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng GRDP, đem lại nhiều việc làm và thu nhập, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững thủ đô.

Phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của thủ đô ngàn năm văn hiến. Song song đó, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Hà Nội trở thành “thành phố sáng tạo”, quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới.

Quá trình phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy cao nhất lợi thế của Thủ đô. Đồng thời đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả liên kết giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phổ biến và tiêu dùng; tạo nên những sản phẩm văn hóa mới đặc sắc, hình thành liên kết chuỗi góp phần gia tăng giá trị, sức cạnh tranh, thúc đẩy thị trường xuất khẩu, phát triển và định vị thương hiệu sản phẩm công nghiệp văn hóa thủ đô ở trong nước, khu vực và trên thế giới…

Nghị quyết đề ra mục tiêu tạo bước phát triển toàn diện các của thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao. Nghị quyết cũng nêu rõ, ngành công nghiệp văn hóa hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đòi hỏi dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.

Tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế của thủ đô như du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ; điện ảnh; thời trang…phù hợp với thực tiễn thủ đô và từng giai đoạn cụ thể.

Nghị quyết đề ra các mục tiêu cụ thể như, đến năm 2025, công nghiệp văn hóa thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; giữ vững và phát triển thương hiệu thủ đô ngàn năm văn hiến, “thành phố vì hòa bình”, “thành phố sáng tạo”. Phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của TP.

Đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Doanh thu từ các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 8% GRDP của TP...

Để thực hiện các mục tiêu trên, Thành ủy Hà Nội chỉ rõ 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đáng chú ý, cùng với đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa, Hà Nội sẽ xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích phát triển bền vững các không gian sáng tạo trở thành “hệ sinh thái sáng tạo”; khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, phát triển kinh tế số, kinh tế ban đêm, kinh tế đô thị.

Cùng với đó, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu “thành phố sáng tạo” của UNESCO với hàng loạt các biện pháp cụ thể như xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng, củng cố, kết nối, đầu tư cho các không gian sáng tạo; triển khai dự án chuỗi chương trình truyền hình tài năng sáng tạo Hà Nội; tổ chức tuần Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội hằng năm; tổ chức mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ...

Đọc thêm